Trải nghiệm đại dịch nêu bật vai trò trung tâm của gia đình như một Giáo hội tại gia và tầm quan trọng của mối dây liên kết giữa các gia đình. Chương trình của Năm “Gia đình Amoris Laetitia” được thực hiện qua các sáng kiến mang tính chất thiêng liêng, mục vụ và văn hóa.
Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa ngày 27/12/2020, Lễ Thánh Gia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo ấn định Năm “Gia đình Amoris Laetitia”. Năm này, bắt đầu từ ngày lễ thánh Giuse 19/3/2021 và kéo dài đến ngày 26/6 năm 2022, nhân dịp cuộc gặp gỡ các gia đình Công giáo thế giới lần thứ X với Đức Thánh Cha tại Roma. Năm “Gia đình Amoris Laetitia” được Đức Thánh cha ấn định nhân dịp kỷ niệm 5 năm công bố Tông huấn “Amoris laetitia”.
Gia đình, Giáo hội tại gia
Theo sau thông báo của Đức Thánh Cha, Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống cũng đã đưa ra một thông cáo, trong đó nhấn mạnh: Trải nghiệm đại dịch nêu bật vai trò trung tâm của gia đình như một Giáo hội tại gia và nêu bật tầm quan trọng của mối dây liên kết giữa các gia đình. Chương trình của Năm “Gia đình Amoris Laetitia” được thực hiện qua các sáng kiến mang tính chất thiêng liêng, mục vụ và văn hóa. Đây là những điều Đức Thánh Cha muốn hướng đến các cộng đoàn Giáo hội trên thế giới, khuyến khích mỗi người trở thành những chứng tá của tình yêu gia đình.
Các công cụ đào tạo phục vụ cộng đoàn
Thánh Bộ sẽ cung cấp cho các giáo xứ, giáo phận, trường đại học, các phong trào Giáo hội và hiệp hội gia đình các công cụ mang tính linh đạo gia đình, giúp huấn luyện và thực hiện các hoạt động mục vụ liên quan đến việc chuẩn bị hôn nhân, giáo dục tình cảm của người trẻ, về sự thánh thiện của vợ chồng và gia đình, những người sống ân sủng của bí tích trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ngoài ra, các hội nghị hàn lâm quốc tế sẽ được tổ chức để đào sâu các nội dung và chỉ dẫn của Tông huấn trong mối liên hệ tới các chủ đề mang tính thời sự ảnh hưởng đến các gia đình trên thế giới.
Một trang web dành riêng cho Năm “Gia đình Amoris Laetitia”
Trong cái nhìn cho thời điểm khai mạc 19/3/2021, Thánh Bộ đã thiết lập một tập tài liệu thông tin có thể tải từ trang web: www.amorislaetitia.va. Trong trang web với các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý sẽ cập nhật các đề xuất và sáng kiến sẽ dần được phát triển trong Năm đặc biệt này.
Những mục tiêu của Năm “Gia đình Amoris Laetitia”
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cho biết, những mục tiêu của Năm “Gia đình Amoris Laetitia” bao gồm: Mục tiêu thứ nhất là “làm cho mọi người trải nghiệm rằng Tin Mừng của gia đình là niềm vui tràn ngập tâm hồn và toàn thể cuộc sống”. Một gia đình khám phá và trải nghiệm niềm vui khi có một hồng ân và trở thành hồng ân cho Giáo hội và xã hội “có thể trở thành ánh sáng trong bóng tối của thế giới”.
Mục tiêu thứ hai là loan báo giá trị quý báu của bí tích hôn nhân vốn có một sức mạnh biến đổi tình yêu con người, và hơn nữa làm cho các gia đình giữ vai chính trong việc mục vụ gia đình và giúp người trẻ ý thức tầm quan trọng của việc huấn luyện sự thật của tình yêu và trao ban chính mình.
Mục tiêu sau cùng là mời gọi mở rộng cái nhìn và hoạt động mục vụ gia đình, bao gồm tất cả các thành phần của gia đình.
