Đức Hồng y Charles Bo của Tổng Giáo phận Yangon kêu gọi hòa bình, bất bạo động và khôi phục chế độ dân chủ trong ánh sáng hy vọng của Chúa Phục Sinh.
Người trẻ Myanmar
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên trong sứ điệp Phục Sinh gửi cho các tín hữu, trong hoàn cảnh đất nước đang trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn: hàng trăm người đã bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và nhiều người khác bị thương. Quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong một năm.
Trong sứ điệp, Đức Hồng y Bo nhận định rằng, Lễ Phục Sinh năm nay được cử hành trong “những ngày buồn nhất của lịch sử Myanmar. Trong hai tháng qua, người dân đã phải đi ‘đàng Thánh giá’ thực sự. Hiện nay, họ vẫn đang còn ở trên đồi Canvê”.
Đứng trước hoàn cảnh này, Đức Hồng y lưu ý, có nhiều người đang đặt ra câu hỏi như ông Gióp trong Kinh Thánh: “Chúa ở đâu? Tại sao Chúa nói ngay cả người mẹ quên con mình, thì Thiên Chúa cũng không quên chúng con. Nhưng giờ đây, dường như Chúa đã bỏ rơi chúng con rồi”. Nhưng Đức Tổng Giám mục Yangon nhấn mạnh, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng Lễ Phục Sinh phải là một sự bắt đầu cho một quá trình chữa lành quốc gia này. Bởi vì, một quốc gia bị thương tích có thể tìm được niềm an ủi nơi Đức Kitô, Đấng đã trải qua tất cả những gì mà Myanmar đang sống.
Đức Hồng y viết: “Chúa Giêsu đã bị tra tấn, bị ngược đãi và bị giết trên Thánh giá bởi những người quyền lực kiêu ngạo. Chúa Giêsu cảm thấy dường như bị Thiên Chúa ruồng bỏ, điều mà các thanh niên của đất nước cũng cảm nhận như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa trong vinh quang đã ban cho Chúa Giêsu chiến thắng qua sự phục sinh. Sứ điệp của Thánh giá kết thúc trong vinh quang của sự phục sinh… Vì vậy, với lòng can đảm, chúng ta công bố tiếng kêu chiến đấu của những người bị áp bức: Chúa Giêsu đã sống lại, Hallelujah!”.
Đức Hồng y tiếp tục nhấn mạnh bốn yếu tố của Phục Sinh và liên hệ đến tình hình của đất nước: Ngài kêu gọi phục hồi nền dân chủ và phải làm sao để cuộc đảo chính phải kết thúc càng sớm càng tốt. Ngài cũng kêu gọi chính phủ dân sự đã bị hủy bỏ phải được phục hồi trở lại và quân đội trở về đúng vị trí nhiệm vụ của họ, không tấn công, giết hại người dân. Đồng thời, ngài kêu gọi hận thù giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo phải bị chôn vùi vĩnh viễn, và chế độ độc tài trong bảy thập kỷ qua ở Myanmar phải bị chôn vùi.
Kết thúc sứ điệp, Đức Hồng y bày tỏ mong muốn “một Myanmar mới hòa bình và thịnh vượng có thể được trỗi dậy từ nấm mộ của hận thù và bóng tối”. Vì chỉ như thế “những người trẻ, xã hội, các tôn giáo mới có thể cử hành một Lễ Phục Sinh mới cho Myanmar”.