Năm 2021 này, Pháp và Tòa Thánh kỷ niệm 100 năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao đã bị phá vỡ sau đạo luật về sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước, được chính phủ Pháp ban hành năm 1905. Trong 17 năm, từ 1904 đến 1921, Pháp không có đại sứ cạnh Tòa thánh. Đây là một sự đổ vỡ lịch sử liên quan đến chiều dài và chiều sâu của mối quan hệ được rèn giũa giữa Giáo hội và Pháp, nước được xem là “trưởng nữ” của Giáo hội.
ĐTC tiếp Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp vào năm 2018 (Vatican Media)
Tòa Thánh và Pháp đã có quan hệ ngoại giao từ rất lâu đời, được bắt đầu dưới chế độ quân chủ. Từ thế kỷ 16 – chính xác là dưới thời trị vì của vua François đệ nhất – Pháp đảm bảo có một đại sứ thường trú cư trú tại Roma; truyền thống này sẽ kéo dài cho đến năm 1905, năm xảy ra sự đổ vỡ.
Những xung đột
Những xung đột đầu tiên bắt đầu từ những năm 1880, khi nền đệ tam Cộng hòa thông qua một loạt luật gây bất lợi cho Giáo hội Công giáo và các tổ chức của Giáo hội. Trước hết là luật về giáo dục học đường, tháng 3 năm 1880; nền đệ tam Cộng hòa cho rằng giáo dục công không nên đề cập đến tôn giáo nữa.
Tranh chấp thứ hai liên quan đến tình hình của các dòng tu, và đặc biệt là những dòng có vai trò trong việc giảng dạy. Chính phủ đưa ra luật về quyền tự do tập họp vào tháng 7 năm 1901; theo luật này, các dòng tu muốn hiện hữu cần phải có phép. Trong khi đó, các quan chức Bộ Nội vụ đang xem xét kỹ lưỡng hồ sơ của các dòng tu hiện có và loại bỏ những dòng tu chưa yêu cầu tái cấp phép vào ngày luật định. Sau đó là những vụ trục xuất các tu sĩ.
Năm 1904, với luật “petit Père Combes” nổi tiếng, không có dòng tu nào được phép dạy học nữa. Cùng năm đó, Đại sứ Pháp cạnh Tòa thánh được triệu hồi. Trong 17 năm, trụ sở của Đại sứ quán Pháp tại Roma bị bỏ trống.
Và cuối cùng là luật về việc tách biệt Giáo hội và Nhà Nước được ban hành vào tháng 12 năm 1905. Với luật năm 1905, sự tách biệt là hoàn toàn. Nhà nước không còn can thiệp vào công việc của Giáo hội, và Giáo hội cũng không can thiệp vào công việc của Nhà nước.
Bối cảnh áp dụng các đạo luật
Theo cha Bernard Ardura, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, để hiểu rõ những gì đã xảy ra vào năm 1880 liên quan đến các dòng tu – bao gồm các dòng lớn và các dòng mới được thành lập -, cần phải nhớ rằng Cộng hòa Pháp chỉ đang áp dụng, bằng cách áp dụng cứng rắn hơn, luật có từ thời Chế độ cũ (trước cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789): ở Pháp , các tu sĩ chỉ có thể hiện hữu với điều kiện nhận được thư cho phép của nhà vua, của Hội đồng Nhà nước (tham chính viện) hoặc Nghị viện. Chính vì lý do này mà vào năm 1880, chính phủ đã ra lệnh giải thể các dòng tu không có sự hiện hữu hợp pháp này.
Vào năm 1880, các cộng đoàn bị giải thể nhưng tài sản vẫn thuộc về quyền sở hữu cá nhân của họ. Trong khi đó vào năm 1905, sẽ có một cuộc cướp sạch hoàn toàn. Nó sẽ bắt đầu với các tu sĩ vào năm 1903; Nhà nước Pháp dùng quân lính trục xuất tất cả những người không được nhìn nhận về pháp lý. Do đó, trào lưu bài giáo sĩ gia tăng và dần dần mạnh mẽ hơn. Khi đó Đức Giáo hoàng Lêô XIII rất được lòng dân chúng, nhưng điều đó không ngăn cản một phong trào rất mạnh mẽ, trong đó Hội Tam điểm đang hoạt động. (…). Và sau đó, năm 1905 đánh dấu sự tan vỡ của quan hệ ngoại giao.
Giáo hội thích ứng với hoàn cảnh
Tòa Thánh chứng kiến sự biến chuyển đó và khuyến khích các tu sĩ làm những gì có thể để tiếp tục sứ mệnh của họ theo cách mà họ cho là phù hợp nhất. Chính vì thế nhiều nữ tu giáo chức đã bỏ tu phục để tiếp tục giảng dạy trong trường học.
Đây cũng là thời điểm các tín hữu thể hiện một sự liên đới và quảng đại phi thường; họ là những người sẽ giúp Giáo hội có lại được các tài sản. Đó vừa là thời kỳ đau khổ dữ dội sẽ chia rẽ xã hội Pháp, đồng thời cũng là thời điểm thi đua và dấn thân rất mạnh mẽ của các tín hữu.
Khó khăn ngoại giao của Pháp
Sự tan vỡ gây ra nhiều khó khăn đặc biệt là trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Việc không thể chính thức hội đàm với Đức Giáo hoàng, hoặc ít nhất là với Quốc vụ khanh Tòa Thánh hoặc các thành viên của Giáo triều Roma, đã bị một số đảng viên Cộng hòa coi là một khuyết điểm. Nước Pháp muốn có tiếng nói của mình tại Vatican.
