Trong bài giảng lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, được Đức Hồng Y Pietro Parolin đọc, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu chúc các tín hữu có thể đón nhận Đức Mẹ, qua đó được gặp gỡ Thiên Chúa, và ngài mời gọi chăm sóc người khác như là niềm hy vọng về một sự tái sinh cho toàn thể nhân loại.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày đầu năm dương lịch 2021, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã cử hành Thánh lễ trọng thể kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, thay thế cho Đức Thánh Cha Phanxicô đang bị đau thần kinh tọa.
Trong bài giảng được Đức Hồng y Parolin đọc, Đức Thánh Cha tập trung vào ba từ nổi bật trong các bài đọc Thánh lễ: chúc lành, sinh ra và tìm thấy, những động từ mà theo Đức Thánh Cha, được thực hiện trọn vẹn nơi Mẹ của Thiên Chúa.
Chúc lành
Động từ thứ nhất: Chúc lành. Bắt đầu với bài đọc thứ nhất trích từ sách Dân số, trong đó Thiên Chúa ra lệnh cho ông Mô-sê chúc lành cho dân Người, Đức Thánh Cha nói: “Đây không phải là lời kêu gọi đạo đức; nó là một yêu cầu cụ thể.” Và ngài lưu ý: “Ngày nay, cả các linh mục không ngừng chúc lành cho Dân Chúa và chính các tín hữu là những người mang lời chúc lành; họ chúc phúc.”
Chúa Giê-su là chính phúc lành của Chúa Cha ban cho chúng ta
Đức Thánh Cha giải thích: “Chúa biết chúng ta cần được chúc lành biết bao. Điều đầu tiên Thiên Chúa làm sau khi tạo thành thế giới đó là nói rằng mọi sự đều tốt (nói điều tốt) và nói về chúng ta rằng chúng ta rất tốt. Tuy nhiên, giờ đây, với Con Thiên Chúa, chúng ta không chỉ nhận được những lời chúc phúc, mà còn nhận được chính phúc lành: chính Chúa Giê-su là phúc lành của Chúa Cha. Thánh Phaolô nói với chúng ta, trong Chúa Giê-su, Chúa Cha cho chúng ta được hưởng ‘muôn vàn phúc lành’ (Ep 1,3). Mỗi khi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giê-su, thì phúc lành của Thiên Chúa sẽ đi vào cuộc sống của chúng ta.”
Nơi nào có Mẹ Maria, có Chúa Giê-su, có phúc lành
Trong khi Chúa Giê-su, bởi bản tính Thiên Chúa, là phúc lành, thì Mẹ Maria là đấng được “chúc lành” bởi ân sủng. Đức Thánh Cha nói: “Bằng cách này, Mẹ Maria mang đến cho chúng ta phúc lành của Thiên Chúa. Bất cứ nơi nào có Mẹ, có Chúa Giêsu. Vì vậy, chúng ta cần chào đón Mẹ như thánh Elizabeth, người đã ngay lập tức nhận ra phúc lành và đã kêu lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1, 42).
Chúng ta được kêu gọi chúc lành
Chúng ta lặp lại những lời đó mỗi khi đọc kinh Kính Mừng. Đức Thánh Cha nhận xét: “Khi chào đón Mẹ Maria, chúng ta nhận được phúc lành, nhưng chúng ta cũng học cách chúc lành. Đức Mẹ dạy chúng ta rằng các phúc lành được nhận để được trao tặng. Mẹ, người đã được chúc phúc, đã trở thành một phúc lành cho tất cả những người Mẹ gặp gỡ: cho bà Elizabeth, cho cặp vợ chồng mới cưới ở Cana, cho các Tông đồ trong Phòng Tiệc Ly… Chúng ta cũng được kêu gọi để chúc lành, ‘nói tốt’ nhân danh Chúa.
Trở thành người mang ơn lành của Chúa
Và Đức Thánh Cha nhận định: “Thế giới của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi cách chúng ta “nói” và nghĩ “xấu” về người khác, về xã hội, về chính chúng ta. Nói xấu hủy hoại và làm suy thoái, trong khi chúc lành phục hồi cuộc sống và mang lại sức mạnh cần thiết để bắt đầu lại.” Ngài mời gọi cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban ơn để chúng ta là những người vui vẻ mang ơn lành của Thiên Chúa cho người khác, như Mẹ làm đối với chúng ta.
Sinh ra
Động từ thứ hai là sinh ra. Trong bài đọc thứ hai thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng Con Thiên Chúa được “sinh ra bởi một người nữ” (Gl 4, 4). Đức Thánh Cha nói: “Chỉ trong vài lời này, thánh nhân nói với chúng ta một điều kỳ diệu: Chúa đã sinh ra giống như chúng ta”. Người không tự đến thế giới này nhưng từ một người phụ nữ, sau chín tháng trong lòng Mẹ của Người. “Trái tim của Chúa bắt đầu đập trong lòng Mẹ Maria; Thiên Chúa của sự sống đã hít lấy oxy từ Mẹ. Kể từ đó, Mẹ Maria đã kết hợp chúng ta với Thiên Chúa vì trong Mẹ, Thiên Chúa đã ràng buộc mình vào xác thịt của chúng ta, và Người không bao giờ rời bỏ nó.”
