22/11/2024

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 24/11/2021, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khi tìm cách củng cố những mối quan hệ trong cuộc sống và bảo vệ những anh chị em dễ bị tổn thương của mình thông qua các công việc bác ái huynh đệ, hãy tin tưởng vào lời cầu nguyện của thánh Giuse. Ngài là Đấng chuyển cầu, nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc chúng ta gặp khó khăn.

Do số các tín hữu tham dự khá đông, vượt quá sức chứa 5.000 chỗ ngỗi của đại thính đường Phaolô VI, và do thời tiết cuối tháng 11 mưa lạnh, cũng không thể tổ chức buổi tiếp kiến tại quảng trường thánh Phêrô, nên Đức Thánh Cha đã chia các tín hữu thành hai nhóm tại hai nơi khác nhau.

Lúc 8:40 sáng Đức Thánh Cha vào đền thờ thánh Phêrô để chào các tín hữu nói tiếng Ý; trong số này có nhóm 850 tín hữu của nhóm hành hương Gia đình thánh Vinh Sơn ở Ý, 1.300 tín hữu của nhóm hành hương nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thánh Gioan Phaolô II, 500 người thuộc Hiệp hội các nạn nhân của bạo lực của Ý.

Chào nhóm Gia đình thánh Vinh Sơn của Ý

Trước hết, chào nhóm Gia đình thánh Vinh Sơn đến từ khắp nước Ý, những người đã cổ vũ cuộc hành hương Đức Mẹ Mề đay Huyền nhiệm tại tất cả các vùng của Ý, cùng với các giáo phận và giáo xứ, Đức Thánh Cha nói rằng: “Trong những tháng đại dịch này, sứ mạng của anh chị em đã mang lại hy vọng, cho phép nhiều người cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa. Đặc biệt, tôi đang nghĩ đến những người cô đơn, bệnh tật trong bệnh viện, những người sống trong nhà tù, trung tâm tiếp đón và những vùng ngoại vi cuộc sống. Cảm ơn anh chị em, vì anh chị em đã làm chứng cho phong cách của ‘Giáo hội đi ra’ đến với mọi người, bắt đầu từ những người bị loại trừ và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Hãy tiếp tục đi trên con đường này và mở rộng lòng mình hơn nữa trước tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng truyền sức mạnh để mạnh dạn loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng”.

Chào Hiệp hội Gioan Phaolô II

Chào Hiệp hội Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha mời gọi họ noi gương thánh Giáo hoàng và cố gắng hiểu và đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng là khởi nguồn và động lực của niềm vui của chúng ta. Ngài khuyến khích họ “hãy loan báo Chúa Kitô bằng cuộc sống của anh chị em, trong gia đình và trong mọi môi trường.

Chào Hiệp hội các nạn nhân bạo lực của Ý

Và chào Hiệp hội các nạn nhân bạo lực của Ý, Đức Thánh Cha cảm ơn họ đã giúp đỡ và hỗ trợ những người bị ngược đãi và sống trong hoàn cảnh đau khổ và khó khăn. Ngài nói: “Bạo lực là điều tồi tệ; thái độ bạo lực là rất xấu xa. Bằng hoạt động quan trọng của mình, anh chị em góp phần xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn. Chớ gì gương mẫu của anh chị em sẽ truyền cho tất cả mọi người cảm hứng dấn thân mới, để các nạn nhân của bạo lực được bảo vệ và những đau khổ của họ được xem xét và lắng nghe”.

Trước khi từ giã họ, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả cùng ngài đọc kinh Kính Mừng cầu nguyện với Đức Mẹ.

