Trong sứ điệp gửi các tín hữu Ai-len vào tối ngày 19/3, nhân dịp đền thánh Đức Mẹ Knock ở Ai Len được nâng thành đền thánh quốc tế, nơi sùng kính đặc biệt Thánh Thể và Đức Mẹ, Đức Thánh Cha nêu bật lòng sùng kính Đức Mẹ và đời sống truyền giáo của người dân Ai-len.

 

 

Đức Thánh Cha viết trong sứ điệp: “Kể từ khi Đức Mẹ cùng với thánh Giuse và thánh Gioan Tông đồ hiện ra vào ngày 21 tháng 8 năm 1879 với một số dân làng, người dân Ai-len, dù ở đâu, đều bày tỏ đức tin và lòng sùng kính Đức Mẹ Knock.”

Dân tộc truyền giáo

“Anh chị em là một dân tộc truyền giáo.” Đức Thánh Cha nhắc đến nhiều linh mục Ai-len đã rời quê hương để trở thành “những thừa sai của Tin Mừng”, cũng như nhiều tín hữu Ai-len di cư đến những miền đất xa xăm vẫn giữ lòng sùng kính Đức Mẹ. Đức Thánh Cha nêu bật sự phục vụ đức tin của Giáo hội Ai-len: “Có bao nhiêu gia đình trong gần một thế kỷ rưỡi đã truyền lại đức tin cho con cái của họ, và vừa làm những công việc hàng ngày của họ vừa lần hạt Mân Côi, với hình ảnh Đức Mẹ Knock ở trung tâm.”

Đức Thánh Cha khẳng định: “Cánh tay của Đức Trinh Nữ dang rộng khi cầu nguyện, tiếp tục cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện như thông điệp hy vọng được loan đi từ Đền thờ này.”

Giá trị của thinh lặng

Khi hiện ra tại Knock, Đức Mẹ không nói lời nào. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý, “sự thinh lặng là ngôn ngữ có thể diễn tả nhất của chúng ta. Do đó, sứ điệp của Đức Mẹ tại Knock đó là giá trị cao quý của sự thinh lặng của chúng ta đối với đức tin.” Đức Thánh Cha giải thích, thinh lặng trước mầu nhiệm không có nghĩa là ngừng tìm hiểu, nhưng là “hiểu biết khi được trợ giúp và nâng đỡ bởi tình yêu của Chúa Giê-su.” Đó cũng là sự im lặng trước “mầu nhiệm vĩ đại của một tình yêu không thể đền đáp tương xứng trừ khi tin tưởng phó thác cho ý muốn của Chúa Cha nhân từ.”

Trách nhiệm đón tiếp

Khi Đền thánh Knock được trở thành đền thánh quốc gia, các tín hữu Ai-len có trách nhiệm “mở rộng vòng tay của mình như một dấu hiệu chào đón mọi người hành hương đến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, không đòi hỏi đáp lại mà chỉ nhìn nhận họ như một người anh em hoặc một người chị em mong muốn được chia sẻ cùng một kinh nghiệm về lời cầu nguyện huynh đệ. Đức Thánh Cha mong muốn sự chào đón này được kết hợp với việc bác ái và trở thành một chứng tá hữu hiệu cho một trái tim mở rộng đón nhận Lời Chúa và ơn Chúa Thánh Thần. (CSR_1934_2021)

Hồng Thủy – Vatican News