22/11/2024

Lúc 9 giờ 30 giờ sáng Chúa nhật 23/01, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Chúa nhật thứ III thường niên, Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ III. Và trong Thánh lễ, lần đầu tiên ngài trao ban tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho giáo dân, trong đó có cả các phụ nữ.

Hiện diện trong đền thờ Thánh Phêrô có hơn 2.000 người, trong đó cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có 12 Hồng y, 10 Giám mục và 120 linh mục.

Trước khi Đức Thánh cha bắt đầu bài giảng, các ứng viên được gọi và giới thiệu lên Giáo hội để lãnh nhận các thừa tác vụ. 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trung tâm cuộc sống phải là Thiên Chúa và Lời Người

Trong bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng, chúng ta thấy có hai cử chỉ giống nhau: tư tế Ezra đưa sách Luật Chúa lên cao, mở ra và công bố trước toàn dân; Trong hội đường Nazareth, Chúa Giêsu mở Sách Thánh và đọc một đoạn của Ngôn sứ Isaia trước mặt mọi người. Cả hai khung cảnh nói với chúng ta về một thực tế nền tảng: trung tâm cuộc sống dân thánh Chúa và hành trình đức tin của chúng ta không phải là chính chúng ta và lời của chúng ta, nhưng là Thiên Chúa với Lời Người.

Tất cả bắt đầu từ Lời Chúa nói với chúng ta. Trong Chúa Kitô, Lời muôn thuở của Thiên Chúa, Chúa Cha đã “chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4). Với Lời của Người, Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ: “Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33, 9). Thuở xưa, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ (Dt 1, 1); cuối cùng, khi thời gian tới hồi viên mãn (Gl 4, 4), Thiên Chúa đã sai chính Con mình tới. Vì điều này, trong Tin Mừng, sau khi đọc xong đoạn sách Isaia, Chúa Giêsu đã loan báo một điều bất ngờ: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Điều đã được ứng nghiệm: Lời Chúa không còn là một lời hứa nữa, nhưng đã được ứng nghiệm. Trong Chúa Giêsu, Lời trở thành xác phàm. Nhờ quyền năng Thánh Thần, Lời đã đến ở giữa chúng ta và muốn ở trong chúng ta, để lấp đầy những mong đợi và chữa lành vết thương của chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chăm chú nhìn Chúa Giêsu, như những người trong hội đường Nazareth (câu 20). Họ chăm chú nhìn Chúa Giêsu, một người trong số họ với những câu hỏi: Đâu là điều mới lạ? Người sẽ làm gì? Và chúng ta hãy đón nhận Lời Người. Hôm nay chúng ta hãy suy gẫm về hai khía cạnh liên kết nhau: Lời mạc khải Thiên Chúa và Lời dẫn chúng ta đến với con người.

