Trong Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Hòa bình 1/1 vừa qua, Đức tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Giêrusalem, đã suy tư về hòa bình dưới chiều kích nội bộ Giáo hội, kết nối với đời sống của giáo phận Giêrusalem; ngài kêu gọi vượt qua tệ nạn giáo sĩ trị trong Giáo hội và hiệp nhất hơn dưới ánh sáng Tin Mừng.

 

Đức Thượng phụ Giêrusalem kêu gọi vượt qua tệ nạn giáo sĩ trị trong Giáo hội

  

Trong bài giảng, Đức Thượng phụ đã chỉ ra 4 rào cản ngăn chặn hành trình Giáo hội của cộng đoàn Công giáo của Tòa Thượng phụ.

Giáo sĩ trị

Rào cản thứ nhất được Đức Thượng phụ nói đến chính là tệ nạn giáo sĩ trị, một tệ nạn chung ở nhiều Giáo hội trên thế giới và đặc biệt rõ ràng ở Thánh Địa. Ngài nói: “Sự cộng tác giữa các linh mục và giáo dân thường bị hiểu lầm và cuối cùng trở thành: ‘chỉ làm những gì linh mục muốn.’” Theo ngài, rất khó để thuyết phục có các hội đồng giáo xứ và có thể chia sẻ các ý kiến và sáng kiến. Đàng khác, thật sự cũng khó tìm được những giáo dân được đào tạo, dấn thân và sẵn sàng đóng góp tích cực cho cộng đoàn.

Khoảng cách giữa các thế hệ

Rào cản thứ hai là khoảng cách thế hệ giữa những người hoài niệm quá khứ, tiếc nuối một mô hình Giáo hội không còn tồn tại, và những thế hệ trẻ muốn thay đổi ngay cả khi xem ra không cần thay đổi. Đức Thượng Phụ nói rằng cần phải lắng nghe nhau khi “biết ơn về những gì đã được làm cho đến nay và mở những con đường mới theo ơn sủng của Chúa.”

Khoảng cách giữa Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương

Tiếp đến Đức Thượng phụ nói đến khoảng cách giữa Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương. Theo ngài, có cám dỗ chung, một đàng xem Giáo hội hoàn vũ như là “khách” chứ không phải là thành phần trong toàn thể Giáo hội, và đàng khác, xem Giáo hội địa phương như một phần không thích hợp, lạc hậu và thậm chí đang suy tàn. Đức Thượng phụ nhấn mạnh rằng cả hai thành phần đều cần thiết cho Giáo hội và phải hỗ trợ lẫn nhau.

Xung đột căn tính quốc gia

Thứ tư là vấn đề xung đột căn tính quốc gia trong bốn miền của giáo phận Giêrusalem, gồm Jordan, Israel, Palestine và Cyprus, cũng ảnh hưởng đến đời sống Giáo hội địa phương, đồng thời sự phong phú của các ngôn ngữ được sử dụng trong các cộng đoàn trong miền cũng có thể là một rào cản. Đức Thượng phụ nhấn mạnh rằng không phải là có bốn Giáo hội, nhưng chỉ một Giáo hội với những căn tính khác nhau.

Vượt qua chủ nghĩa cá nhân

Cuối cùng, Đức Thượng phụ lưu ý rằng nguyên nhân của những khó khăn này căn bản là chủ nghĩa cá nhân. Do đó, con đường để vượt qua những chướng ngại bắt đầu “từ tương quan của chúng ta với Chúa Ki-tô, chứ không từ nhu cầu của chúng ta, đặt trái tim của chúng ta trong trái tim Chúa Ki-tô, đọc thực tại của chúng ta và Giáo hội dưới ánh sáng Lời Chúa.”

Hồng Thủy – Vatican News