Chiến tranh thế giới thứ nhất: cơ hội hòa giải
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã dẫn đến một mối quan hệ hợp tác. Ví dụ, các tu sĩ, những người lưu vong ở Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha và Anh, vào thời khắc chiến tranh được tuyên bố, họ tự động trở về Pháp để cầm vũ khí và bảo vệ quê hương. Như vậy, trong suốt 4 năm chiến tranh, trong chiến hào, những người cộng sản, chủ nghĩa xã hội, cấp tiến, Tam điểm, linh mục giáo phận, chủng sinh, chiến binh Công giáo tiến hành họp lại với nhau. Và khi chiến tranh kết thúc, điều đó đã biến thành tình bạn vô cùng bền chặt, vốn được đóng ấn trong máu, trong sự sợ hãi và chiến đấu.
Chiến tranh đã mang lại những thay đổi quan trọng ở nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất, người ta thấy có sự trở lại của người Công giáo với đời sống chính trị sau khi họ đã bị loại trừ phần lớn. Năm 1919, các ứng cử viên Công giáo đã đạt được một số thành công trong cuộc bầu cử lập pháp. Trong số 600 đại biểu được bầu vào Hạ viện, 180 người tự nhận là Công giáo và ủng hộ việc áp dụng vừa phải các luật thế tục.
Sau hiệp định đình chiến, đa số phe Cộng hòa tin rằng đã đến lúc lên tiếng yêu cầu áp dụng các luật thế tục mang tính hòa giải hơn; việc tái lập quan hệ với Tòa thánh phù hợp với logic này. Có thể nói rằng tất cả các điều kiện bên ngoài đã sẵn sàng cho một sự hòa giải thực sự.
Những quan tâm chung của Vatican và Pháp
Bên cạnh những điểm tranh chấp, Vatican và Paris cũng có những điểm chung. Họ có những mối quan tâm chung; một số quan tâm thuộc về chính trị, còn những quan tâm khác về cơ bản là tôn giáo. Trong số các quan tâm chính trị, chúng ta có sự ủng hộ đối với Ba Lan và điều này là vô cùng quan trọng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ngoài ra còn có tương lai của vùng sông Rhine, bởi vì ở đó có một phần lớn ngành công nghiệp chế tạo máy móc chiến tranh.
Sau Thế chiến thứ nhất, trong số những biến động mà thế giới phải trải qua, có sự biến mất của Đế chế Ottoman; và tất cả các lãnh thổ từng thuộc về nó, đặc biệt là ở Trung Đông, sẽ trở thành mối quan tâm lớn đối với Tòa thánh và cả nước Pháp. Vấn đề về chế độ bảo hộ Ki-tô hữu ở Trung Đông có liên quan đến điều này. Do đó, Pháp và Tòa thánh sẽ phải đi đến một thỏa thuận để bảo vệ các cộng đoàn Ki-tô đa dạng về nghi lễ, nguồn gốc và văn hóa này.
iếp đến là vấn đề lựa chọn các giám mục, cũng như các xứ truyền giáo. Ví dụ, khi nước Đức bị mất các thuộc địa – như Togo, Camerun và Tanganyka (sau này là Tanzania), vào tay người Anh và người Pháp, các nhà truyền giáo Đức ra đi sẽ làm phát sinh thêm một khoản đầu tư từ các nhà truyền giáo Pháp. Trước sự biến động hoàn toàn này, Nhà nước thực dân và Tòa Thánh cũng phải đi đến một thỏa thuận ở đây.
Thánh nữ Jeanne d’Arc
Điều cuối cùng sẽ đóng ấn sự hòa giảiđó là một người nữ: thánh nữ Jeanne d’Arc. Trong lễ phong thánh cho ngài, lần đầu tiên chính phủ Pháp cử một đại sứ đặc biệt: thành viên hàn lâm viện Gabriel Hanoteaux. (…)
Bắt đầu tiến trình tái lập ngoại giao
Ngày 20 tháng 5 năm 1920, Đức Biển Đức XV tiếp ông Hanoteaux, và cả hai cùng thảo luận về vấn đề nối lại quan hệ ngoại giao. Vào ngày 30 tháng 11, Hạ viện bỏ phiếu ngân sách cho việc mở lại đại sứ quán ở Roma và ông Charles Jonnard sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ đầu tiên vào ngày 17 tháng 5 năm 1921. Đại sứ quán của Pháp cạnh Tòa Thánh được mở lại với một thỏa thuận về hai điểm: duy trì luật thế tục (tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước) và một thỏa thuận về sự lựa chọn của các giám mục sẽ được thực hiện như thế nào.
Áp dụng luật thế tục để phục vụ ích chung
ChaArdura nhận định rằng luật tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước như một nguyên tắc đã là một thực tế được chấp nhận trong hơn một thế kỷ. Nhưng ngày nay, điều quan trọng là những thuận tiện mà chúng ta đề xuất. Lấy ví dụ về luật tách biệt này. Những luật này được thực hiện cho một mục đích rất cụ thể, nhưng tất cả các tôn giáo không nên phải gánh chịu hậu quả. Như Đức Hồng Y Parolin đã nói, một luật mới không nên tạo ra những khó khăn mới. Do đó, chúng ta phải xem, trên tinh thần tham vấn, làm thế nào để phục vụ lợi ích chung một cách tốt nhất. Năm 1905, mọi thứ được thực hiện trong bầu không khí xung đột, ngày nay mọi thứ phải được thực hiện để đảm bảo rằng điều này xảy ra trong sự hợp tác, trong một bầu không khí hòa bình.
Hồng Thủy – Vatican News