Người Công giáo Nga lo ngại về những thay đổi đối với luật tự do lương tâm và các tổ chức tôn giáo, đã được trình lên Duma Quốc gia hay còn gọi là Hạ viện Nga.

 

 

Dự thảo luật mới được đề xuất bởi Ủy ban Quốc hội về Phát triển Xã hội Dân sự và Các vấn đề của Tổ chức Công cộng và Tôn giáo. Luật bắt buộc các linh mục và nhân viên của các tổ chức tôn giáo được đào tạo ở nước ngoài phải được đào tạo lại tại các cơ sở của Nga.

Theo cha Kirill Gorbunov, Tổng Đại diện Tổng giáo phận Đức Mẹ ở Moscow, luật bắt buộc như vậy mục đích là để “loại trừ các tư tưởng cực đoan” trong nội dung giảng dạy của các trường ở nước ngoài. Nhưng cha Kirill nói: “Chúng tôi đồng ý rằng các linh mục đến từ bên ngoài để thực hiện sứ vụ của họ ở Nga, được biết về lịch sử, văn hóa và truyền thống tôn giáo của Nga, và các vị không được truyền bá tư tưởng cực đoan. Tuy nhiên, miễn là các vị không bị vi phạm thì việc giám sát các yếu tố này là nhiệm vụ của chính các tổ chức tôn giáo”. Theo ý kiến của cha, nhà nước cố gắng điều chỉnh các quá trình này, “trong mọi trường hợp sẽ không đưa ra các giải pháp hữu hiệu, trái lại nó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn khó giải quyết”.

Cha Kirill cũng nhấn mạnh rằng “hệ thống đào tạo trong Giáo hội Công giáo là thống nhất nghiêm ngặt… Chúng tôi có thể chắc chắn rằng những tư tưởng cực đoan bị cấm tuyệt đối trong bất kỳ học viện văn hóa Công giáo nào”.

Hiện tại, do sự can thiệp, phản đối của các cộng đoàn tôn giáo trên các phương tiện truyền thông, đã ngăn chặn nỗ lực tiếp tục gia tăng các biện pháp kiểm soát đối với các tôn giáo của chính quyền. Thực tế, quá trình gia tăng kiểm soát này của chính quyền đã diễn ra trong 5 năm qua, sau khi được thông qua vào năm 2015/2016 cái gọi là “luật Jarovoj”, chống lại các biểu hiện tôn giáo có thái độ cực đoan, dẫn đến việc cấm một số tôn giáo hoạt động.

Bất kỳ sự phê chuẩn nào đối với những thay đổi mới, vốn tạo ra các phân loại mới với tên gọi “thành viên của cộng đồng”, sẽ buộc tất cả các tổ chức tôn giáo phải viết và đăng ký lại quy chế, và cho phép các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn các tổ chức tôn giáo và can thiệp vào cuộc sống của các tín đồ. Thử thách này đã lặp lại nhiều lần kể từ cuối những năm 1990, đã thách đố sự kiên trì của các cộng đoàn. Vì lý do này, một số tôn giáo không muốn đăng ký chính thức, và họ bị chính quyền quấy rầy.

Ngọc Yến – Vatican News