Trong sứ điệp video gửi đến Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm 2020, Đức Thánh Cha khẳng định người nghèo và những người dễ bị tổn thương kêu gọi trách nhiệm của chúng ta về biến đổi khí hậu. Đức Thánh Cha cũng cho biết Quốc gia Thành Vatican cam kết giảm lượng khí thải đạt đến mức zero trước năm 2050 và thúc đẩy giáo dục cho hệ sinh thái toàn diện.
Đức Thánh Cha (ANSA)
Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nói: “Đại dịch và biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ có tầm quan trọng đối với môi trường, mà còn liên quan đến cả đạo đức luân lý, xã hội, kinh tế và chính trị, làm ảnh hưởng trước hết đến cuộc sống của những người nghèo và những người dễ bị tổn thương”. Theo Đức Thánh Cha, chính những người này kêu gọi trách nhiệm của chúng ta trong việc thúc đẩy, với cam kết chung và liên đới, một nền văn hóa quan tâm, đặt nhân phẩm và công ích ở trung tâm. Vì vậy, ngoài việc thực hiện một số biện pháp không thể trì hoãn thêm nữa, cần phải có một chiến lược cho việc giảm khí thải đạt đến mức zero.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tòa Thánh đã tham gia vào mục tiêu này, cụ thể: Một mặt, Quốc gia Thành Vatican cam kết giảm lượng khí thải đạt đến mức zero trước năm 2050; tăng cường các nỗ lực quản lý môi trường, điều đã được thực hiện trong những năm qua; sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như nước và năng lượng; tái trồng rừng; và thực hiện nền kinh tế tuần hoàn”.
“Mặt khác, Tòa Thánh cam kết thúc đẩy giáo dục cho hệ sinh thái toàn diện. Các biện pháp chính trị và kỹ thuật phải được kết hợp với một quá trình giáo dục ủng hộ một mô hình văn hóa phát triển và bền vững, tập trung vào tình huynh đệ và liên minh giữa con người và môi trường. Theo quan điểm này, tôi đã thành lập Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, để đồng hành với các trường và các đại học Công giáo, với hơn 70 triệu sinh viên trên khắp các lục địa theo học. Tôi ủng hộ nền Kinh tế Phanxicô, qua đó các nhà kinh tế trẻ, doanh nhân, chuyên gia tài chính cùng làm việc, thúc đẩy các cách mới để khắc phục tình trạng nghèo năng lượng. Nền Kinh tế này đặt việc chăm sóc lợi ích chung vào trung tâm các chính sách quốc gia và quốc tế, thúc đẩy sản xuất bền vững ngay cả ở các nước có thu nhập thấp và chia sẻ các công nghệ tiên tiến thích hợp”.
Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp với những lời khẳng định: “Đã đến lúc phải thay đổi hướng đi. Chúng ta không được đánh cắp hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của các thế hệ sau”. (CSR_9200_2020)
Ngọc Yến – Vatican News