23/11/2024

Nigeria đã trở thành nơi sát hại KI-tô hữu dữ dội nhất trên thế giới vì có các nhóm Hồi giáo khủng bố cực đoan như Boko Haram, Nhà nước Hồi giáo và Fulani. Ước tính có khoảng 50.000 đến 70.000 Ki-tô hữu đã bị giết trong thập kỷ qua tại quốc gia này. Tuy nhiên, cộng đồng Ki-tô giáo ở Nigeria mạnh hơn chủ nghĩa khủng bố. Tin Mừng lan truyền ở những khu vực bị bách hại dữ dội nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Bất kể nhóm này làm gì, Tin Mừng sẽ tiếp tục tiến về phía trước.

 

 

Nigeria có 206 triệu dân, gần như được phân chia đồng đều giữa Hồi giáo và Ki-tô giáo. Hồi giáo là tôn giáo chính ở miền Bắc và Ki-tô giáo chiếm đa số ở miền Nam. Tuy thế các Ki-tô hữu lại bị tấn công tại nhiều nơi, chủ yếu do nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram và nhóm chăn nuôi Fulani. Hầu hết các vụ giết người đều diễn ra ở Vành đai Trung tâm của Nigeria, nơi hai nửa đất nước gặp nhau.

Trong một báo cáo mới đây có tựa đề: Nigeria: Cánh đồng giết chóc của những Ki-tô hữu không thể tự vệ, Hiệp hội Quốc tế về Quyền tự do dân sự và Pháp quyền (Intersociety) cho biết có từ 11.500 đến 12.000 Ki-tô hữu đã bị giết ở Nigeria kể từ tháng 6 năm 2015. Và trong hai tháng đầu năm 2020 đã có 350 Ki-tô hữu bị giết ở Nigeria.

Lý do bách hại của Boko Haram và ISIS: loại bỏ ảnh hưởng phương Tây và trả thù

Cuộc bách hại này có những lý do khác nhau, dựa trên các nhóm và vị trí. Đối với Boko Haram, họ muốn loại bỏ mọi ảnh hưởng của phương Tây trên Nigeria, và họ cho rằng Ki-tô giáo cũng là một phần. Họ cũng tìm cách tạo ra một chế độ Hồi giáo ở vùng đông bắc của đất nước. Nhóm Nhà nước Hồi giáo rất giống với Boko Haram về lý tưởng, nhưng họ cũng có những lý do khác. Họ thường tấn công các Ki-tô hữu để trả thù cho những cái chết và các cuộc tấn công vào nhóm Nhà nước Hồi giáo và những người Hồi giáo khác trên thế giới. Một ví dụ về việc này là vụ hành quyết 11 Ki-tô hữu trên vào đêm Giáng sinh năm ngoái, năm 2019. Trong video quay lại cảnh hành quyết, nhóm nói rằng những vụ giết người này là để trả thù cho cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh nhóm ISIS.

Lý do bách hại của Fulani: kinh tế-xã hội, sắc tộc và tôn giáo

Đối với các chiến binh Fulani, đây là một vấn đề rất phức tạp với các tác động kinh tế – xã hội, sắc tộc và tôn giáo. Đối với động lực kinh tế – xã hội, người Fulani chủ yếu là những người chăn nuôi di cư, cần có đất đai. Các cộng đồng nông dân Ki-tô giáo ở Vành đai Giữa của Nigeria cũng cần có đất đai ở vùng đất này. Điều này tạo ra căng thẳng khi gia súc được chăn thả trong các trang trại, hoặc các trang trại trồng hoa màu tại nuôi gia súc.

Về lý do sắc tộc, người ta tin rằng người Fulani trong lịch sử sở hữu phần lớn miền bắc Nigeria, ở nơi được gọi là Sokoto Caliphate – chế độ Hồi giáo ở bang Sokoto. Do đó, một số người nghĩ rằng Fulani đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát những gì họ coi là đất của mình. Điều này dẫn đến việc họ sẽ tấn công và chiếm đất từ ​​những người không phải là Fulani.