Sau đó, lúc 9:15, Đức Thánh Cha sang đại thính đường Phaolô VI để gặp gỡ khoảng 4.000 tín hữu đang chờ đợi ngài. Tại đây Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý về vai trò của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc rằng thánh Giuse, tuy không phải là cha ruột của Chúa Giêsu nhưng ngài vẫn thực hiện vai trò thực sự của người cha. Đức Thánh Cha giải thích, thánh Mátthêu cho thấy rằng thánh Giuse, mặc dù là một nhân vật có vẻ ở ngoài lề câu chuyện, nhưng trên thực tế ngài là trung tâm của sự khai mở của lịch sử cứu độ và việc thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng được kêu gọi đóng một vai trò nhỏ bé của mình trong việc truyền bá sứ điệp cứu độ của Phúc Âm. Trong khi đó, thánh Luca miêu tả thánh Giuse là người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thánh nhân cũng đảm nhận vai trò này như là Đấng Bảo vệ Giáo hội Hoàn vũ, sự tiếp nối của Thân thể Chúa Kitô trong lịch sử.

Thánh Giuse dù âm thầm nhưng là một phần trung tâm của lịch sử cứu độ

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý với nhận xét: Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu được xác định rõ là “con ông Giuse” (Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42) và “con ông thợ mộc” (Mt 13,55; Mc 6,3). Các thánh sử Mátthêu và Luca, khi thuật lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đã nói về vai trò của thánh Giuse. Cả hai thánh sử sáng tác một “gia phả” để làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu nói đặc biệt với các Kitô hữu gốc Do Thái, ngài bắt đầu từ Ápraham đến Giuse, người được định nghĩa là “chồng của Maria, mẹ của Chúa Giêsu, cũng được gọi là Đấng Kitô” (1,16). Ngược lại, thánh Luca đi ngược lên đến ông Adam, bắt đầu trực tiếp từ Chúa Giêsu, người “là con của ông Giuse”, nhưng xác định rõ: “thiên hạ vẫn coi Người là” con của ông Giuse (2,33). Đức Thánh Cha kết luận: Do đó, cả hai thánh sử đều trình bày thánh Giuse không phải là cha ruột, nhưng trong mọi trường hợp, là cha của Chúa Giêsu cách trọn vẹn. Nhờ Người, Chúa Giêsu hoàn tất lịch sử của giao ước và ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và con người. Đối với thánh Mátthêu, lịch sử này bắt đầu với tổ phụ Ápraham, còn đối với thánh Luca, nó bắt đầu với nguồn gốc ban đầu của loài người, tức là với ông Adam.

Đức Thánh Cha nói tiếp: Thánh sử Mátthêu giúp chúng ta hiểu rằng nhân vật Giuse, mặc dù có vẻ như ở ngoài lề câu chuyện, âm thầm, ở hậu cảnh, nhưng thật ra là một phần trung tâm trong lịch sử cứu độ. Thánh Giuse đóng vai chính của mình nhưng không bao giờ muốn chiếm lĩnh khung hình.

Những người âm thầm đóng vai trò trong cuộc sống của chúng ta

Từ đó Đức Thánh Cha lưu ý: “Chúng ta nghĩ đến, cuộc sống của chúng ta được dệt nên và duy trì bởi những người bình thường – thường bị lãng quên – những người không xuất hiện trên tiêu đề của các tờ báo và tạp chí […]. Biết bao nhiêu người cha, người mẹ, người ông, người bà, người thầy chỉ dạy cho con cái chúng ta, bằng những cử chỉ nhỏ, và những cử chỉ hàng ngày, cách đối mặt và vượt qua cơn khủng hoảng bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước nhìn lên và thúc đẩy cầu nguyện. Biết bao người cầu nguyện, dâng hiến và chuyển cầu vì điều tốt lành cho mọi người” (Tông thư Patris corde, 1).

Thánh Giuse là người chuyển cầu, nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn 

Và Đức Thánh Cha khẳng định: Tất cả mọi người có thể tìm thấy nơi thánh Cả Giuse, người không được chú ý, người của sự hiện diện hàng ngày, của sự hiện diện kín đáo và âm thầm, một người chuyển cầu, một sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người dường như bị che khuất hoặc ở “hàng thứ hai” đều có một vai trò không thể so sánh trong lịch sử cứu độ. Thế giới cần những người này: những người nam và người nữ ở hàng thứ hai, nhưng là những người hỗ trợ sự phát triển cuộc sống của chúng ta, của mỗi người chúng ta bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng sự giảng dạy trên đường đời.

