Các giám mục Tây Ban Nha đã bảo vệ quyền tài sản của Giáo hội sau khi chính phủ cáo buộc Giáo hội tuyên bố không đúng về quyền sở hữu đối với hàng ngàn tòa nhà và lô đất.
Trên trang web của hội đồng giám mục có tuyên bố: “Giáo hội đã đăng ký tài sản mà người Công giáo đã tạo ra và giao phó cho Giáo hội qua nhiều thế kỷ, vì vậy, Giáo hội có thể thực hiện công việc rao giảng Tin Mừng, cử hành đức tin và thực thi bác ái. Giáo hội cũng đã đăng ký tài sản nhận được thông qua di chúc và thừa kế, đã được sử dụng, theo cách này hay cách khác, cho các mục đích tương tự. Giáo hội có nghĩa vụ bảo vệ và duy trì những tài sản này, sử dụng chúng cho các mục đích riêng và cung cấp chúng cho xã hội.”
Chất vấn quyền sở hữu tài sản của Giáo hội
Những nhà thờ lịch sử và nhà thờ chính tòa không có chứng nhận sở hữu không được bao gồm trong sổ đăng ký tài sản đầu tiên của Tây Ban Nha, được thiết lập vào năm 1863 sau làn sóng tịch thu của các chính phủ cấp tiến và được tái xác nhận theo luật vào các năm 1909, 1915 và 1946. Theo luật năm 1998, Giáo hội Công giáo được mời gọi đăng ký tài sản của mình bằng một tuyên bố quyền sở hữu đơn giản.
Tuy nhiên, trong một báo cáo dài 3.000 trang được công bố ngày 16 tháng 2, chính phủ cho biết 34.961 tài sản được đăng ký trước khi luật được sửa đổi vào năm 2015 đã bao gồm nhiều tài sản phi tôn giáo, gồm các tòa nhà dân cư, nhà để xe, trang trại và vườn nho. Giáo hội được cho thời hạn đến năm 2023 để cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu tài sản.
Bà Phó Thủ tướng Carmen Calvo cho biết đã thảo luận về các vấn đề tài sản với Đức Hồng y Juan Jose Omella, Chủ tịch Hội đồng giám mục, và tin rằng Giáo hội sẽ áp dụng một “quan điểm hợp lý”. Bà cũng nói thêm rằng, trong khi một số khu đất và tòa nhà “rõ ràng là tài sản của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực di sản lịch sử”, tòa án có thể chất vấn quyền sở hữu của Giáo hội đối với những tài sản khác.
Hợp tác trong việc bảo trì và sử dụng các tài sản để phục vụ ích chung
Đức cha Luis Argüello Garcia, Giám mục phụ tá của Valladolid, Tổng Thư ký của Hội đồng giám mục, nói với các nhà báo rằng tài sản của Giáo hội vẫn “phục vụ lợi ích chung thông qua các hoạt động phù hợp với cộng đồng Ki-tô giáo,” đồng thời có “tính lịch sử, giá trị nghệ thuật và văn hóa đặc biệt.” Ngài kêu gọi sự hợp tác trong việc bảo trì và sử dụng chúng.
Đức cha nói: “Chúng tôi hài lòng về sự công nhận của báo cáo rằng Giáo hội đã hành động hợp pháp trong việc đáp ứng các thủ tục đăng ký. Giáo hội không muốn bất cứ thứ gì không thuộc về mình mang tên nó.Nếu ai đó đưa ra quyền sở hữu tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng xem xét việc đăng ký, khi luật pháp yêu cầu.”
Nhiều tài sản của Giáo hội có trước các tiểu bang, thành phố và hội đồng
Một số chính trị gia đã thúc giục chính phủ hủy bỏ hoàn toàn các tuyên bố về quyền sở hữu của Giáo hội và yêu cầu đăng ký lại tất cả tài sản, đồng thời xác nhận lại quyền sở hữu công cộng đối với các tòa nhà tôn giáo lịch sử như nhà thờ chính tòa của Cordoba có từ thế kỷ thứ sáu.
Tuy nhiên, trong tuyên bố trên trang web của mình, Hội đồng giám mục cho biết một số tài sản lâu đời nhất của nhà thờ Tây Ban Nha, chẳng hạn như các nhà thờ chính tòa Toledo và Tarragona, có từ thế kỷ đầu tiên và đã có được tài sản thông qua thuế thập phân, quyên góp và hành động bảo trợ. Tuyên bố lưu ý rằng các tài sản đó của Giáo hội có trước các tiểu bang, thành phố và hội đồng. (Crux 24/02/2021)
Hồng Thủy – Vatican News