Phúc trình công bố những điều tra về cựu Hồng y McCarrick đã khơi dậy nhiều ý kiến khác nhau, cáo buộc các vị bị xem là có trách nhiệm trong bi kịch do ông tạo nên. Vết thương do vị cựu Hồng y này để lại còn mở toang, điều quan trọng là mọi thành phần Giáo Hội không làm cho vết thương ấy sâu rộng hơn bằng những hành động lên án và cáo buộc nhau, nhưng sớm chữa lành bằng những quyết tâm tránh tái diễn lầm lỗi.
Cựu Hồng y McCarrick
Sau 2 năm soạn thảo theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, tài liệu dài 460 trang của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh được công bố hôm 10/11 vừa qua với tựa đề ”Phúc trình về việc nhận biết theo các cơ chế và về tiến trình quyết định của Tòa Thánh liên quan đến cựu Hồng y Theodore Edgar McCarrick” từ năm 1930 đến 2017”.
Những cột mốc trong cuộc đời của cựu Hồng y McCarrick
Cựu Hồng y McCarrick năm nay 90 tuổi (1930), vốn là nhân vật thuộc hàng nổi tiếng và ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ với một sự nghiệp ”rạng rỡ”. Ông chịu chức linh mục năm 28 tuổi tại New York, 19 năm sau đó được Đức Phaolo VI bổ làm Giám mục phụ tá tổng giáo phận New York; 4 năm sau, năm 1981, ông trở thành Giám mục chính tòa Metuchen bang New Jersey lân cận, và chỉ 5 năm sau đó, năm 1986, được thăng Tổng giám mục giáo phận Newark có gần 1 triệu rưỡi tín hữu Công Giáo. Tháng 11 năm 2000, ông được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận thủ đô Washington và năm sau đó được phong Hồng Y.
Mùa hè năm 2005, khi Hồng y McCarrick tròn 75 tuổi, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã lưu nhiệm ông thêm 2 năm, nhưng 1 năm sau đó, sau khi có tin về những vụ lạm dụng tính dục của vị Hồng Y này, ngài đã cho ông từ chức. Tháng 6 năm 2017, lần đầu tiên Tổng giáo phận New York nhận được thư cáo buộc cụ thể về việc Hồng y McCarrick lạm dụng tính dục 1 trẻ vị thành niên, nên đã chính thức tiến hành thủ tục điều tra theo giáo luật và 1 năm sau, tháng 6/2018, tổng giáo phận xác nhận những lời tố cáo là đáng tin, nên Tòa Thánh cấm ông không được thi hành chức vụ thánh. 1 tháng sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô rút tước vị Hồng Y của Hồng y McCarrick và buộc ông hồi tục. Nói chung, đương sự bị cáo là lợi dụng tính dục các chủng sinh và linh mục trẻ từ năm 1970 đến 1990, lạm dụng quyền bính và lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên ít là 2 lần.
Một số điểm quan trọng rút ra từ Phúc trình
Phúc trình cho thấy một số điểm quan trọng: trước tiên là những sai lầm trong vụ cựu Hồng y McCarrick đã thúc đẩy Giáo Hội đi đến chỗ thông qua những quy luật mới để tránh tái diễn những vụ như vậy. Thứ hai là cho đến năm 2017, không hề có những cáo buộc với chi tiết rõ ràng về những lạm dụng của ông. Lời cáo buộc đích thị đầu tiên về sự lạm dụng của cựu Hồng y McCarrick đối với trẻ vị thành niên chỉ được trình báo năm 2017 và giáo quyền đã hành động ngay.
Phúc trình của Phủ Quốc vụ khanh dựa trên các tài liệu có được từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington cũng như tại Văn khố của bộ Giám mục và Phủ Quốc vụ khanh, cùng với chứng từ của hơn 90 người được lấy cung trong các cuộc điều tra.
Phúc trình cho thấy từ khi cứu xét việc đề nghị McCarrick làm Giám mục Phụ tá New York vào năm 1977, rồi tới các nhiệm sở khác cho tới Tổng giám mụcTổng giám mục Newark năm 1986, không có người nào được tham khảo ý kiến cung cấp những nhận xét tiêu cực về cuộc sống luân lý của cựu Hồng y McCarrick. Trong thập niên 1990 có vài thư nặc danh chống Tổng giám mục này được gửi đến các Hồng Y và tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Washington, nhưng không được coi là đáng tin vì thiếu các yếu tố cụ thể. Một điểm quan trọng trong vụ này là việc bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục Washington. Có nhiều ý kiến thuận, nhưng cũng có ý kiến chống của Đức Hồng y O’Connor Tổng giám mục New York, vì Đức Hồng y nói có nguy cơ gương mù, theo những tiếng đồn Đức Hồng y đã nghe trong quá khứ, theo đó McCarrick ngủ chung giường với những thanh niên trong nhà xứ, và với các chủng sinh trong 1 nhà ở biển.
