22/11/2024

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đang thăm Berlin từ ngày 28-30/6/2021, nhân dịp kỷ niệm 100 năm (1920-2020) thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Đức.

ĐHY Parolin dâng Thánh lễ tại đền thờ thánh Gioan ở Berlin (AFP or licensors)

Ngày 30/6/1920, Sứ thần Toà Thánh đầu tiên tại Berlin, Đức tổng giám mục Eugenio Pacelli, sau này là Đức Giáo hoàng Pio XI, đã trình uỷ nhiệm thư lên Tổng thống Friedrich Ebert của Đức.

Lễ kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Đức lẽ ra được tổ chức vào năm ngoái, nhưng do đại dịch nên được dời sang năm nay.

Quan hệ chặt chẽ giữa Toà Thánh và Đức

Chiều ngày 28/6 Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh đã gặp những người đứng đầu các tổ chức nhân đạo của Giáo hội.

Sáng 29/6, ngài đã gặp Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Angela Merkel. Cuộc gặp gỡ nhắm nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị giữa Vatican và Cộng hòa Liên bang Đức và mối quan hệ chặt chẽ giữa Tòa thánh và Giáo hội Đức, vốn được đánh giá cao ở cấp độ quốc tế, đặc biệt là đối với hoạt động bác ái.

Giáo hội Công giáo: cộng đồng cứu độ phổ quát

Chiều ngày 29/6 Đức Hồng y đã cử hành lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tại đền thờ thánh Gioan ở Berlin, với sự tham dự của Sứ thần Tòa thánh tại Đức, Đức Tổng Giám mục Nikola Eterović; Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing; Đức Hồng y Reinhard Marx của Munich; và Đức Hồng y Rainer Maria Woelki của Koeln.

Trong bài giảng, Đức Hồng y nhấn mạnh những lời của các giám mục Đức trong thông cáo được đăng trên trang web của Hội đồng giám mục: “Sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, một dấu hiệu của sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở châu Âu, thành phố đã biết hiệp nhất với nhau và tạo ra những động lực quan trọng cho quá trình  và thốnghiệp nhất và thống nhất quốc gia”.

Đức Hồng y đã yêu cầu rằng Giáo hội phải được đánh giá cao theo nghĩa đích thực của cụm từ “Công giáo”, tức là một cộng đồng cứu độ phổ quát. Sau đó, về tính đồng nghị, ngài nói thêm: “Mong muốn của Chúa là chúng ta không chỉ theo Nguời trên con đường của Người, mà chúng ta cùng nhau bước đi, trong một thượng hội đồng, theo nghĩa đen của thuật ngữ… Thánh Phêrô và Phaolô đã chia sẻ điều không thể đoán trước: kinh nghiệm về một Thiên Chúa thay đổi hoàn toàn kế hoạch của họ và mở rộng tầm nhìn của họ theo những cách không thể tưởng tượng được”.

Chiều ngày 30/6 có diễn đàn trực tuyến “Từ Roma đến Berlin” do Viện Thần học Công giáo Trung ương của đại học Humboldt phối hợp với Toà Sứ thần Tòa Thánh tại Berlin tổ chức. Hội nghị chuyên đề sẽ đề cập đến các khía cạnh lịch sử và quan điểm thần học, và sẽ được phát trực tiếp trên youtube. (Sismografo 29/06/2021)

Hồng Thuỷ – Vatican News