Những đề nghị cụ thể để gia tăng giá trị của gia đình
Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cho biết có nhiều sáng kiến có thể được thực hiện trong các giáo phận và giáo xứ trong Năm “Gia Đình Amoris Laetitia”: từ việc tăng cường chăm sóc mục vụ chuẩn bị lễ cưới và đồng hành với các đôi vợ chồng trong những năm đầu của hôn nhân, đến việc tổ chức các buổi gặp gỡ cho các cha mẹ về việc giáo dục con cái. Tiếp theo là khuyến khích các cuộc gặp gỡ về vẻ đẹp và khó khăn của đời sống gia đình, để khuyến khích nhìn nhận giá trị xã hội của gia đình và tạo một mạng lưới các gia đình và các vị mục tử có khả năng gần gũi trong những hoàn cảnh mệt mỏi, với việc loan báo, chia sẻ và chứng tá. Đặc biệt quan tâm đến các cặp vợ chồng đang gặp khủng hoảng, và người già để vượt qua văn hóa loại bỏ và thờ ơ. Đối với người trẻ, Thánh Bộ mong muốn các sáng kiến để suy tư và đối phó về các vấn đề như gia đình, hôn nhân, khiết tịnh, mở ra cho sự sống, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, khó nghèo, tôn trọng công trình sáng tạo. Năm này cũng được khuyến khích quan tâm đến trẻ em.
Sự hỗ tương giữa gia đình và Giáo hội
Theo Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, một khía cạnh đặc biệt nổi bật trong bối cảnh của Năm “Gia đình Amorie Laetitia” là mong muốn sự tham gia nhiều hơn của các cặp vợ chồng trong các cơ cấu của giáo phận và giáo xứ để đặt nền móng cho mục vụ gia đình và đào sâu việc đào tạo các nhân viên mục vụ, các chủng sinh và các linh mục để cộng cộng tác với các gia đinh, đáp ứng được những thách đố của thế giới ngày này. Trong ý hướng đó, cần làm sao để có sự hỗ tương giữa gia đình-Giáo hội tại gia và Giáo hội. Sau cùng, điều quan trọng là trong các gia đình phải thúc đẩy ơn gọi truyền giáo tự nhiên bằng cách tạo ra những giây phút huấn luyện việc loan báo Tin Mừng và những sáng kiến truyền giáo trong những dịp như hướng dẫn các bí tích cho con cái, lễ cưới, các ngày kỷ niệm hoặc những giây phút phụng vụ quan trọng.
Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia
Liên quan đến Năm đặc biệt này, Vatican News đã có một cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, Chưởng ấn của Viện Thần học Giáo hoàng về Khoa học Hôn nhân và Gia đình.
Theo Đức Tổng Giám mục, tại sao Đức Thánh Cha lại muốn dành Năm đặc biệt cho gia đình để đánh dấu việc nhân loại đang thoát ra khỏi đại dịch?
Đức Thánh Cha muốn dành năm cho gia đình trùng với niềm hy vọng đại dịch chấm dứt khi vắcxin bắt đầu được đưa vào sử dụng. Thực tế, trong thời điểm đại dịch, gia đình cùng với tất cả những giới hạn của nó đã tỏ rõ sự vững chắc: Gia đình đã có thể an ủi và đồng hành với nhiều người trong một hoàn cảnh bi thảm. Theo nghĩa này, chúng ta có thể rút ra một bài học. Thảm cảnh của đại dịch dạy chúng ta rằng không ai có thể được cứu một mình và tất cả chúng ta đều cần nhau, bắt đầu từ gia đình. Trải nghiệm bi thảm này là một bài học lớn giúp chúng ta hiểu hơn sự quý giá của gia đình đối với Giáo hội và xã hội.
Suy tư về gia đình sẽ khởi đi từ Tông huấn Amoris Laetitia. Đâu là những kết quả của văn kiện này?
Tôi tin rằng trong năm này chúng ta được mời gọi đi sâu hơn một chút về các chủ đề được Tông huấn đề xuất. Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II dự định xúc tiến một cuộc nghiên cứu để thu thập tất cả những gì các Giáo hội địa phương đã thực hiện được từ Amoris Laetitia. Trong 5 năm này, trong các Giáo hội địa phương, nhiều sáng kiến đã đề xuất gia đình như là một nơi của đời sống Kitô. Nhưng nếu chỉ nhìn những gia đình đã thực hiện thì chưa đủ. Điều cần thiết là tạo ra một động lực mạnh mẽ hơn cho việc chăm sóc mục vụ gia đình, được hiểu là nơi bao gồm tất cả việc chăm sóc mục vụ. Tóm lại, điều được yêu cầu là tất cả hoạt động chăm sóc mục vụ phải trở thành “gia đình”. Khi Giáo hội nói đến gia đình có nghĩa là nói về chính Giáo hội.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Con Thiên Chúa cũng đã cần bầu khí ấm cúng của một gia đình như các trẻ em khác và gia đình Nazareth là một kiểu mẫu cho tất cả các gia đình trên thế giới. Liệu lý tưởng Tin Mừng của Thánh Gia có còn là khuôn khổ nền tảng cho tất cả Kitô hữu?
