22/11/2024

Hoạt động của Tòa Thánh, “trên toàn thế giới và đặc biệt ở lục địa Phi châu, nhằm nâng cao phẩm giá của mỗi người ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh”: đây là điều được Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh khẳng định tại buổi Lectio Magistralis (Đọc Huấn quyền), được tổ chức hôm 01/02, tại Đại học Công giáo Trung Phi ở Yaoundé của Cameroon, với chủ đề “Sự hiện diện của Tòa Thánh ở châu Phi: cầu nối giữa ý tưởng hòa bình và thực hiện công lý”.

 

 

 

Đức Hồng y giải thích rằng không phải ngẫu nhiên mà “vị lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ được gọi là Pontefice (Đức Giáo Hoàng)”, nghĩa là người xây dựng những cây cầu “giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với nhau”. Mục tiêu cuối cùng của những cây cầu này là “sự hòa hợp giữa các dân tộc và các quốc gia” mà Tòa Thánh thúc đẩy mỗi khi có cơ hội, tái khẳng định sự tôn trọng đối với các quyền cơ bản của con người. Đây không chỉ là vấn đề kêu gọi hòa bình, nhưng còn là yêu cầu xây dựng hòa bình một cách cụ thể qua hoạt động nghiêm túc, kiên nhẫn được ủng hộ bởi sự lựa chọn công bằng vô điều kiện.

Quốc vụ khanh Tòa Thánh lưu ý rằng, lịch sử lâu dài hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh ở châu Phi cho thấy con đường Giáo hội hướng tới, đó là nhịp cầu kết nối ý tưởng hòa bình và liên đới với sự quan tâm cụ thể đến các nhu cầu của mỗi người.

Ba hướng dẫn được Đức Hồng y xác định giúp đọc hiểu đóng góp của Tòa Thánh đối với cuộc sống của châu Phi là: công lý, hòa bình ổn định và hợp tác chân thành.

Đối với điều đầu tiên, “ý nghĩa của công lý” nằm ở khả năng cung cấp giá trị phù hợp cho mọi thứ, tìm trong sự liên đới và chia sẻ các biện pháp để công lý có thể thực hiện, lời nói dẫn đến thực tế.

Đối với hòa bình ổn định, nghĩa là “hòa bình thực sự, hòa bình lâu dài bắt nguồn từ cơ cấu xã hội”. Một nền hòa bình không thể đơn thuần được hô to, nhưng được theo đuổi “trong lương tâm con người”. Một nền hòa bình không “bị tách rời khỏi các bổn phận của công lý, nhưng được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh, lòng khoan dung, thương xót và bác ái”. Hơn nữa, hòa bình, được hiểu là khả năng con người nhận ra chính mình, không bao giờ là một mục tiêu đạt được một lần cho mãi mãi, mà là “một tòa nhà được xây dựng hàng ngày” với việc bảo vệ phẩm giá con người, bằng sự tôn trọng và tình yêu.

Cuối cùng là “hợp tác chân thành”, những từ đơn giản trong đó là “bí quyết” của cuộc sống cộng đồng quốc tế và của mỗi lục địa, quốc gia hay dân tộc. Chân thành nhắc lại sự cần thiết phải tiến hành các cuộc đàm phán và các cuộc thảo luận về thực tế của các vấn đề, không che giấu các tình huống vì lợi ích cá nhân, nhưng can đảm tuyên bố sự cần thiết phải làm việc để bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Hợp tác là một yếu tố tất yếu để đạt được sự tôn trọng hiệu quả đối với các quyền cơ bản, cho hòa bình và an ninh. Ngày nay, hợp tác mang một giá trị đạo đức luân lý, theo nghĩa là nó đòi hỏi phải vượt qua những cạnh tranh chính trị khác nhau để hướng đến lợi ích chung.

Đức Hồng y cho biết, Tòa Thánh đề xuất một khúc rẽ văn hóa và một sự thay đổi tư duy để mọi người biết cách tạo ra một xã hội đích thực của tình yêu đặt nền tảng trong Thiên Chúa, bởi vì “khi con người lạc mất Thiên Chúa, thì con người cũng đánh mất chính mình”. Một sứ vụ được thực hiện bởi nhiều người nam nữ thiện chí, những người trẻ, giáo dân, linh mục và những người thánh hiến, đó là những người bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản con người. Những người này đang hoạt động nhằm giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về giá trị của phẩm giá con người và nghĩa vụ xã hội phải bảo vệ mọi sự sống. Thực tế, Tòa Thánh hoạt động loan truyền tinh thần nhân văn, biết nhìn sự sống như một món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.

Đức Hồng y kết luận: “Trong bức tranh toàn cảnh của thế giới hiện nay, được đánh dấu bởi sự phức tạp và đa dạng thường được nêu lên như một dấu hiệu của niềm tự hào và bản sắc, để phân biệt chính mình so với phần còn lại của thế giới, Tòa Thánh, cả trong cộng đồng quốc tế và cụ thể ở mỗi quốc gia cam kết xây dựng một thế giới biết chịu trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người. Trách nhiệm không chỉ dựa trên nỗ lực đối diện với các vấn đề, mà còn dựa trên lòng can đảm bảo vệ và nâng cao nhân phẩm qua việc tìm kiếm sự cân bằng mà ranh giới không phải là nhu cầu an ninh mà là cuộc sống của con người”. (CSR_811_2021) 

 

Ngọc Yến – Vatican News