Đấng nhìn thấu tư tưởng chúng ta không cần chúng ta phải kêu gào, Người mới biết đến. Chúa Ki-tô làm chứng điều này khi Người nói: Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy ? Và chỗ khác có lời : Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ.
Lời cầu nguyện phải xuất phát tự lòng khiêm tốn
Khi cầu nguyện, lời lẽ cầu xin phải bình tĩnh, chừng mực và lễ độ. Nên nhớ là ta đang đứng trước tôn nhan Thiên Chúa, từ cử chỉ thái độ đến lời ăn tiếng nói phải làm sao cho đẹp mắt Người. La lối om sòm sẽ khiếm nhã thế nào, thì ngược lại, khiêm tốn cầu xin sẽ đáng trọng như thế. Sau cùng, khi giảng dạy, Chúa đã truyền cho chúng ta phải cầu nguyện âm thầm, tại những nơi ẩn khuất và xa vắng, cả trong phòng riêng nữa. Làm như thế sẽ phù hợp với đức tin hơn, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi ; Người nghe thấy mọi người, nhìn thấy mọi người ; đầy quyền uy, Người thấu nhập cả những nơi ẩn khuất và kín đáo, như có lời chép rằng : Phải chăng Ta chỉ là Thiên Chúa khi ở gần, chứ không phải là Thiên Chúa khi ở xa ? Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy ? Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn hay sao ? Lại có lời khác rằng : Mắt Đức Chúa ở mọi nơi mọi chốn, hằng dõi theo kẻ dữ người lành.
Khi chúng ta cùng anh em tụ họp lại một nơi, cùng linh mục của Thiên Chúa cử hành thánh lễ, nên nhớ là phải có lòng tôn kính và phải lễ độ, chứ đừng cầu nguyện ào ào như gió, giọng này lộn giọng kia ; cũng đừng ồn ào huyên thuyên, nhưng phải khiêm nhường dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện của mình, vì Thiên Chúa nghe tiếng lòng chứ không nghe giọng nói. Đấng nhìn thấu tư tưởng chúng ta không cần chúng ta phải kêu gào, Người mới biết đến. Chúa Ki-tô làm chứng điều này khi Người nói : Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy ? Và chỗ khác có lời : Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ.
Theo sách các Vua quyển thứ nhất, thì bà Han-na, hình bóng của Hội Thánh, đã giữ đúng như trên đây. Khi cầu nguyện, bà không xin xỏ ồn ào, nhưng lặng lẽ khiêm nhường nơi cõi lòng thầm kín. Bà nói đó, lời xin vẫn âm thầm, mà lòng tin lại tỏ rõ. Bà nói đó, không ra tiếng, nhưng với tấm lòng, vì bà biết Chúa nghe thấy tiếng lòng của bà. Và thật sự bà đã được như lời xin, vì bà xin với lòng tin. Sách Thánh nói rõ điều đó như sau : Bà thầm thĩ trong lòng : chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà, và Chúa đã nhậm lời bà. Trong thánh vịnh, chúng ta cũng đọc thấy câu : Hãy thầm thĩ trong lòng. Trên giường nằm, hãy sám hối ăn năn. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Chúa Thánh Thần cũng dạy bảo ta cùng một ý tưởng đó : Hãy nói trong lòng rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đấng mọi người phải thờ lạy.
Anh em thân mến, kẻ thờ lạy Chúa không thể không biết là trong Đền Thờ, anh thu thuế đã cầu nguyện như thế nào cùng lúc với người Pha-ri-sêu. Anh không dám xấc xược ngước mắt lên trời, cũng không ngạo mạn giơ cao tay, chỉ đấm ngực xưng thú những tội lỗi nằm sâu trong lòng mình mà van xin Thiên Chúa xót thương trợ giúp. Rồi trong khi người Pha-ri-sêu tự hào tự mãn, thì anh thu thuế lại đáng được ơn thánh hoá hơn, vì đã cầu xin như thế, đã không dám tin rằng mình vô tội để hy vọng được cứu thoát, bởi không ai là người vô tội. Anh đã thú nhận tội lỗi và khiêm tốn cầu xin, nên Đấng hằng thứ tha cho kẻ khiêm tốn đã nhậm lời cầu xin của anh.