Lời mạc khải Thiên Chúa

Đầu tiên, Lời mạc khải Thiên Chúa. Khi bắt đầu sứ vụ, giải thích đoạn sách ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu loan báo một lựa chọn rõ ràng: Người đến để giải thoát người nghèo và người bị áp bức (câu 18). Như thế, qua Sách Thánh, Chúa Giêsu mặc khải Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến sự nghèo khó và số phận của chúng ta. Thiên Chúa không phải là một vị chúa tể ở trên cao và xa cách, nhưng là một người Cha dõi theo từng bước đường chúng ta đi. Thiên Chúa không phải là người đứng ngoài lạnh lùng, tách biệt và không động lòng trắc ẩn, nhưng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, quan tâm và hoà mình vào cuộc sống của chúng ta đến độ chia sẻ những giọt nước mắt của chúng ta. Người không phải là vị thần thờ ơ, nhưng là Thánh Thần tình yêu của nhân loại, bảo vệ, khuyên bảo, nâng đỡ chúng ta và gánh nỗi đau của chúng ta. Đây là “tin mừng” (câu 18) mà Chúa Giêsu loan báo trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người: Thiên Chúa ở gần, và Người muốn chăm sóc cho tôi và cho anh chị em, cho tất cả mọi người. Người muốn giải thoát những gánh nặng đang đè bẹp anh chị em, sưởi ấm cái lạnh giá mùa đông của anh chị em, chiếu sáng những tối tăm hàng ngày và nâng đỡ những bước chân do dự của anh chị em. Người làm điều này bằng Lời của Người, qua đó Người nói với anh chị em để thắp lại hy vọng giữa tro tàn lo sợ, để giúp anh chị em tìm lại niềm vui trong buồn rầu, lấp đầy hy vọng vào cảm giá cô đơn.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta mang hình ảnh giải thoát này của Thiên Chúa trong lòng, hay chúng ta nghĩ về Nguời như một thẩm phán nghiêm khắc, một kế toán viên ghi lại mọi khoảnh khắc cuộc sống chúng ta? Đức tin của chúng ta có phải là Đức tin tạo ra hy vọng và niềm vui hay là nỗi sợ hãi đè nặng lên chúng ta? Trong Giáo hội, chúng ta loan báo khuôn mặt nào của Thiên Chúa? Đấng Cứu Độ giải thoát và chữa lành hay Đấng làm chúng ta sợ hãi, đè nặng chúng ta với cảm giác tội lỗi? Để hoán cải trở về với Thiên Chúa thật, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta nơi để bắt đầu: từ Lời. Bằng việc thuật lại cho chúng ta câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Lời giải thoát chúng ta khỏi những sợ hãi và định kiến ​​về Thiên Chúa, những thứ đã dập tắt niềm vui đức tin. Lời phá đổ những thần tượng giả dối, vạch trần những phỏng đoán của chúng ta, phá hủy những hình ảnh quá con người của chúng ta về Thiên Chúa và đưa chúng ta trở lại khuôn mặt thật của Người, là lòng thương xót. Lời Chúa nuôi dưỡng và canh tân đức tin: chúng ta hãy đặt Lời trở lại trung tâm của cầu nguyện và đời sống thiêng liêng! Ở trung tâm, Lời mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa. Lời đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa.

Lời dẫn chúng ta đến với con người

Và khía cạnh thứ hai: Lời dẫn chúng ta đến với con người. Chính khi chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là tình thương nhân hậu, thì chúng ta vượt qua được cám dỗ khép mình trong một tôn giáo chỉ có thờ phượng bên ngoài, không chạm đến hay biến đổi cuộc sống chúng ta. Đây là sự tôn thờ ngẫu tượng. Lời thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình để lên đường gặp gỡ anh chị em chúng ta với sức mạnh dịu dàng của tình yêu giải thoát của Thiên Chúa. Trong hội đường Nazareth, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy: Người được sai đến gặp những người nghèo – là tất cả chúng ta – và giải thoát họ. Người không đến để đưa ra một danh sách các quy tắc hay để cử hành một nghi lễ tôn giáo nào đó, nhưng đi khắp các đường phố trên thế giới để gặp gỡ nhân loại bị thương, để xoa dịu những khuôn mặt đau khổ, để chữa lành những trái tim tan vỡ, để giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích giam hãm linh hồn. Bằng cách này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa nhất là chăm sóc người lân cận. Và chúng ta phải quay trở lại điều này. Trong thời điểm Giáo hội có những cám dỗ của sự cứng nhắc, đó là sự xuyên tạc, và người ta tin rằng việc tìm kiếm Thiên Chúa ngày càng trở nên nguyên tắc, cứng nhắc hơn. Điều này không đúng. Khi chúng ta thấy như vậy, chúng ta nghĩ ngay đến đây là một ngẫu tượng, không phải Thiên Chúa. Thiên Chúa chúng ta không phải như vậy.

