Vào tuần cuối tháng 5 này, nhiều sự kiện sẽ diễn ra tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 150 năm cuộc nổi dậy chống tôn giáo. Các Thánh lễ và các bài giảng thuyết, cũng như một cuộc hành hương, sẽ được cử hành tại nhà thờ “Đức Mẹ của các con tin” ở Rue Haxo, được xây cất vào năm 1938 để tưởng niệm hàng chục giáo sĩ Công giáo, các nạn nhân của một trong những cuộc nổi dậy đẫm máu nhất châu Âu hiện đại.
Cha Jacques Benoist, một nhà thần học và sử học người Pháp, giải thích: “Công xã Paris là một cuộc cách mạng đầy toan tính, và về cơ bản là chống tôn giáo – không chỉ tìm cách tách biệt Giáo hội và nhà nước, mà còn tịch thu tài sản của Giáo hội.” “Nó đã tìm cách xóa bỏ Giáo hội Công giáo khỏi phạm vi công cộng và xem các viên chức của Giáo hội chỉ là những công dân tư nhân, bị ràng buộc bởi lòng trung thành vô điều kiện với quyền lực đang thắng thế. Đây là điều đã gây ra xung đột đó.”
Các thành viên Công xã đã nhắm vào Giáo hội Công giáo của Pháp, bãi bỏ giáo dục tôn giáo và sử dụng các nơi thờ tự làm câu lạc bộ chính trị. Vào đầu tháng 4/1871, khoảng 200 giáo sĩ, bao gồm Đức Tổng Giám mục Georges Darboy của Paris, đã bị bắt giữ cùng với những nhân vật nổi tiếng khác để làm con tin chống lại sự trả đũa của quân đội chính phủ Pháp. Họ đề nghị dùng Đức cha Darboy để trao đổi tự do cho nhà cách mạng Louis Auguste Blanqui, người đã được bầu làm chủ tịch Công xã từ phòng giam của chính phủ.
Tổng thống Pháp lúc bấy giờ, Louis Adolphe Thiers, đã từ chối đề nghị của nhóm nổi dậy. Ngày 24/5, Đức cha Darboy và 5 linh mục đã bị giết tại tường của nhà tù La Roquette; ngày 25/5, một nhóm 30 linh mục dòng Đaminh bị bắn tại Rue d’Italie; và ngày 26/5, 11 linh mục dòng Tên và dòng Thánh Tâm cùng với những tù nhân khác bị dẫn đến Rue Haxo và bị bắn.
Đền thờ Sacré-Cœur – Thánh Tâm – được xây dựng tại Montmartre làm biểu tượng cho trật tự đạo đức được khôi phục. Với việc hàng chục giáo sĩ bị sát hại, Giáo hội Công giáo đã nỗ lực thực hiện các cải cách. Mặc dù vậy, những kẻ kích động cấp tiến vẫn thù địch với Giáo hội; và vào năm 1905, tài sản của Giáo hội đã bị quốc hữu hóa bởi một chính phủ bài giáo sĩ, và Giáo hội và nhà nước được tuyên bố hoàn toàn tách biệt. (Ucanews 20/05/2021)
Hồng Thủy – Vatican News