Lời cầu nguyện công khai và mang tính cộng đoàn
Trước hết, Đức Ki-tô, Thầy dạy hoà bình và Tôn Sư hợp nhất, không muốn cho ai cầu nguyện một mình và riêng tư, như thể người nào cầu nguyện thì chỉ cầu nguyện cho mình mà thôi. Chúng ta đâu có đọc : Lạy Cha của con, Đấng ngự trên trời, cũng không đọc : Xin Cha cho con lương thực hôm nay. Cũng chẳng phải mỗi người chỉ xin tha tội cho một mình mình, hay chỉ xin cho một mình mình khỏi sa chước cám dỗ và được cứu khỏi sự dữ. Lời cầu nguyện của chúng ta là lời cầu nguyện công khai và mang tính cộng đoàn. Rồi khi cầu nguyện, chúng ta không cầu cho một người mà cho toàn dân, bởi toàn dân chúng ta đã nên một.
Đấng vừa là Thiên Chúa của bình an, vừa là Tôn Sư của hoà thuận, vẫn giảng dạy sự hợp nhất. Người muốn mỗi người chúng ta phải cầu nguyện cho mọi người, cũng như một mình Người đã mang lấy mọi người nơi bản thân mình. Luật cầu nguyện đó, ba thanh niên đã tuân giữ khi bị quăng vào lò lửa : cả ba người chung lời chung tiếng trong một kinh nguyện, đồng tâm nhất trí trong một tinh thần. Kinh Thánh khẳng định điều đó : Khi cho biết cách thức các thanh niên cầu nguyện, Kinh Thánh nêu gương cho chúng ta bắt chước mà cầu nguyện theo, để chúng ta cũng được như ba người ấy. Kinh Thánh kể : Bấy giờ, trong lò lửa, cả ba người ấy đều đồng thanh ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa. Cả ba như một, các chàng trai đã đồng thanh cất tiếng, mặc dầu lúc đó, Đức Ki-tô chưa dạy các anh cầu nguyện.
Chính vì thế mà lời cầu nguyện của họ có thế giá và hữu hiệu, bởi lời cầu nguyện nào phát xuất tự tâm hồn bình an và đơn thành thì đẹp lòng Chúa. Sau khi Chúa về trời, chúng ta thấy các Tông Đồ cùng nhóm môn đệ cầu nguyện với nhau như thế. Sách Thánh nói : Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su. Các vị ấy đã đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện. Vừa thiết tha vừa một lòng một ý trong khi cầu nguyện, các vị ấy nói lên cho mọi người biết rằng : Thiên Chúa, Đấng cho những người đồng tâm nhất trí được ở trong một nhà, sẽ chỉ đón nhận vào ngôi nhà vĩnh cửu của Người những ai biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện.
Anh em thân mến, tuyệt vời thay các mầu nhiệm hàm chứa trong lời kinh Chúa dạy ! Phong phú chừng nào, cao cả biết bao những mầu nhiệm ấy ! Lời thì gọn gàng vắn tắt, nhưng hiệu lực thiêng liêng thì mạnh mẽ dồi dào. Không có chi bị bỏ sót, nhưng tất cả được hàm chứa trong những ý nguyện lời kinh tóm gọn hết đạo lý bởi trời. Chúa bảo : Anh em hãy cầu nguyện như thế này : Lạy Cha chúng con.
Được tái sinh và được ân sủng giúp cho trở về với Thiên Chúa của mình, con người mới nói lên lời này đầu tiên : Lạy Cha, vì con người đó bắt đầu làm con rồi. Tin Mừng nói : Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Vậy ai đã tin vào danh Người và đã trở nên con Thiên Chúa, thì ngay từ nay, phải bắt đầu cảm tạ Thiên Chúa và tuyên xưng mình là con Thiên Chúa khi gọi Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, là Cha của mình.
Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển
Chúa Ki-tô khoan dung với chúng ta dường nào ! Lòng nhân hậu và từ ái của Người bao la biết mấy ! Người đã muốn chúng ta dâng lời kinh này trước Tôn Nhan mà gọi Thiên Chúa là Cha, và, như Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, chúng ta cũng được gọi là con Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, không ai trong chúng ta dám động tới danh xưng này, nếu chính Đức Ki-tô không cho phép cầu nguyện như thế. Vậy, anh em thân mến, chúng ta phải ghi lòng tạc dạ điều này : được gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải xử sự như con cái của Người, để, chúng ta vui sướng vì có Thiên Chúa là Cha thế nào, thì Người cũng vui sướng về chúng ta như vậy.
