Vị Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam – Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm (ĐGM) – cũng chính là thành viên Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh Vatican. Khi hướng đến Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2021, Đức cha Phêrô đã dành cho phóng viên (PV) của kênh Truyền Thông Hội đồng Giám mục Việt Nam một cuộc trò chuyện thân tình…
PV: Kính thưa Đức cha, chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2021 là “Đến mà xem”. Thoạt khi đọc chủ đề này, con nghĩ ngay đến những phong tỏa, những giãn cách của thời Covid – khiến cho người ta rất khó ‘đến mà xem’, nhất là ‘đến mà xem’ các sự kiện ở những nơi xa xôi, bên ngoài đất nước của mình chẳng hạn. Thật khó mà đến xem lắm! Và đó cũng là cảm nghĩ đầu tiên của nhiều người khác nữa, khi nhìn thấy chủ đề “Đến mà xem”. Vậy riêng với Đức cha, cảm nghĩ đầu tiên của Đức cha về chủ đề “Đến mà xem” là gì ạ?
ĐGM: Cách đây hơn một năm, Bộ Truyền thông của Tòa Thánh xin các hồng y, giám mục thành viên của Bộ mỗi người đề nghị 2 chủ đề cho Ngày Thế giới truyền thông. Bộ sẽ gửi những đề nghị này lên Đức Thánh Cha và tùy ngài chọn. Như thế ít nhất cũng có tới 20 đề nghị. Cuối cùng Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề “Đến mà xem”, và tôi nghĩ chọn lựa đó phản ánh mối quan tâm của ngài đối với hoạt động truyền thông hiện nay trong Giáo hội và xã hội..
PV: Vâng, thưa Đức cha, có rất nhiều điều cần phải quan tâm khi nhìn vào những hoạt động truyền thông vô cùng phức tạp hiện nay trong Giáo hội và xã hội. Vậy thì mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với hoạt động truyền thông muôn mặt hiện nay trong Giáo hội và xã hội là gì – khi ngài chọn chủ đề “Đến mà xem”?
ĐGM: Để trả lời câu hỏi đó, tôi nghĩ phải đặt câu “Đến mà xem” trong bối cảnh câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan 1,35-42. Được sự giới thiệu của thánh Gioan Tẩy giả, các ông đi theo Chúa Giêsu. Ngài thấy các ông đi theo thì hỏi: các anh tìm gì? Các ông hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu bảo: “Đến mà xem”.
Như vậy, Chúa Giêsu mời họ đến tận nơi mà xem chỗ Ngài ở, xem cách sống của Ngài, xem cách ứng xử của Ngài, rồi các ông mới tự quyết định theo Chúa hay không. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Các môn đệ không chỉ nghe lời Người, họ còn chăm chú nhìn Người nói. Quả thật, nơi Người – Ngôi Lời nhập thể – Lời đã mang lấy một khuôn mặt, Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình và người ta có thể thấy, nghe và chạm vào, như thánh Gioan nói với chúng ta” (x. 1Ga 1,1-3). Đức Thánh Cha gọi đó là phương pháp loan báo Tin Mừng bằng cả con người và cuộc sống thật, chứ không chỉ bằng lời nói suông.
Hiểu như thế, “Đến mà xem” trở thành lời chất vấn chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngày nay, nếu người ta đến mà xem, họ sẽ thấy gì nơi mỗi chúng ta, nơi cộng đoàn Hội Thánh? Họ có thấy nơi chúng ta đời sống người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu không, hay ngược lại? Họ có thấy nơi Hội Thánh hình ảnh cộng đoàn yêu thương như Chúa dạy không, hay ngược lại?
PV: Như vậy, thưa Đức cha, “Đến mà xem” trước hết là một phương pháp loan báo Tin Mừng – loan báo bằng cả con người và cuộc sống thật, chứ không chỉ bằng lời nói suông. Loan báo Tin Mừng bằng lời nói thì đã khó rồi, loan báo bằng cả con người và cuộc sống thật – cộng thêm vào với những lời rao giảng chân thành của mình nữa – thì quả là khó hơn gấp bội. Vậy khi chọn câu “Đến mà xem” làm chủ đề cho Ngày thế giới truyền thông, Đức Thánh Cha đã muốn áp dụng phương pháp loan báo Tin Mừng triệt để này vào các hoạt động truyền thông như thế nào, thưa Đức cha?
ĐGM: Tôi nghĩ có thể tóm tắt bằng một câu: Truyền thông Sự Thật. Việc truyền thông này có thể được nhìn từ hai góc độ: góc độ của người đưa tin và góc độ của người nhận tin. Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, thiết nghĩ mỗi chúng ta vừa là người đưa tin vừa là người nhận tin. Chỉ cần ghi một comment hay nhấn Like thì cách nào đó, bạn cũng là người đưa tin rồi.
