Các cuộc đụng độ liên tiếp giữa lực lượng cảnh sát Israel và những người trẻ Palestine ở Giêrusalem trong những ngày qua khiến cho hàng trăm người Palestine và khoảng 20 cảnh sát Israel bị thương. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Đức Thánh Cha Phanxicô theo sát diễn biến của tình hình với sự quan tâm lo ngại.
Đức Thánh Cha cầu nguyện để thành Giêrusalem là nơi gặp gỡ, nơi cầu nguyện và hòa bình, không có bạo lực và xung đột.
Cảnh báo tại Giêrusalem vẫn ở mức cao, với bạo lực mới bùng phát gần khu vực đền thờ Hồi giáo, kết hợp với “Cuộc tuần hành lá cờ” do những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc cổ vũ.
Lý do dẫn đến xung đột
Có hai yếu tố dẫn đến sự leo thang căng thẳng trong những ngày gần đây. Thứ nhất là Israel cử hành Ngày Quốc tế Giêrusalem – ngày kỷ niệm cuộc chinh phục thành phố vào năm 1967 của quân đội với Ngôi sao David – theo truyền thống được tôn vinh bằng một cuộc diễu hành với lá cờ.
Thứ hai là phán quyết của tòa án, liên quan đến việc Israel đe dọa đuổi hàng chục người Palestine ra khỏi một quận phía đông Giêrusalem vì lợi ích của những người định cư Do Thái.
Trong những cuộc đụng độ vào ban đêm, những người biểu tình Palestine đã ném gạch đá về phía cảnh sát Israel, và cảnh sát đã đáp trả bằng cách sử dụng lựu đạn và vòi rồng. Bạo lực tập trung gần cổng Damasco trong thành cổ Giêrusalem. Các nguồn tin y tế của Palestine nói về nhiều trường hợp bị thương. Các cuộc ẩu đả giữa hai chiến tuyến cũng đã xảy ra vào cuối tuần qua ở phía bắc thành phố Haifa và gần Ramallah, ở Bờ Tây.
Phản ứng của Israel
Quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu ủng hộ việc xử lý trật tự công cộng và sử dụng vũ lực của cảnh sát đối với người biểu tình Palestine. Ông nói, chính phủ “sẽ không cho phép bất kỳ phần tử cấp tiến nào phá hoại sự yên tĩnh” trong thành phố, mặc dù tình hình hiện đã vượt quá tầm kiểm soát và có nguy cơ leo thang mạnh mẽ hơn nữa khi Israel trải qua một cuộc khủng hoảng thể chế và chính trị có thể phá hoại sự ổn định của khu vực.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Trong khi đó, Jordan, quốc gia bảo vệ nơi thánh của người Hồi giáo ở Giêrusalem, đã lên án việc sử dụng vũ lực của Israel. Bên cạnh đó, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Qatar, cũng như Bahrain và các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất – những quốc gia đã bình thường hoá quan hệ với Israel vào năm ngoái – cũng đã lên án mạnh mẽ Israel. Tunisia đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào chiều ngày 10/5. Bộ tứ các nhà đàm phán về Trung Đông gồm Liên minh châu Âu, Nga, Mỹ và Liên Hiệp quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi Israel “kiềm chế”. (Asia News 10/05/2021)
Hồng Thủy – Vatican news