Chúng ta hãy sống như những đền thờ của Thiên Chúa, cho người ta thấy rõ Chúa ngự trong chúng ta. Đừng làm gì bất xứng với Thần Khí. Đã là người của Thần Khí và của thiên giới, thì chúng ta chỉ nên nghĩ và làm những gì thuộc về Thần Khí và về thiên giới, vì chính Đức Chúa là Thiên Chúa đã phán : Những kẻ coi trọng Ta thì Ta coi trọng, còn những kẻ khinh dể Ta thì bị khinh thường. Thánh Phao-lô tông đồ cũng ghi lại trong thư của người rằng : Anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.
Sau đó, chúng ta đọc : Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (nghĩa là được hiển thánh). Đọc như thế không phải là chúng ta ước mong cho Thiên Chúa được hiển thánh nhờ những lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng là chúng ta xin Chúa cho danh Người được hiển thánh nơi chúng ta. Đàng khác, ai làm cho Thiên Chúa hiển thánh được khi chính Người là Đấng thánh hoá ? Nhưng vì chính Người đã phán : Các ngươi phải sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh, nên chúng ta cầu xin khẩn nguyện, để một khi đã được thánh hoá trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta kiên trì trong cuộc sống mới đã khởi đầu. Hằng ngày chúng ta cầu xin như thế. Thật vậy, chúng ta phải lo nên thánh mỗi ngày, để tẩy rửa tội lỗi mình, vì ngày nào chúng ta cũng sai lỗi.
Nhưng ơn thánh hoá Thiên Chúa thương ban cho chúng ta là gì ? Thánh Tông Đồ dạy như sau : Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô, và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta. Người muốn nói là chúng ta đã được thánh hoá nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô và trong Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta. Chúng ta cầu xin cho ơn thánh hoá này tồn tại mãi nơi chúng ta. Đấng là Chúa và là Thẩm Phán chúng ta đã truyền cho kẻ được Người chữa lành và phục hồi sự sống là đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước, nên chúng ta không ngừng cầu nguyện để được ơn ấy. Ngày cũng như đêm, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa bảo vệ, giữ gìn ơn thánh hoá và sự sống mới mà Người đã thương ban.
Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện
Tiếp đến là lời nguyện : Xin làm cho triều đại Cha mau đến. Chúng ta xin cho triều đại của Thiên Chúa mau trở thành hiện thực cho chúng ta, cũng như xin cho danh Người hiển thánh nơi chúng ta. Vì có bao giờ Thiên Chúa lại không hiển trị đâu ? Hay cái vẫn đã có nơi Người và không khi nào chấm dứt lại phải có lúc bắt đầu ư ? Chúng ta xin cho triều đại của chúng ta mau đến, triều đại mà Thiên Chúa đã hứa ban và Đức Ki-tô đã chịu thương khó và đổ máu ra để dành lại cho chúng ta. Như vậy, chúng ta đã sống thân phận tôi đòi nơi trần thế trước, thì về sau, đến thời Đức Ki-tô thống trị, chúng ta cũng sẽ được hiển trị như chính Người đã hứa : Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
Nhưng, anh em thân mến, cũng có thể chính Đức Ki-tô là triều đại của Thiên Chúa. Ngày ngày chúng ta mong cho triều đại ấy mau đến, chúng ta muốn cho triều đại ấy sớm trở thành hiện thực cho chúng ta. Bởi chưng, nếu chính Người là sự sống lại -vì trong Người chúng ta được sống lại-, thì cũng có thể hiểu chính Người là triều đại của Thiên Chúa -, vì trong Người chúng ta sẽ được cai trị. Chúng ta cầu xin cho triều đại của Thiên Chúa mau đến là phải. Đó là triều đại thiên quốc, vì cũng có một triều đại thế gian. Nhưng ai đã từ khước đời này, người đó vượt xa mọi danh giá và quyền cai trị trên đời này.