Trong Amoris Iaetitia, Đức Thánh Cha nhấn mạnh lý tưởng của gia đình Thiên Chúa mong muốn đã bắt đầu hiện diện trong công trình tạo dựng. Chủ đề trung tâm là khế ước giữa người nam và người nữ. Trong gia đình, xã hội và Giáo hội, người nam và người nữ được kêu gọi chăm sóc thụ tạo và có trách nhiệm đối với các thế hệ. Viễn tượng này cần phải suy tư nhiều hơn cả trên bình diện thần học và mục vụ. Tóm lại, cần có một “nền thần học về gia đình”. Học viện Gioan Phaolô II đã khởi đầu viễn tượng thần học này và đòi hỏi một sự phát triển suy tư về nhiều mối tương quan gia đình: tương quan của tình phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, xã hội, trách nhiệm hỗ tương và những mối tương quan khác. Nói tóm lại, đó là một suy tư hướng đến cả khía cạnh thần học, khoa học nhân văn và luân lý.
Gia đình được xem là môi trường giáo dục đầu tiên, là nơi nền tảng để thông truyền đức tin, rèn luyện sự chung sống, gặp gỡ và phổ biến những tư tưởng tích cực. Nói chung, gia đình có phải là động lực của xã hội để đóng góp cho công ích?
Hoàn toàn đúng như vậy. Với suy tư và hành động, Giáo hội đứng về phía gia đình, đóng góp một sự phục vụ rất giá trị cho xã hội. Văn hóa đương đại cho thấy sự suy yếu của gia đình liên quan đến suy yếu của xã hội. Một xã hội không quan tâm đến gia đình đưa đến sự sụp đổ cái gọi là “chúng ta”, nền tảng của mỗi xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay chúng ta nói đến “sự sụp đổ của chúng ta” mà thực ra đã bắt đầu trong gia đình và mở rộng đến quốc gia và gia đình của các quốc gia. Ngày nay, chúng ta nói về sự biến mất của người cha, sự nới lỏng của các tương quan, và nó liên kết với sự tan rã văn hóa của gia đình như một kiến trúc của các tương quan. Vì vậy, đây là một năm quan trọng để thúc đẩy các tín hữu và cả những người không phải là tín hữu tái khám phá gia đình như một nguồn lực duy nhất và đặc biệt cho xã hội.
Đức Thánh Cha thường tố cáo những thực dân hóa ý thức hệ ảnh hưởng đến gia đình. Vậy suy tư trong năm nay có giúp củng cố vai trò và tầm quan trọng của gia đình trên bình diện văn hóa không?
Vì điều này tôi đã nhấn mạnh sự yếu kém của các tương quan đưa đến sự sa sút của cái “chúng ta”. Không phải ngẫu nhiên khi để chỉ mối tương quan phổ quát, Đức Thánh Cha đã sử dụng thuật ngữ “anh em”, một thuật ngữ thường liên hệ tới gia đình. Không thể hiểu Thông điệp “Fratelli tutti” nếu không có một cái nhìn về chiều kích gia đình. Theo nghĩa này, tôi tin rằng suy tư về gia đình có nghĩa là nói về số phận của chính nhân loại. Ngay cả trong ngôn ngữ thế tục, chúng ta nói về gia đình các dân tộc.
Những sáng kiến nào sẽ được thực hiện trong các Giáo phận và giáo xứ? Các tín hữu có được mời gọi trở thành những chứng tá cho tình yêu thương trong gia đình không?
Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống đưa ra nhiều sáng kiến, không chỉ là một cam kết trực tiếp để giải thích một số chương của Văn kiện, nhưng còn có sự tham gia của tất cả các Giáo hội địa phương để suy tư về các chương khác của Tông huấn. Thật không may, người ta chỉ chú ý đến chương 8 liên quan đến vấn đề rước lễ cho những người ly dị và tái hôn, đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Ở đây, những vấn đề cần suy từ là: tại sao người trẻ ít kết hôn? Tại sao gia đình lại tự đóng kín? Tại sao lại có một sự khô cằn của thế hệ và không chỉ trong việc không sinh con nhưng cả trong việc tạo ra niềm hy vọng, văn hóa và quảng đại? Và sau đó là toàn bộ vấn đề đối thoại giữa các thế hệ và chủ đề người lớn tuổi. Tất cả những biên giới này được thúc giục vượt qua từ những chỉ dẫn mà Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống đã trao cho và mỗi Giáo hội địa phương phải phát triển với những người nam và người nữ thiện chí.
Vatican News Tiếng Việt