Đức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria khẳng định: hoạt động của các tổ chức Công giáo là rất cần thiết để tái xây dựng “bầu khí tin tưởng” trong một quốc gia dường như đã “mất hy vọng” như Syria, và ở đây “vũ khí bác ái” giúp chữa lành các vết thương cho dân chúng, đặc biệt nơi người trẻ.
Trẻ em Syria ở trại tị nạn Liban (ANSA)
Theo Liên Hiệp Quốc, 83% dân số ở Syria sống dưới mức nghèo khổ. Đức Hồng y Mario Zenari giải thích rằng cảm giác vô vọng đang đặc biệt ảnh hưởng đến những người trẻ, những người đang trong hoàn cảnh bế tắc này không tìm thấy lý do gì để tiếp tục ở lại đất nước đầy xung đột.
Ngoài những người bị thương do chiến tranh, hiện Syria có tổng cộng hơn 12.000 trường hợp nhiễm virus corona và hơn 760 trường hợp tử vong. Theo nhà ngoại giao Tòa Thánh, số người chết có thể cao hơn do báo cáo thấp từ các khu vực bị chiến tranh tàn phá như Idlib ở phía tây bắc.
Gần 10 năm bị ném bom và xung đột vũ trang, cùng với bạo lực thánh chiến, đã khiến cho hệ thống y tế của Syria sụp đổ, với tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thuốc, bình oxy và thiết bị bảo vệ cá nhân. Trong 3 năm, Giáo hội Syria, với sự cộng tác của Tòa Thánh và sự hỗ trợ cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã dấn thân vào sáng kiến “Bệnh viện Mở” với 2 trung tâm ở Damascus và 1 ở Aleppo. Các trung tâm của Giáo hội đã giúp điều trị cho hơn 40 ngàn Kitô hữu và người Hồi giáo nghèo. Đức Hồng y nhấn mạnh: “Sáng kiến này không làm chứng bằng lời nói, nhưng bằng hành động, điều này chỉ cho thấy vũ khí của lòng bác ái mạnh mẽ như thế nào.
Đề cập đến sự phục hồi cho Syria, Đức Hồng y Zenari cho biết vấn đề này hiện không còn được nói đến nhiều nữa. Những vết thương do các biện pháp trừng phạt gây ra đã làm ngưng quá trình phục hồi. Có nhiều nguyên nhân làm cho đất nước bớt được quan tâm, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Liban. Bên cạnh đó, cho đến nay các quốc gia đã giúp đỡ Syria, hiện đang tham gia vào cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 của chính họ.
Trong bối cảnh quan trọng này, nhà ngoại giao Tòa Thánh chỉ ra rằng, hoạt động của các cơ quan Công giáo là rất quan trọng vì “nó có khả năng vượt ra ngoài sự liên kết về sắc tộc và tôn giáo, bù đắp cho các trường hợp khẩn cấp về thực phẩm và đảm bảo quyền được học cho các trẻ em.”
“Mỗi khoản viện trợ là một giọt nước rất quý giá, Syria cần những đường ống dẫn nước thực sự, những dòng sông viện trợ từ cộng đồng quốc tế và các cường quốc trên thế giới để có thể phục hồi sau tình huống nhân đạo quan trọng này”, Đức Hồng y Zenari nói và nhắc lại thông điệp Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó Đức Thánh Cha kêu gọi sự chú ý của thế giới đến những nỗi đau khổ của trẻ em trong các khu vực chiến tranh từ Iraq đến Syria và Yemen. Trong bối cảnh này, chuyến tông du đến Iraq của Đức Thánh Cha vào tháng Ba rất quan trọng. Đó là “tin vui cho các Kitô hữu trên khắp Trung Đông”.
Ngọc Yến – Vatican News