Cuối cùng, động lực tôn giáo xuất phát từ thực tế là người Fulani chủ yếu là người Hồi giáo. Khi tấn công những ngôi làng nông nghiệp này, họ thường đốt phá nhà thờ, giết chết các mục tử, và phá hủy nhà cửa và cửa hiệu của Ki-tô hữu. Chưa bao giờ nghe nói về việc một nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy hoặc imam bị giết trong những cuộc tấn công này, vì vậy có một dấu hiệu rõ ràng rằng ít nhất là họ ghét Ki-tô giáo, nếu không đến mức trắng trợn nhắm vào Ki-tô hữu.

Ông Nathan Johnson cho biết rằng từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy cho đến khoảng năm 2015, các các cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo Boko Haram đã khiến cho gần như tất cả Ki-tô hữu ở bang Borno, miền bắc Nigeria, phải di tản. Chúng bao gồm vụ giết hại 11 Ki-tô hữu vào đêm Giáng sinh năm 2019, vụ sát hại một chủng sinh tên là Ropvil Dalyop, cũng như vụ bắt cóc các nữ sinh ở Chibok và Dapchi, là hai nhóm hàng trăm nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc vào năm 2014 và 2018.

Hồi giáo cực đoan không thể quét sạch Ki-tô hữu ra khỏi Nigeria

Tuy nhiên, giữa muôn vàn đau khổ bách hại, các nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram và các quân nhân Fulani không thể quét sạch Ki-tô giáo ra khỏi Nigeria. Ông Johnson khẳng định rằng khả năng phục hồi của cộng đồng Ki-tô giáo ở Nigeria mạnh hơn chủ nghĩa khủng bố. Ông nói với hãng tin Crux: “Nếu Boko Haram được phép tạo ra một chế độ do một lãnh đạo Hồi giáo cai trị, họ sẽ giết tất cả Ki-tô hữu mà họ tìm thấy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ki-tô giáo ở Nigeria chấm dứt. Tin Mừng lan truyền ở những khu vực bị bách hại dữ dội nhanh hơn bất cứ nơi nào khác. Bất kể nhóm này làm gì, Tin Mừng sẽ tiếp tục lan rộng.”

Lòng trung thành của Chúa Ki-tô với con cái Người

Ông Johnson nói thêm: “Chúa Ki-tô có thể và sẽ ban sức mạnh để giữ vững đức tin trong những tình huống thảm khốc. Đây không phải là điều mà cá nhân tôi đã trải qua nhưng là điều đã được chứng kiến ​​qua nhiều vị tử đạo và những tấm gương đức tin trong suốt chiều dài lịch sử. Chúng ta thấy những tấm gương như các tông đồ, những người hầu như đã bị giết theo những cách khủng khiếp, các nhà truyền giáo như Eric Liddell và Jim Elliot và Nate Saint, và nhiều Ki-tô hữu hàng ngày chịu chết mà không từ bỏ Chúa Ki-tô. Đó là một minh chứng đáng kinh ngạc cho lòng trung thành của Chúa Ki-tô đối với con cái của Người.”

Ông Johnson lưu ý rằng Tổ chức Quan tâm Ki-tô giáo Quốc tế cũng đang tìm cách giúp đỡ các Ki-tô hữu bị bách hại trên khắp Châu Phi. Ông nói: “Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực cung cấp các trang trại cho các nạn nhân của các vụ tấn công ở Nigeria, cũng như chỗ học cho trẻ em và gia đình phải di dời ở Nigeria, Kenya, Pakistan, v.v. Chúng tôi cũng đã làm việc tích cực để đảm bảo cho việc trả tự do cho Miriam Ibrahim ở Sudan, người đã bị kết án tử hình vì tội cải đạo.”

Hồng Thủy – Vatican News