Đức Hồng y Christian Tumi, nguyên Tổng Giám mục Douala và là vị Hồng y đầu tiên của Camerun, đã được trả tự do sáng thứ Sáu 06/11. Ngài bị một nhóm có vũ trang bắt cóc vào chiều thứ Năm 05/11, trên đường đi từ thành phố Bamenda đến Kumo, khu vực tây bắc Camerun.
ĐHY Tumi bị bắt cóc và đã được trả tự do
Tin này đã được xác nhận bởi Đức cha Samuel Kleda, Tổng Giám mục Douala và Đức cha Agapitus Enuyehnyoh Nfon, Giám mục Kumba. Tuy nhiên, hiện tại, Đức Hồng y vẫn chưa trở về nhà. Người lái xe cũng được trả tự do cùng với Đức Hồng y.
Mười người khác bị bắt cóc cùng với Đức Hồng y Tumi, trong số này có vua của Kumba, Fon di Nso, một nhà cầm quyền đạo đức truyền thống, hiện vẫn còn nằm trong tay những kẻ bắt cóc.
Theo Elie Smith, một cộng tác viên thân cận của Đức Hồng y, vụ bắt cóc được quy trách nhiệm cho một nhóm vũ trang đang hoạt động trong khu vực phức tạp của Ambazonia, điều này cũng đã được gia đình quốc vương Kumba xác nhận.
Động cơ của vụ bắt cóc là do Đức Hồng y Tumi khuyến khích các em học sinh trở lại trường học. Trong khu vực đó, các hành động của các nhóm vũ trang thường đánh vào các trường học, được coi là biểu tượng của quyền lực trung tâm và phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số. Các nhóm ly khai phải chịu trách nhiệm về các vụ giết người và bắt cóc, gây bất ổn cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Vụ bắt cóc Đức Hồng y diễn ra chưa đầy một tuần sau vụ bắt cóc 11 giáo viên của một trường tiểu học ở Kumba, sau đó họ đã được thả nhờ trung gian của các đại diện địa phương.
Vào ngày 24/10 cũng tại Kumba, tám em học sinh đã bị sát hại trong một cuộc tấn công vào trường song ngữ quốc tế “Mẹ Francesca”. Trong dịp đó, tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, Đức Thánh Cha đã chia buồn với gia đình các em học sinh và dân chúng, đồng thời cầu xin Thiên Chúa soi sáng các tâm hồn, để những hành động như thế không bao giờ tái diễn nữa. Trong một tuyên bố, Hội đồng Giám mục của đất nước cũng đã đưa ra lời kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Kể từ năm 2016, Đức Hồng y Tumi, năm nay đã 90 tuổi luôn dấn thân trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng gây chấn động miền tây bắc và tây nam của đất nước buộc hàng ngàn người phải đi lánh nạn. Đức Hồng y đã nhiều lần mời chính phủ và phe ly khai tham gia một cuộc đối thoại để tìm ra giải pháp hòa hợp cho cuộc xung đột. Vì việc thúc đẩy hòa bình, vào tháng 7/2019, Đức Hồng y Tumi đã nhận được Giải thưởng Nelson Mandela.
Ngọc Yến – Vatican News