“Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? Người ấy câm miệng không nói được gì” (Mt 22,12).
Có lẽ, đọc câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu rằng tại sao một vị vua mời thượng khách dự tiệc cưới nhưng nhiều người lại dám từ chối? Tại sao sau đó, vua cho mời tất cả mọi người thuộc đủ mọi hạng người nơi phố chợ mà lại đòi thực khách phải mang y phục tiệc cưới?…
Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, đây là hai câu chuyện dụ ngôn được tác giả Tin Mừng Mátthêu ráp lại, cho nên câu chuyện sau kết thúc đột ngột và gây khó hiểu. Thế nhưng, chính nhờ vậy mà chúng ta có thể hiểu ý nghĩa khác nhau của hai phần dụ ngôn: “Phần đầu nói về ơn gọi Ít-ra-en và các dân ngoại vào Nước Trời ở trần gian (Hội Thánh); phần hai nói về sự đáp ứng của mỗi người đã được gọi vào Hội Thánh, nhất là vào thời điểm Thiên Chúa đến phán xét” (chú thích của Nhóm CGKPV, Bản dịch Kinh Thánh Trọn Bộ, ấn bản 2011). Như thế, chúng ta được Thiên Chúa kêu mời gia nhập Hội Thánh để đón nhận ơn cứu độ chính là một hồng ân cao cả và vô điều kiện. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, được gia nhập vào Hội Thánh vừa là một hồng ân vừa là một trách nhiệm. Như khi đi dự tiệc cưới phải mặc trang phục lễ cưới, chúng ta được mời gọi sống đức Tin mà mình đã được lãnh nhận ngày chịu phép Thanh Tẩy và làm cho đức Tin ấy ngày càng triển nở trong tâm hồn. Chúng ta “là” Kitô hữu nhưng cần phải “làm” Kitô hữu, tức là làm cho tư cách Kitô hữu ngày càng trở nên tròn đầy hơn, cụ thể hơn bằng chính đời sống chứng tá cụ thể của mình.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy chính Đức Kitô (x. Gl 3,27; Rm 13,14), trở nên đồng hình đồng dạng với Người (x. Rm 8,29), và mang lấy những tâm tình mà chính Người đã mang (x. Pl 2,5). ĐHY Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận từng viết rằng: “Chúa chỉ bắt các Tông Ðồ mang một đồng phục rẻ tiền mà khó kiếm: “Người ta sẽ lấy dấu này mà biết các con là môn đệ Thầy: Các con thương yêu nhau’ (Ga 13,35)” (Đường Hy Vọng, số 748). Quả thật, đồng phục và y phục lễ cưới của Kitô hữu là tâm tình yêu thương “như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta” (x. Ga 13,34).
Mấy ngày hôm nay, phòng cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân diễn biến bệnh trở nặng. Trong số đó có một bệnh nhân vì mệt mỏi, chán nản nên thường đòi tự tử. Thầy dòng Gioan Thiên Chúa trực tại khâu cấp cứu phải thường xuyên bên cạnh để an ủi và động viên ông, giúp ông bình tĩnh và cộng tác với các bác sĩ trong việc điều trị. Ông không có đạo và ông cũng không biết thầy là tu sĩ, nhưng ông thấy ông cần thầy bên cạnh như một người thân yêu. Người tu sĩ ấy trở nên vất vả hơn vì vừa phải chu toàn ca trực giúp các bệnh nhân nặng, vừa phải thường xuyên trò chuyện với những ca bệnh chán nản, bất hợp tác. Nhờ sự hiện diện của các thầy các sơ, nhiều bệnh nhân chán nản đã cảm thấy an tâm hơn, bình tĩnh hơn. Thật lạ lùng, dù khi làm việc các tu sĩ ở đây chỉ mặc bộ đồ bảo hộ kín mít chứ phải chiếc áo dòng thánh thiện, thế nhưng trong ánh nhìn đức Tin, dù họ mặc áo vật chất gì đi chăng nữa thì bằng tình yêu thương trìu mến, các tu sĩ vẫn đang mặc lấy chính Đức Kitô để hiến mình phục vụ cho những người đang bị tổn thương trong thế giới hôm nay.
Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 19 tháng 8 năm 2021
Tu sĩ Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.
Nguồn: tgpsaigon.net