22/11/2024

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 của Liên minh chống nạn buôn người do Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) tổ chức, diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Vienne từ 14-16/6, Đức ông Janusz Urbańczyk, Đại diện Thường trực của Tòa thánh tại tổ chức này, khẳng định rằng trong lĩnh vực kinh tế cần phải đấu tranh một cách can đảm, để việc đầu tư tập trung vào con người hơn là lợi nhuận.

Buôn người

Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, Đức ông Urbańczyk đã phân tích nguồn gốc sâu xa của nạn buôn người, xác định hai yếu tố chính dẫn đến tình trạng này: nghèo đói, với hậu quả là thất nghiệp và thiếu cơ hội, và một hệ thống kinh tế chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa lợi nhuận, phục vụ lòng tham của một số ít hơn là sự phát triển nhân phẩm của toàn thể nhân loại. Để minh chứng cho điều này, Đức ông nhắc lại rằng, mặc dù 96% các quốc gia đã thông qua luật chống nạn buôn người, tuy nhiên hiện tượng này vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí còn nhiều hơn trong thời đại dịch.

Từ đây, Đức ông Urbańczyk tố cáo những xuyên tạc của “chủ nghĩa tư bản tân tự do” và việc “bãi bỏ quy định thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận không có giới hạn về đạo đức, xã hội và môi trường”, và trong đó “con người là những con số bị bóc lột”. Vì thế, điều cần thiết là phải có một nền kinh tế thúc đẩy công lý.

Ngày tiếp theo, 15/6, Đại diện Toà Thánh tập trung bài phát biểu vào mối liên hệ giữa nạn buôn người và thế giới lao động. Theo Đức ông, đại dịch đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực việc làm, dẫn đến nạn buôn người gia tăng. Ngoài ra, còn có một thảm trạng khác liên quan đến nạn buôn người, đó là bóc lột tình dục. Theo đó, nguồn gốc của hiện tượng này là do thiếu văn hóa tôn trọng người khác, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Có hai cách để hạn chế sự “vô văn hóa” này: một mặt, thúc đẩy văn hóa tôn trọng và nhân phẩm, cùng với sự nhận thức và đào tạo liên tục; mặt khác, luật pháp phải xử nghiêm nhằm ngăn chặn bóc lột tình dục.

Ngày 16/6, trong phiên kết thúc Hội nghị, Đức ông nhấn mạnh cần phải có lòng dũng cảm và ý muốn thay đổi những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế hiện nay, để có thể đổi mới các quy định và công cụ có tầm nhìn rộng hơn, nghĩa là đầu tư nhiều hơn vào con người, hạn chế tập trung quyền lực và của cải vào tay một số ít, đồng thời tăng cường hợp tác đa phương và song phương nhằm ngăn chặn bạo lực và xung đột. (CSR_4418_2021)

Ngọc Yến – Vatican News