Thánh Giuse là Người Gìn giữ Giáo hội

Nói về Tin Mừng thánh Luca, nơi thánh Giuse xuất hiện như là người gìn giữ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Đức Thánh Cha nhận định rằng ngài cũng là “Người Gìn giữ Giáo hội”. Nếu ngài là người gìn giữ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, giờ đây ở trên trời, ngài làm việc và tiếp tục là người gìn giữ, trong trường hợp này là Giáo hội; bởi vì Giáo hội là sự kéo dài của Nhiệm thể Chúa Kitô trong lịch sử, đồng thời tình mẫu tử của Đức Maria được phản ánh trong tình mẫu tử của Giáo hội.

Đức Thánh Cha nhắc nhở: Thánh Giuse, tiếp tục bảo vệ Giáo hội – xin đừng quên điều này: hôm nay, thánh Giuse bảo vệ Giáo hội – và tiếp tục bảo vệ Giáo hội, ngài tiếp tục bảo vệ Hài Nhi và Mẹ của Người” (sđd, 5). Thiên Chúa dùng sự bảo vệ này của thánh Giuse như câu trả lời tuyệt vời cho tường thuật của sách Sáng Thế. Khi Thiên Chúa hỏi Cain về mạng sống của Abel, ông trả lời: “Con là người canh giữ em con sao?” (4,9). Đức Thánh Cha nói: Bằng cuộc đời của mình, thánh Giuse dường như muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi để cảm thấy mình là người bảo vệ anh em mình, người bảo vệ của những người ở bên cạnh chúng ta, của những người mà Chúa giao phó cho chúng ta qua nhiều hoàn cảnh của cuộc sống.

Tầm quan trọng của các mối quan hệ 

Đức Thánh Cha lưu ý rằng đối với một xã hội như xã hội của chúng ta, một xã hội được định nghĩa là “lỏng lẻo, nhất thời”, một xã hội thực sự ở thể khí, xã hội lỏng lẻo và như chất khí này tìm thấy trong câu chuyện của thánh Giuse một hướng dẫn rất chính xác về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa con người với nhau. Đức Thánh Cha nói: Thực vậy, Tin Mừng cho chúng ta biết về gia phả của Chúa Giêsu, ngoài lý do thần học, để nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng cuộc đời của chúng ta được tạo nên bởi những mối dây đi trước và đồng hành với chúng ta. Con Thiên Chúa, để đến thế gian, đã chọn con đường của những mối tương quan, con đường của lịch sử: Người đã không xuống thế gian một cách ma thuật. Không. Người đã làm nên con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đều làm.

Thánh Giuse: một đồng minh, một người bạn và một chỗ dựa

Cuối cùng, nghĩ đến nhiều người đang phấn đấu để tìm kiếm những tương quan có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, và vì lý do này mà họ đấu tranh, họ cảm thấy đơn độc, họ không có đủ sức mạnh và dũng khí để tiến về phía trước, Đức Thánh Cha đưa ra một lời cầu nguyện giúp họ và tất cả chúng ta tìm thấy nơi thánh Giuse một đồng minh, một người bạn và một chỗ dựa.

Lạy thánh Giuse,

ngài là Đấng đã gìn giữ mối dây liên kết với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu,

xin giúp chúng con chăm sóc các tương quan trong cuộc sống của chúng con.

Chớ gì không ai bị đơn độc và từ đó cảm thấy bị bỏ rơi.

Xin giúp mỗi người chúng con hoà giải với lịch sử của chính mình,

với những người đã đi trước chúng con,

và nhận ra, ngay cả trong những lỗi lầm đã phạm,

cách thức mà qua đó sự Quan phòng của Chúa được thể hiện

và sự ác không phải là tiếng nói cuối cùng.

Xin hãy là bạn của những người gặp khó khăn nhất,

và như ngài đã hỗ trợ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong những thời điểm khó khăn,

xin nâng đỡ chúng con trên hành trình của chúng con. Amen.

Hồng Thủy – Vatican News