Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ giáo chủ Công giáo Can-đê, kêu gọi các tín hữu tham gia sáng kiến “Sự Sống lại của Ni-ni-vê”, ăn chay trong 3 ngày, từ 25-28/1, để cầu nguyện cho hòa bình và đất nước trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, được lên kế hoạch vào đầu tháng 3.
ĐTC tiếp ĐHY Sako (ANSA)
Đức Hồng y Sako khuyến khích các tín hữu trong 3 ngày, ăn chay cho đến trưa hay đến chiều nếu có thể và hàng ngày tham dự các giờ cầu nguyện đặc biệt và Thánh lễ.
Lời kêu gọi của Đức Hồng y
Trong thông cáo được Tòa Thượng phụ Babylon đăng trên internet, Đức Hồng y mời gọi: “Chúng ta hãy ăn năn tội lỗi của mình, cầu nguyện để được cứu khỏi đại dịch Covid-19, suy niệm về ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta, đảm nhận trách nhiệm của chúng ta đối với anh chị em và cộng đồng của mình và bày tỏ tình liên đới với những người bị mất việc làm và sinh kế, và mở rộng vòng tay giúp đỡ họ.”
Đức Hồng y cũng kêu gọi: “Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho đất nước của chúng ta và khu vực được hòa bình, an ninh và ổn định trở lại sau khi tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột đã khiến nó kiệt quệ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho sự thành công của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng ta hãy lắng nghe lời ngài, như dân thành Ni-ni-vê nghe lời ngôn sứ Giô-na, để chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Cầu nguyện cho Iraq và cho toàn thế giới
Đức Thánh Cha đã lên chương trình viếng thăm Iraq từ ngày 5-8/3 tới đây. Đây là chuyến viếng thăm được các tín hữu Công giáo Iraq chờ mong rất nhiều.
Hôm 21/1 một vụ đánh bom tự sát kép tại thủ đô Baghdad khiến cho ít nhất 32 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Vụ đánh bom làm dấy lên lo ngại về an ninh trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Đức Hồng y Sako than phiền và đau buồn về vụ tấn công khủng bố. Ngài nhấn mạnh rằng các nhà chức trách chính phủ cần nỗ lực giải giáp các nhóm dân quân và các chính trị gia cần thể hiện thiện chí hướng tới việc chấm dứt bạo lực kéo dài ở đất nước. Ngài nói kêu gọi chính phủ phải có trách nhiệm đảm bảo hòa bình.
Đức Hồng y nói rằng Giáo hội là một phần của dân tộc Iraq. Tất cả là anh chị em trong đại gia đình Iraq. Do đó, sáng kiến cầu nguyện có ý nghĩa kép: “Trước hết, nó khẳng định rằng Chúa không phân biệt ai, và thứ hai, đó là lời cầu xin Chúa cứu chúng ta khỏi đại dịch đang diễn ra. Chúng ta cần cầu nguyện và cầu xin sự giúp đỡ của Chúa để được cứu và cho đại dịch trên thế giới chấm dứt. Chúng ta không chỉ nghĩ về chúng ta ở Iraq mà về tất cả mọi người trên thế giới.”
Hồng Thủy – Vatican News