Lời Chúa thay đổi chúng ta. Và Lời làm như vậy bằng cách xuyên thấu tâm hồn như một thanh gươm (Dt 4, 12). Bởi vì, nếu một mặt Lời an ủi, bày tỏ khuôn mặt Thiên Chúa cho chúng ta, thì mặt khác Lời khơi động và lay chuyển chúng ta, đưa chúng ta trở lại với những mâu thuẫn của chúng ta. Lời không để chúng ta tĩnh tại, nếu cái giá của sự tĩnh tại này phải trả bằng một thế giới bị giằng xé bởi sự bất công và người phải trả giá này luôn là những người yếu thế. Lời thách thức lối biện minh của chúng ta, đó là việc chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác về những lỗi lầm của chúng ta. Lời mời chúng ta bước ra để khám phá, không lẩn tránh khỏi sự phức tạp của các vấn đề, ẩn nấp sau cái “không có gì phải làm” hoặc “tôi có thể làm được gì?”. Lời thúc giục chúng ta hành động, hợp nhất sự thờ phượng Thiên Chúa và sự chăm sóc con người. Bởi vì Kinh Thánh không được trao cho chúng ta để giải trí, để nuông chiều chúng ta trong một linh đạo thiên thần, nhưng để đi ra ngoài gặp gỡ người khác và đến gần những vết thương của họ. Ngôi Lời đã trở nên người phàm (Ga 1,14) muốn trở nên xác phàm trong chúng ta. Lời không tách chúng ta ra khỏi cuộc sống, nhưng đặt chúng ta vào cuộc sống, trong những tình huống hàng ngày, lắng nghe đau khổ của anh chị em chúng ta, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, của bạo lực và bất công vốn làm tổn thương xã hội và hành tinh, để chúng ta không phải là những Kitô hữu thờ ơ, nhưng năng động, sáng tạo, ngôn sứ.

Chúa Giêsu nói: “Hôm nay, đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh” (Lc 4,21). Hôm nay, Ngôi Lời muốn mặc lấy xác phàm, trong thời đại chúng ta đang sống, không phải trong một tương lai lý tưởng. Một nhà thần bí người Pháp vào thế kỷ trước, người đã chọn sống Tin Mừng ở vùng ngoại vi, đã viết rằng Lời Chúa không phải là “‘một mẫu tự chết’: Lời là tinh thần và sự sống. […] Việc lắng nghe mà Lời Chúa đòi hỏi chúng ta là ‘ngày hôm nay’ của chúng ta: hoàn cảnh cuộc sống hàng ngày của chúng ta và nhu cầu của người lân cận” (M. DELBRÊL, La gioia di credere, Gribaudi, Milano 1994, 258). Vậy chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có muốn noi gương Chúa Giêsu, trở thành thừa tác viên giải thoát và an ủi người khác không? Chúng ta có phải là một Giáo hội ngoan nguỳ với Lời không? Một Giáo hội biết lắng nghe người khác, dấn thân để giải thoát anh chị em khỏi những gì đang áp bức họ, tháo cởi những nút thắt của sợ hãi, giải thoát những người mong manh nhất khỏi ngục tù của nghèo đói, của mệt mỏi nội tâm và buồn phiền khiến sự sống bị dập tắt không?

Tất cả được mời gọi trở thành người phục vụ Tin Mừng

Trong cử hành này, một số anh chị em của chúng ta sẽ được chọn làm thừa tác viên đọc sách và giáo lý viên. Họ được mời gọi tham gia vào nhiệm vụ quan trọng là phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu, loan báo về Người, để niềm an ủi, niềm vui và sự giải thoát của Người có thể đến với mọi người. Đó cũng là sứ vụ của mỗi người chúng ta: trở thành những sứ giả đáng tin cậy, những ngôn sứ của Lời Chúa trên thế giới. Do đó, chúng ta hãy say mê với Sách Thánh, chúng ta hãy để mình được đào sâu bởi Lời Chúa, Đấng bày tỏ sự mới mẻ của Thiên Chúa và dẫn dắt chúng ta yêu thương người khác không mệt mỏi. Chúng ta hãy đặt lời Chúa trở lại làm trung tâm của đời sống và hoạt động mục vụ của Giáo hội! Chúng ta hãy lắng nghe Lời, cầu nguyện với Lời và áp dụng Lời vào thực tế.

Sau bài giảng, hướng về các thừa tác viên đọc sách và giáo lý viên, Đức Thánh Cha có những lời nhắn nhủ và cầu nguyện trên họ. Sau đó, ngài trao cho 8 thừa tác viên đọc sách, mỗi người một cuốn Kinh Thánh, trong khi 8 giáo lý viên được trao Thánh giá. Đây là bản sao Thánh giá đeo ngực đã được hai thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II sử dụng.

Ngọc Yến – Vatican News