Hàn lâm viện giáo hoàng về khoa học nhóm phiên họp toàn thể từ 7-9/10 với đề tài “Khoa học và sự sống còn” dựa trên ý tưởng về vai trò của khoa học là nền tảng đối với sự sống còn của nhân loại. Do đại dịch, phiên họp quy tụ các chuyên gia của nhiều ngành khoa học khác nhau được tổ chức trực tuyến. Nhân dịp này ĐTC Phanxicô đã gởi một sứ điệp đến hội nghị và hoan nghênh Hàn lâm viện đã dành phiên họp toàn thể này cho mối quan tâm về sự sống còn của nhân loại do Covid-19 gây ra.
Robot và Trí tuệ nhân tạo – Một đề tài trong Hội nghị của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng virus, khi ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cũng đã ảnh hưởng đến toàn bộ cơ cấu xã hội, kinh tế và tâm linh của xã hội. Hơn nữa, nó còn gây nên những tác động to lớn đến giáo dục, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng lao động trẻ em, bóc lột, lạm dụng và suy dinh dưỡng.
Đồng thời, câu hỏi về các giải pháp công bằng cũng được đặt ra trước tác động của cuộc khủng hoảng này. ĐTC đưa ra ví dụ về hệ thống chăm sóc sức khoẻ, “nếu có ai nên được ưu tiên, thì đó phải là những người cần nhất và dễ tổn thương nhất.”
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng nổ trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, khủng hoảng sinh thái và mất đa dạng sinh học cách nghiêm trọng. Do đó, cần một sự hoán cải để thúc đẩy một “hệ sinh thái nhân văn” xứng đáng với phẩm giá bẩm sinh và số phận chung của con người.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha gợi nên câu hỏi về trách nhiệm đạo đức trong khoa học, đặc biệt nảy sinh từ các phòng thí nghiệm vật lý và sinh học. Vì thế, các nhà khoa học không được miễn trừ, cùng với các chính trị gia, về trách nhiệm đạo đức trong việc nỗ lực ngăn chặn không chỉ việc sản xuất, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân mà còn cả việc phát triển vũ khí sinh học, với nguy cơ tiềm ẩn tiêu diệt thường dân vô tội và toàn thể con người. (CSR_7281_2020)
Văn Yên, SJ – Vatican News