Ngày 23 tháng 3, tổ chức Caritas Quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi chân thành tới cộng đồng quốc tế kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các lệnh trừng phạt đối với Syria, nói rằng người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến 10 năm qua.
Caritas Quốc tế phân phát cứu trợ cho Syria
Trong cuộc họp báo trực tuyến, liên đoàn các tổ chức bác ái Công giáo quốc gia trên toàn thế giới, Caritas Syria và Đức Hồng y Mario Zenari, Sứ thần Tòa thánh tại Syria, đã cùng lên tiếng kêu gọi các chính phủ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Syria, bao gồm cả trường hợp khẩn cấp vì đại dịch. Ngày 15 tháng 3 đánh dấu 10 năm cuộc nội chiến Syria, và nó vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương
Ông Aloysius John,Tổng Thư ký của Caritas Quốc tế cho biết, “Caritas quốc tế hợp với Giáo hội ở Syria lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế và Liên minh châu Âu ngay lập tức gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương, vốn chỉ làm trầm trọng thêm các tình cảnh nhân đạo của người dân Syria.”
Trong số các vấn đề mà Caritas yêu cầu ưu tiên gồm có các nhu cầu và dịch vụ cơ bản, bao gồm nguồn cung cấp chăm sóc sức khỏe thiết yếu, vắc xin Covid-19 và điều trị cho người Syria trong và ngoài nước.
Đảm bảo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ
Tổng thư ký Caritas cũng kêu gọi hỗ trợ và đảm bảo điều kiện làm việc tốt cho các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo đang hoạt động ở Syria, Jordan, Li-băng và Thổ Nhĩ Kỳ, những người đang ở tuyến đầu tiếp cận với người Syria. Ông khẳng định rằng hành động quân sự sẽ chỉ tạo nên thù hận và sẽ không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài của Syria, giải pháp đàm phán hòa bình là cách duy nhất.
Giải pháp hòa bình và tái thiết đất nước
Phát biểu tại Hội nghị, Đức Hồng y Mario Zenari đau buồn rằng sau 10 chiến tranh đẫm máu, tiến trình hòa bình vẫn bế tắc và tiến trình tái xây dựng và phục hồi của Syria mới chỉ bắt đầu. Dù đã vài tháng không còn bom đạn và hỏa tiễn rơi xuống một số nơi, nhưng “quả bom nghèo đói khủng khiếp đã phát nổ”, khiến 90% dân số ở dưới mức nghèo khổ, một tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Lạm phát cao, tham nhũng và các lệnh trừng phạt, kết hợp với cuộc khủng hoảng Li-băng và đại dịch Covid-19, đã khiến các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và điện trở nên cực kỳ đắt đỏ, với nguồn cung ít ỏi hoặc gần như không có.
Đức Hồng Y Zenari cho biết, viện trợ quốc tế có nguy cơ giảm dần và không thể tiếp tục mãi mãi. Do đó cần đưa ra “các giải pháp phù hợp và có tầm nhìn xa” có khả năng tạo điều kiện cho người dân Syria, bị kiệt quệ vì chiến tranh, giành lại hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước.
Hồng Thủy – Vatican News