Rồi chúng ta đọc thêm : Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng ta không xin Thiên Chúa thực hiện điều Người muốn, nhưng xin cho chúng ta có sức thi hành điều Thiên Chúa muốn. Bởi chưng ai dám ngăn cản không cho Thiên Chúa hành động như Người muốn ? Nhưng vì ma quỷ ngăn cản không cho tâm hồn và hành vi của chúng ta tuân phục Thiên Chúa trong mọi sự, nên chúng ta mới cầu xin khẩn nguyện cho ý của Thiên Chúa thể hiện nơi chúng ta. Nhưng muốn cho ý Thiên Chúa được thể hiện nơi chúng ta, thì lại cần có ý của Người, tức là cần có sức mạnh và sự chở che của Người, vì không ai mạnh mẽ tự sức mình, nhưng người ta chỉ được an toàn nhờ lượng khoan dung và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau cùng, chính Chúa cũng đã cho thấy Người phải mang lấy thân phận hèn yếu của con người khi thưa lên : Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng rồi, để nêu gương cho các môn đệ đừng làm theo ý mình, mà theo ý Thiên Chúa, Người nói thêm : Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.
Thánh ý Thiên Chúa chính là những gì Đức Ki-tô đã làm và đã dạy : ăn ở khiêm tốn, giữ vững đức tin, nói năng thận trọng, hành động công chính, làm việc từ thiện, sống có kỷ cương ; không hề làm hại ai, nhưng kiên nhẫn chịu đựng khi người khác làm hại mình ; sống hoà thuận với anh em ; yêu mến Chúa hết lòng : yêu mến Người vì Người là Cha, kính sợ Người vì Người là Thiên Chúa ; không lấy gì làm hơn Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô đã không lấy gì làm hơn chúng ta ; không chi có thể tách chúng ta khỏi lòng mến của Người, can đảm trung kiên đứng kề bên thập giá Người ; khi phải chiến đấu vì danh Người và vì vinh dự của Người, lời lẽ sẽ tỏ ra một mực kiên quyết tuyên nhận Người. Khi bị tra tấn thì tỏ ra đầy lòng tin tưởng mà xông vào cuộc chiến ; và khi chịu chết thì đầy lòng kiên nhẫn để được lãnh triều thiên ân thưởng. Làm như thế là muốn nên đồng thừa tự với Đức Ki-tô. Làm như thế là chu toàn thánh ý Chúa Cha.
Sau khi xin lương thực, chúng ta xin ơn tha tội
Chúng ta tiếp tục cầu nguyện và thưa lên : Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Có thể hiểu câu này vừa theo nghĩa thiêng liêng, vừa theo nghĩa đen, vì do ý định của Thiên Chúa, thì cả hai nghĩa đều hữu ích cho ơn cứu độ của chúng ta. Bởi chưng, bánh ban sự sống chính là Đức Ki-tô, và bánh ấy không phải ai cũng được mà chỉ có chúng ta thôi. Và vì Thiên Chúa là Cha của những ai nhận biết và tin kính Người, nên chúng ta đọc Lạy Cha chúng con thế nào, thì chúng ta cũng nói “lương thực của chúng con” như thế, vì Đức Ki-tô chính là bánh của những ai thuộc về thân thể Người như chúng ta.
Vậy hằng ngày chúng ta xin Chúa Cha ban bánh này cho chúng ta để, đang lúc chúng ta ở trong Đức Ki-tô và hằng ngày lãnh nhận Thánh Thể Người làm của ăn đem lại ơn cứu độ, chúng ta không bị tách ra khỏi thân thể của Đức Ki-tô vì mắc phải một tội nặng nào đó khiến chúng ta bị loại, không được hiệp thông với anh em và không được ăn bánh bởi trời như Người đã giảng dạy : Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.
Chúa nói : Ai ăn bánh Người ban, thì sẽ sống đời đời. Vậy rõ ràng là những ai kết hợp với thân thể Người và rước lễ trong tình hiệp thông ấy thì sẽ được sống. Cho nên, phải sợ hãi mà cầu nguyện, kẻo có ai xa lìa thân thể Đức Ki-tô mà mất ơn cứu độ, bởi chính Người đã răn dạy chúng ta : Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Chính vì thế, hằng ngày, chúng ta xin Chúa Cha ban bánh là Đức Ki-tô cho chúng ta, để chúng ta được ở lại và sống trong Đức Ki-tô, không bao giờ phải lìa xa ơn thánh hoá và thân thể Người.
