23/11/2024

Lễ Phục Sinh của các cộng đoàn Kitô giáo ở Nigeria và Syria sẽ phải cử hành trong sự kiểm soát của nhóm khủng bố Boko Haram và nhóm thánh chiến Tahrir al-Sham. Vì vậy, các cử hành sẽ diễn ra trong thầm lặng, nhưng các Kitô hữu vẫn can đảm không sợ hãi vì tin rằng “không có chiến thắng nào mà lại không có đau khổ và không có ngôi mộ trống nào mà lại không có đồi Canvê”. Họ sẽ cử hành lễ Phục Sinh “Như chiên ở giữa bầy sói, khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu”.

 

Các Kitô hữu Syria cầu nguyện (Copyright: Aid to the Church in Need)

 

Mặc dù cách xa hàng ngàn cây số, các cộng đoàn Kitô giáo ở Nigeria và Syria vẫn hợp nhất với nhau vì có chung nỗi lo bị tấn công, bắt cóc, phân biệt đối xử và lạm dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Nỗi sợ hãi tăng lên trong những thời điểm như Giáng Sinh và bây giờ là Phục sinh. “Như chiên ở giữa bầy sói, khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” là đoạn Tin Mừng (Mt 10,16) có lẽ hay hơn bất kỳ đoạn nào khác khi nói về cuộc sống của các cộng đoàn này.

Tại Nigieriacha Joseph Bature Fidelis, linh mục coi sóc giáo xứ Thánh Patrick, ở Maiduguri cho biết: Vào năm 2014, trong cuộc tấn công khủng bố Boko Haram, cha đã chọn ở lại với các giáo dân, mặc dù, như cha nói: “Tôi đã bị đe dọa hai lần và tôi đã chứng kiến người dân bị giết và bị chặt ra thành nhiều mảnh. Tôi tin rằng những cuộc tấn công này sẽ không thể xóa bỏ đức tin của người dân chúng tôi”. Mặc dù mối đe dọa từ Boko Haram vẫn đeo bám Maiduguri, nhưng cộng đoàn của cha Joseph đang chuẩn bị cho lễ Phục Sinh với tinh thần như mọi khi: “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu”.

Cha nói: “Lễ Phục Sinh và Giáng sinh, là những thời điểm thuận lợi cho các cuộc tấn công vì những kẻ khủng bố biết rõ rằng, hiện nay việc tấn công của chúng gây tiếng vang. Vì lý do này, chúng tôi rất chú ý đến các cử hành, đặc biệt trong Tuần Thánh. Vì vậy, trước hết chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho các tín hữu. Chúng tôi ý thức rằng chúng tôi không được ở bên ngoài quá lâu và ở nơi dễ bị tấn công như nhà thờ”.

Vì lý do này, cha tuyên bố: “Các nghi thức Phục Sinh sẽ được cử hành một cách thiết yếu và không kéo dài. Ở phía trước cửa các nhà thờ chúng tôi sẽ có lực lượng cảnh sát với những người trẻ của chúng tôi, những người quen biết các thành viên của cộng đoàn. Tất cả các cử hành sẽ diễn ra vào buổi chiều và tuân thủ đầy đủ các quy định chống Covid-19”.

Cha Joseph nói thêm: “Chúng tôi đã quen với việc chịu đựng tình trạng này, nhưng chúng tôi cũng biết chúng tôi không thể đầu hàng trước sợ hãi. Thử thách thật khó khăn nhưng chúng tôi phải can đảm vì Lễ Phục Sinh nói với chúng ta về sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Chúng ta cũng biết rằng không có chiến thắng nào mà không có đau khổ và hy sinh, không có ngôi mộ trống nào mà không có đồi Canvê. Chúng tôi chịu sự bắt bớ này vì chắc chắn rằng hoa trái cuối cùng sẽ là niềm vui và chiến thắng trong Đức Kitô”.

Cha lạc quan kết thúc: “Chúng tôi không chỉ bị bao vây bởi cái ác, xung quanh chúng tôi còn có nhiều người, nhiều anh em của các tín ngưỡng khác, những người mà chúng tôi đang xây dựng một tương lai hòa bình và chung sống”.

Tại Syria. Ở Idlib, tây bắc Syria, có một cộng đoàn Kitô giáo nhỏ, chỉ hơn 210 gia đình, sống rải rác trong ba ngôi làng nằm ở Thung lũng Orontes, Knaye, Yacoubieh và Gidaideh. Cùng với họ có các tu sĩ Phanxicô là cha Knaye, cha Hanna Jallouf và cha Louai Bsharat. Họ là các tu sĩ duy nhất còn lại trong khu vực.

“Tất cả các linh mục ở đó đã chạy trốn sau khi dân quân phá hủy và cướp phá nhiều nhà thờ và nơi thờ phượng”, cha Hanna nói và cho biết cha đã bị bắt cóc bởi các chiến binh thánh chiến của Jabhat al-Nusra vào năm 2014 cùng với 16 giáo dân khác và sau đó được trả tự do. Tại Idlib, quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga và lực lượng nổi dậy do các chiến binh thánh chiến Tahrir al-Sham và Quân đội quốc gia Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đang đối đầu nhau. Một tình huống ngăn mọi người di chuyển.

Cha Hanna nói: “Tất cả các con đường đều bị đóng, chúng tôi không thể rời tỉnh hoặc đến Damas, Aleppo hay Latakia. Điều này càng làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn vì cộng đoàn của chúng tôi gồm những người cao tuổi, nhiều người bị bệnh và cần được điều trị ở nơi khác. Hơn nữa, Covid-19 đã ảnh hưởng đến gần 80% cộng đoàn của chúng tôi”.

Các tu sĩ giúp mọi người bằng việc cung cấp thực phẩm, giáo dục học đường và tôn giáo. Tất cả làm việc trong thầm lặng. Và theo cha Hanna, điều này có nghĩa là “chuông cửa của chúng tôi không được phép reo, chúng tôi không thể mặc áo dòng khi đi ra ngoài, trên tháp chuông nơi thờ phượng không có Thánh giá, các hình ảnh thánh không được trưng bày bên ngoài, các nghi lễ chỉ được cử hành khi các cửa đã đóng. Lễ Phục sinh này cũng sẽ như thế”.

Cha kết luận: “Mặc dù khó khăn và đau khổ, nhưng chúng tôi ý thức rằng chúng tôi đang sống thời gian đầy ân sủng, và chúng tôi muốn chia sẻ điều này với những người thân thiết và những người đã hỗ trợ chúng tôi”. (Sir. 30/3/2021)

Ngọc Yến – Vatican News