Mẹ Maria – con đường đến với Chúa
Vì thế, theo Đức Thánh Cha, “Mẹ Maria không chỉ là nhịp cầu nối chúng ta với Chúa; còn hơn thế. Mẹ là con đường mà Chúa đã đi qua để đến với chúng ta, và là con đường mà chúng ta phải đi để đến được với Chúa. Qua Mẹ Maria, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa theo cách Người muốn chúng ta thực hiện: trong tình yêu dịu dàng, trong tình thân mật, trong thân xác.”
Chăm sóc: vắc xin cho trái tim
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta ở trên thế giới này không phải để chết, nhưng để mang lại sự sống. Mẹ rất thánh của Thiên Chúa dạy chúng ta rằng bước đầu tiên trong việc trao tặng sự sống cho những người xung quanh là trân trọng nó trong chính bản thân mình. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng Đức Maria ‘ghi nhớ tất cả những điều này trong lòng’ (x. Lc 2,19).” Đức Thánh Cha giải thích: “ Lòng tốt đến từ trái tim. Giữ cho tâm hồn mình trong sạch, trau dồi đời sống nội tâm và lời cầu nguyện của chúng ta thì quan trọng biết bao! Giáo dục trái tim của chúng ta biết quan tâm, trân trọng những người và mọi vật xung quanh chúng ta thì quan trọng biết bao. Mọi thứ bắt đầu từ điều này: từ việc trân trọng tha nhân, thế giới và thụ tạo. Biết nhiều người và nhiều thứ thì có ích gì nếu chúng ta không trân trọng họ?”
Năm nay, Đức Thánh Cha nói, “trong khi chúng ta hy vọng vào những khởi đầu mới và cách chữa trị mới, chúng ta đừng lơ là việc chăm sóc. Cùng với vắc xin cho cơ thể, chúng ta cần vắc xin cho trái tim. Vắc xin đó là chăm sóc. Đây sẽ là một năm tốt lành nếu chúng ta chăm sóc tha nhân, như Đức Mẹ đã làm với chúng ta.”
Tìm thấy
Động từ thứ ba Đức Thánh Cha suy tư là tìm thấy. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng những mục đồng đã tìm thấy Đức Maria và Thánh Giuse và hài nhi (c. 16) không “ở những dấu hiệu kỳ diệu và ngoạn mục, nhưng là trong một gia đình đơn giản.” Đức Thánh Cha nói: “Ở đó họ thực sự tìm thấy Chúa, Đấng cao cả trong sự bé nhỏ, sức mạnh trong sự dịu dàng” nhờ được một thiên thần kêu gọi. Và Đức Thánh Cha nhận định: “Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Chúa nếu chúng ta không được ân sủng kêu gọi. Chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được một vị Chúa như vậy, Đấng sinh ra bởi một người phụ nữ và đã cách mạng hóa lịch sử bằng tình yêu dịu dàng, nhưng bằng ân sủng, chúng ta đã tìm thấy Người. Và chúng ta phát hiện ra rằng sự tha thứ của Người làm tái sinh, sự an ủi của Người thắp lên hy vọng, sự hiện diện của Người mang lại niềm vui không gì có thể ngăn cản được.”
Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Chúng ta đã tìm thấy Người nhưng chúng ta không được để mất dấu của Người. Thật vậy, Chúa không bao giờ được tìm thấy một lần và mãi mãi: mỗi ngày Người phải được tìm thấy lại. Do đó, Tin Mừng mô tả các mục đồng luôn tìm kiếm, liên tục di chuyển: ‘Họ vội vã đi, họ tìm thấy, họ biết, họ trở về, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa’ (cc. 16-17.20). Họ không thụ động, bởi vì để nhận được ân sủng, chúng ta phải chủ động.”
Dành thời gian cho Chúa và cho tha nhân
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta được gọi tìm thấy điều gì vào đầu năm nay? Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Sẽ rất tốt nếu chúng ta tìm thời gian dành cho ai đó. Thời gian là kho báu mà tất cả chúng ta đều sở hữu, nhưng chúng ta lại sở hữu nó cách ghen tuông, vì chúng ta chỉ muốn sử dụng nó cho riêng mình.” Ngài mời gọi: “Chúng ta hãy cầu xin ơn để tìm được thời gian dành cho Chúa và cho người lân cận – cho những người cô đơn hoặc đau khổ, cho những người cần ai đó lắng nghe và quan tâm đến họ. Nếu chúng ta có thể tìm thấy thời gian để cho đi, chúng ta sẽ ngạc nhiên và tràn đầy niềm vui, giống như các mục đồng.”
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cầu nguyện xin Đức Mẹ, Đấng đã mang Chúa vào thế giới thời gian giúp chúng ta quảng đại với thời gian của mình. Ngài nói: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con dâng hiến cho Mẹ Năm Mới này. Lạy Mẹ, Mẹ biết cách gìn giữ những điều trong lòng, xin quan tâm đến chúng con. Xin chúc lành cho thời gian của chúng con và dạy chúng con tìm thời gian cho Chúa và cho người khác. Với niềm vui và sự tin tưởng, chúng con ca ngợi Mẹ: Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Thánh Mẫu của Thiên Chúa! Thánh Mẫu của Thiên Chúa!
Hồng Thủy – Vatican News