Sau đó, chúng ta xin Chúa Cha tha tội cho chúng ta. Chúng ta đọc : Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con. Xin ban lương thực rồi, chúng ta cũng xin ơn tha tội nữa.
Nghe lời Chúa khuyên dạy mà nhớ mình là kẻ tội lỗi, điều đó cần thiết biết bao, hợp lẽ khôn ngoan và ích lợi dường nào ! Chúng ta được Chúa thúc giục xin ơn tha thứ để, đang khi xin Chúa Cha tỏ lòng khoan dung, lòng trí chúng ta nhớ lại tình trạng lương tâm của mình. Chúa muốn đừng ai trong chúng ta tự mãn như chẳng có tội lỗi gì, rồi tự cao tự đại mà hư hỏng thêm, nên đã dạy cho chúng ta biết là ngày nào chúng ta cũng phạm tội, và truyền cho chúng ta ngày nào cũng phải xin ơn tha thứ.
Thánh Gio-an cũng khuyên dạy chúng ta trong thư của người : Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta. Trong thư, người đề cập cả hai điều : một là chúng ta phải xin ơn tha tội, hai là chúng ta sẽ được hưởng lòng khoan dung của Chúa Cha khi chúng ta xin. Vì vậy, Người nói : Chúa là Đấng trung thành sẽ giữ lời đã hứa mà tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Người dạy chúng ta xin tha thứ tội nợ, thì cũng chính Người đã hứa rằng : Chúa Cha sẽ xót thương và ban ơn tha thứ.
Chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy ở lại trong bình an của Thiên Chúa
Đức Ki-tô đã minh thị ra thêm một điều luật. Người ra điều kiện rõ ràng và đòi buộc chúng ta : chúng ta chỉ được xin tha nợ theo mức độ chính chúng ta tha cho những người mắc nợ chúng ta. Hãy biết rằng : chúng ta sẽ không thể nào được tha tội như chúng ta xin, nếu chính chúng ta không tha cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chính vì thế mà nơi khác, Chúa nói : Anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Và tên đầy tớ được chủ tha hết nợ, nhưng không chịu tha nợ cho đồng bạn mình, thì đã bị trói lại và tống giam. Vì hắn không muốn khoan dung cho đồng bạn, nên hắn cũng mất đi lòng khoan dung ông chủ đã dành cho hắn.
Điều ấy, Đức Ki-tô chỉ thị một cách mạnh mẽ hơn các lệnh truyền khác. Người nghiêm khắc nói : Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em. Ngày phán xét, bạn sẽ không có cách chi chữa mình được, vì lúc đó bạn sẽ bị xét xử theo chính phán quyết bạn đã ra cho mình ; bạn đã hành động ra sao thì sẽ phải gánh chịu như vậy.
Quả thế, Thiên Chúa đã dạy phải sống hoà thuận và đồng tâm nhất trí với nhau trong nhà Người. Khi tái sinh chúng ta, Người đã làm cho chúng ta nên như thế nào, thì Người muốn là khi được tái sinh rồi, chúng ta cứ tiếp tục sống như thế, để, vì là con Thiên Chúa, chúng ta ở lại trong niềm bình an của Thiên Chúa, và vì cùng chung một thần khí, chúng ta cũng chung một lòng một dạ với nhau. Cũng thế, Thiên Chúa đã không nhận lễ vật của kẻ bất hoà, và truyền cho họ phải rời bàn thờ, quay về làm hoà với anh em trước đã, rồi Người mới có thể vui nhận những lời cầu xin phát xuất từ một tâm hồn hoà thuận. Đối với Thiên Chúa, lễ tế cao cả nhất là niềm bình an, là tình huynh đệ thuận hoà và là một đoàn dân hợp nhất nhờ mối hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
A-ben và Ca-in là những người đầu tiên dâng của lễ, nhưng Thiên Chúa chẳng nhìn đến lễ vật, mà nhìn tận cõi lòng. Người vui với tấm lòng của ai thì cũng vui với lễ vật của người ấy. A-ben hiếu hoà và công chính ; khi dâng lễ tế lên Thiên Chúa với tâm hồn trong sạch, ông đã dạy những ai muốn đến bàn thờ dâng của lễ, cũng phải có lòng kính sợ Thiên Chúa, có trái tim đơn thành, phải giữ luật công chính và sống trong bình an hoà thuận. Khi dâng lễ tế lên Thiên Chúa, A-ben đã là con người như thế. Sau đó, chính ông được trở thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa thì cũng rất phải lẽ. Ông được nhìn nhận là vị tử đạo đầu tiên, là người đã khởi sự cuộc Thương Khó của Chúa khi đổ máu vinh quang của mình, vì ông vừa sống đức công chính của Chúa, vừa giữ được niềm bình an. Những người như ông cuối cùng sẽ được Chúa ân thưởng và được chia sẻ vinh quang với Chúa.
