Các mạng lưới y tế Kitô kêu gọi sự công bằng và liên đới trên toàn thế giới trong việc tiếp cận vắc-xin chống Covid-19.
Hơn 30 tổ chức, trong đó có Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô (Coe), đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về dịch vụ y tế bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin của mọi người, đồng thời kêu gọi các chính phủ, cộng đồng quốc tế và các công ty dược phẩm giải quyết vấn đề này.
Theo mạng lưới y tế Kitô, cần phải quan tâm đến các cộng đoàn dễ bị tổn thương và khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. Và cần phải thực hiện nhiều hơn nữa đối với dự án COVAX, một dự án giúp nghiên cứu về một loại vắc xin hiệu quả, sẵn sàng và giá cả phải chăng cho tất cả các quốc gia, với mục tiêu phân phối công bằng 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021.
Tuyên bố viết: “Cung cấp vắc-xin cho tất cả mọi người phải là một phần của kế hoạch toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch. Người ta ước tính rằng chi phí cho nền kinh tế toàn cầu của việc thiếu tiêm chủng sẽ là 9,2 ngàn tỷ đô la, bằng 7% tổng sản phẩm thế giới. Hậu quả kinh tế do đại dịch đang và sẽ tiếp tục tàn phá nặng nề hơn ở các nước nghèo”.
Tiếp theo, các tổ chức Kitô nhấn mạnh rằng, đại dịch đã cho thấy rõ những bất bình đẳng đã tồn tại trên thế giới, vì vậy một phản ứng toàn cầu dựa trên tình liên đới và bình đẳng phải vì lợi ích của mọi người, và các quyết định được hướng dẫn bởi chủ nghĩa dân tộc cô lập sẽ không chỉ kéo dài đại dịch, nhưng còn làm trầm trọng thêm nhu cầu hạn chế và làm tăng chi phí nhân lực và kinh tế vốn đã cao, làm lùi nhiều năm nếu không muốn nói là hàng thập kỷ phát triển”.
Dựa trên cơ sở này, các mạng lưới y tế Kitô, cung cấp từ 15 đến 60% dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Phi và đóng góp đáng kể ở các khu vực khác trên thế giới, cam kết duy trì đóng góp cho phản ứng toàn cầu đối với Covid-19.
Các tổ chức cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ làm hết khả năng để biến vắc-xin Covid trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, dễ tiếp cận, và phân phối đồng đều, đồng thời đảm bảo những người lao động tuyến đầu, những người dễ bị tổn thương nhất và người cao tuổi được tiêm chủng trước tiên, theo đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới.
Cuối cùng, các mạng lưới y tế Kitô kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế mở rộng khả năng sản xuất vắc-xin toàn cầu, tăng nguồn cung và giảm giá.
Ngọc Yến – Vatican News