22/11/2024

Ngày 18/3/2021 Tây Ban Nha thông qua luật trợ tử, trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới áp dụng luật này. Giáo hội lên tiếng mạnh mẽ chống lại luật trái với giáo huấn của Giáo hội Công giáo rằng: Không thể tránh đau khổ bằng cách gây ra cái chết và cần phải ưu tiên chăm sóc giảm nhẹ.

 

Biểu tình chống luật trợ tử ở Tây Ban Nha

 

Trước Tây Ban Nha đã có Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ, Canada và New Zealand, cũng đã phê chuẩn luật trợ tử. Luật đã nhận được sự đồng ý của 202 đại biểu Quốc hội; 141 phiếu chống, 2 phiếu trắng. Theo luật, tự nguyện chấm dứt sự sống sẽ có hiệu lực sau ba tháng và có thể được yêu cầu bởi những người bị bệnh hiểm nghèo và không thể chữa khỏi hoặc một bệnh nghiêm trọng, mãn tính và tàn tật. Người yêu cầu trợ tử phải gửi yêu cầu hai lần trong vòng 15 ngày. Bệnh nhân phải chứng minh rằng mình biết khả năng có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Sau đó, một ủy ban gồm bác sĩ, luật sư và y tá sẽ thực hiện điều này trong vòng 19 ngày.

Trước việc luật trợ tử được thông qua, Hội đồng Giám mục ngay lập tức đã lên tiếng phản đối. Trong một tuyên bố, Đức cha Luis Argüello Garcia, Giám mục phụ tá của Valladolid, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục, khẳng định: “Đây là một tin xấu, giải pháp đơn giản nhất đã được chọn: để tránh đau khổ, người ta đã làm cho người bệnh phải chết, không xét đến việc có thể tìm một cách khắc phục như sử dụng dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Chúng ta phải thúc đẩy một nền văn hóa sự sống và thực hiện các bước cụ thể: cho phép mọi người thể hiện một cách rõ ràng và kiên quyết mong muốn được chăm sóc giảm nhẹ”.

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống, cũng lên tiếng về việc Tây Ban Nha thông qua luật trợ tử: “Việc phổ biến văn hóa trợ tử ở châu Âu và thế giới phải được đáp lại bằng một cách tiếp cận văn hóa khác. Đau khổ và tuyệt vọng của người bệnh không được bỏ qua. Nhưng giải pháp cho vấn đề này không phải là việc kết thúc sự sống trước thời gian. Giải pháp phải là chăm sóc đau khổ thể xác và tinh thần. Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống ủng hộ sự cần thiết phải phổ biến dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Đây không phải là phòng chờ cho cái chết êm dịu, nhưng là một văn hóa giảm nhẹ thực sự, theo một cách tiếp cận toàn diện. Khi chúng ta không thể chữa trị được nữa, thì chúng ta luôn có thể chăm sóc người bệnh. Chúng ta không được ủng hộ việc làm bất lương của việc trợ tử”.

Ngọc Yến – Vatican News