Còn người bất thuận, chia rẽ và không sống hoà bình với anh em, thì theo lời chứng của thánh tông đồ Phao-lô và của Kinh Thánh, dầu có bị giết vì danh Chúa, người đó cũng không thoát khỏi lời cáo buộc về tội bất bình với anh em, như đã chép : Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Kẻ sát nhân thì không được vào Nước Trời và không được ở cùng Thiên Chúa. Ai muốn bắt chước Giu-đa hơn là bắt chước Đức Ki-tô, thì không thể ở với Đức Ki-tô được.
Đừng cầu nguyện bằng lời nói mà thôi, phải cầu nguyện bằng cả việc làm
Anh em thân mến, có gì lạ khi lời cầu nguyện Thiên Chúa dạy chúng ta lại tuyệt vời đến thế. Người lấy quyền giáo huấn mà tóm gọn mọi ý nguyện của chúng ta trong một lời kinh cứu độ. Ngôn sứ I-sai-a đã báo trước điều này khi ông được đầy Thánh Thần để nói về quyền uy và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngôn sứ nói : Đây là lời bao gồm và tóm gọn tất cả ơn cứu độ, vì Thiên Chúa sẽ làm cho lời vắn tắt này vang dội trên toàn trái đất. Quả thật, khi lời Thiên Chúa là chính Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đến với mọi người, quy tụ người thông thái cũng như kẻ ngu si, công bố những lệnh truyền cứu độ cho hết thảy nam phụ lão ấu, thì Người đã làm một bản tổng lược tóm tắt mọi lệnh truyền của Người, để những ai muốn học hỏi giáo huấn Người đem xuống từ trời khỏi phải mệt trí nhớ, nhưng mau thuộc những điều cần thiết cho một đức tin đơn thành.
Khi muốn dạy cho chúng ta biết thế nào là sự sống vĩnh cửu, Người tóm gọn về mầu nhiệm sự sống trong một câu vừa vắn tắt vừa siêu việt như sau : Sự sống đời đời, đó là chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giê-su Ki-tô. Cũng thế, khi muốn lựa ra những huấn lệnh hàng đầu và quan trọng hơn trong Lề Luật và các ngôn sứ, Người nói : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy. Người còn nói : Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.
Thiên Chúa dạy chúng ta đừng cầu nguyện bằng lời nói mà thôi, nhưng cầu nguyện bằng cả việc làm. Chính Người vẫn năng cầu xin khẩn nguyện và lấy gương sáng làm chứng cho chúng ta biết phải làm gì, như có lời chép : Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện, và nơi khác : Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Nhưng Chúa không cầu xin khẩn nguyện cho mình -Đấng vô tội mà cầu xin cho mình sao được ?- Người cầu nguyện cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, như chính Người đã nói rõ với ông Phê-rô : Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin. Rồi về sau, Chúa lại cầu xin Chúa Cha cho tất cả mọi người : Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha. Xin cho họ cũng được nên một trong chúng ta.
Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ thương xót vô biên khi cứu độ chúng ta : đổ máu ra chuộc lấy chúng ta, Người chưa thoả lòng. Người còn cầu xin cho chúng ta nữa. Bạn hãy xem Người muốn gì khi cầu xin. Người muốn rằng Chúa Cha và Chúa Con là một thế nào, chúng ta cũng ở lại trong chính sự hợp nhất ấy như vậy.
Bài Đọc 2 Kinh Sách
Nguồn: CGKPV