Các phản ứng sau khi Phúc trình được công bố
Sau khi Phúc trình được công bố, rất nhiều phản ứng được ghi nhận, đặc biệt tại Mỹ. Có những người qui trách cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, hoặc Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và cả Đức Thánh Cha đương kim, cho rằng các vị biết mà không ra tay hành động. Trong thời gian qua, Đức Tổng giám mục Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington, tố cáo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô biết những lạm dụng của cựu Hồng y McCarrick mà không xử lý đương sự ngay, và yêu cầu ngài từ chức. Đức Tổng giám mục Viganò cũng tố cáo Đức Hồng y Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, trong vụ này, nhưng Đức Hồng y Ouellet đã công bố thư ngỏ bác bỏ những lời cáo buộc của Đức Tổng giám mụcViganò.
Tại Ba Lan cũng có những tranh luận và 1 đài truyền hình tại đây tố cáo Đức Hồng y Dziwisz, nguyên bí thư của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã ém nhẹm việc thông báo cho Đức Giáo hoàng về hành tung của cựu Hồng y McCarrick, nhưng Đức Hồng y Dziwisz bác bỏ lời cáo buộc này là vu khống. Đức Hồng y ủng hộ đề nghị của Đức Tổng giám mụcChủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan về việc thành lập một Ủy ban độc lập để điều tra nghiêm túc về vai trò của ngài trong tất cả vụ này.
Đức Hồng y Parolin: cần hoán cải nội tâm
Vụ McCarrick là một trang đau thương mà toàn thể Giáo Hội phải rút ra bài học. Đức Hồng yParolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói rằng: ”Chúng tôi công bố Phúc Trình, đau lòng vì những vết thương mà vụ này gây ra cho các nạn nhân, thân nhân họ, cho Giáo Hội tại Mỹ, Giáo Hội hoàn vũ. Như Đức Thánh ChaPhanxicô đã làm, tôi cũng đã có thể đọc các chứng từ của các nạn nhân từ các tài liệu. Sự đóng góp của họ rất quan trọng. Cùng với đau khổ, có một cái nhìn hy vọng. Để những hiện tượng này không được tái diễn, cạnh những qui luật hiệu năng hơn, chúng ta cần có một sự hoán cải nội tâm. Cần có những mục tử đáng tín nhiệm để loan báo Tin Mừng, tất cả chúng ta phải ý thức rằng điều đó chỉ có thể có nhờ ơn thánh của Chúa Thánh Linh, xác tín nơi lời Chúa Giêsu: ”Nếu không có Thầy, các con không thể làm gì được”.
Thông cáo của Chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ
Về phần Đức Tổng giám mục José Gomez, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, trong thông cáo ngày 10/11, ngài viết: “Đây là một chương bi thảm được thêm vào trong cuộc tranh đấu lâu dài của Giáo Hội chống lại các tội ác giáo sĩ lạm dụng tính dục. Đối với các nạn nhân của cựu Hồng y McCarrick và gia đình họ, cũng như đối với mỗi nạn nhân sống sót trong các vụ giáo sĩ lạm dụng, tôi bày tỏ sự đau buồn sâu đậm và hết lòng xin lỗi. Xin hãy biết rằng các anh em Giám mục của tôi và bản thân tôi đang dấn thân làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn để giúp anh chị em tiến bước và bảo đảm sao cho không người nào chịu đau khổ như anh chị em đã phải chịu.. Phúc trình này nhấn mạnh rằng chúng tôi cần phải thống hối và cần tăng trưởng trong quyết tâm phục vụ Dân Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và cố gắng hoán cải tâm hồn và để chúng ta có thể theo Chúa Giêsu Kitô với lòng chính trực và khiêm tốn”.
Tuyên bố của Đức Thánh Cha
Những người chống đối Giáo Hội có thể sẽ tìm được trong Phúc trình những chi tiết để hỗ trợ cho lập trường của họ. Điều chắc chắn là từ chương đau thương này trong lịch sử của mình, Giáo Hội càng được thúc đẩy để quyết tâm bài trừ tội ác giáo sĩ lạm dụng tính dục, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 11/11 vừa qua: ”Hôm qua (10/11), Phúc trình về trường hợp đau thương cựu Hồng Y Theodore McCarrich đã được công bố. Tôi tái bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của mọi thứ lạm dụng và quyết tâm của Giáo Hội nhổ bỏ sự ác này”.
Giuse Trần Đức Anh O.P – Vatican News