PV: Vâng, với các phương tiện truyền thông hiện đại hôm nay, người ta có thể nhận tin, rồi đưa tin, trong cùng một thời điểm. Những người làm truyền thông chúng con vẫn thường làm như thế, nhận tin rồi đưa tin ngay sau đó – có khi chỉ bằng một lời comment, hay nhấn một nút like. Nhưng lời comment hay nút like rất đơn giản ấy của chúng con chưa chắc là đã phản ánh sự thật. Mà nếu không phản ánh được sự thật thì thật là nguy hiểm, có thể gây nhiều tai hại cho người khác, nhất là khi còn đưa tin một cách chi tiết hơn – bằng những bản tin chữ viết, hình ảnh, video hay audio… Vậy, với tư cách là những người làm truyền thông, trong góc độ của những người đưa tin, chúng con phải làm thế nào để lúc nào cũng truyền thông đúng Sự Thật như ý Chúa muốn, thưa Đức cha?
ĐGM: Từ góc độ của người làm truyền thông, “Đến mà xem” là lời mời gọi hoạt động truyền thông phải phản ánh đúng thực tại như nó là.
Đức Giáo hoàng bày tỏ lòng biết ơn những nhà báo, người quay phim, người biên tập đã đến tận nơi để xem và kể lại những gì họ thấy, dù phải đối diện với nguy hiểm và có người phải hi sinh tính mạng. Nhờ họ và nhờ những bản tin như thế, cả thế giới thức tỉnh trước những nỗi đau của hằng triệu người nghèo, trước sự tàn khốc của chiến tranh và dịch bệnh, trước sự tàn phá của nạn buôn người…
Đồng thời, trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, chúng ta phải đối diện với vấn đề nhức nhối là nạn tin giả ở mọi mức độ và trong mọi lãnh vực. Đó là những bản tin được sáng chế trong phòng làm việc chứ không đến tận nơi, gặp gỡ những con người cụ thể để nắm bắt tình hình thực tế. Đó còn là những thông tin bị bóp méo và lèo lái theo chủ đích riêng của cá nhân hay phe nhóm.
Nhận định này không nhằm mục đích lên án internet và mạng xã hội, nhưng để mời gọi mọi người phải trung thực và có tinh thần trách nhiệm trong công tác truyền thông. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với việc truyền thông, với thông tin chúng ta chia sẻ, với sự kiểm soát tin giả (fake news) bằng cách phơi bày sự giả dối của nó. Tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của chân lý: đi, thấy, và chia sẻ”.
PV: Như vậy, thưa Đức cha, để có thể luôn truyền thông đúng sự thật, những người đưa tin – trong khả năng giới hạn của mình – cố gắng hết sức để tìm được nhiều cơ hội hết mức có thể nhằm đến tận nơi mà xem, hầu có thể phản ánh đúng với thực tại, cho dù có phải hi sinh, phải gặp bao nguy hiểm khi muốn đến tận nơi mà xem. ‘Đến tận nơi mà xem’ thể hiện tinh thần trách nhiệm của người làm truyền thông, giúp cho họ tránh được nguy cơ của những người chỉ ngồi trong phòng, rồi thực hiện những bản tin bóp méo sự thật, theo chủ đích của cá nhân hay phe nhóm nào đó. Vâng, đấy là đứng dưới góc độ của người đưa tin. Còn từ góc độ của người nhận tin, khi đọc hay xem những tin tức, người ta phải làm thế nào để phát hiện ra những tin giả, và tìm được sự thật đích thực?
ĐGM: Tôi nghĩ đến đôi điều: (1) Xác minh thông tin: từ nguồn nào? có đáng tin không? có hợp lý không? (2) Đừng vô tình tiếp tay cho việc loan tin giả: nhiều khi vì vô tình, không đọc và suy nghĩ kỹ, chúng ta vội vã chuyển tin cho người khác; (3) Góp phần phổ biến những thông tin (bài vở, hình ảnh, câu chuyện) lành mạnh, bổ ích cho đời sống.
PV: Thưa Đức Cha, sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông luôn khá dài. Vậy nếu phải chọn một câu trong sứ điệp để ghi nhớ – giúp chúng con nhớ hoài mà thể hiện khi nhận tin và đưa tin – thì Đức cha sẽ chọn câu nào ạ?
ĐGM: Tôi sẽ chọn câu này: “Tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của chân lý: đi, thấy, và chia sẻ”.
PV: Kính thưa Đức cha, qua cuộc trò chuyện thân tình này, Đức cha đã cho chúng con thấy nhiều góc nhìn khác nhau về Sứ điệp của Ngày Thế giới Truyền thông năm nay; từ bối cảnh, cho đến mối quan tâm của Đức Thánh Cha khi chọn chủ đề này; rồi ý nghĩa của sứ điệp trong góc nhìn của người đưa tin và người nhận tin; và sau cùng là một câu cần phải nhớ để có thể dễ dàng áp dụng sứ điệp vào trong sinh hoạt truyền thông của Kitô hữu hôm nay. Chúng con chân thành cám ơn Đức Cha. Chúng con sẽ luôn ghi nhớ câu “Tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của chân lý: đi, thấy, và chia sẻ”. Chúng con cầu xin Chúa ban muôn ơn lành cho Đức cha, để Đức cha luôn là chứng nhân tuyệt vời của chân lý – luôn đi, thấy và chia sẻ Tin Mừng cho mọi người…
Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam
Nguồn: WHĐ GMVN