Hôm thứ Tư, bày tỏ sự đau buồn to lớn trước tình hình ngày càng tồi tệ ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới “đánh giá lương tâm một cách nghiêm túc trước mặt Thiên Chúa”.
Phát biểu tại buổi tiếp kiến chung được phát trực tiếp của mình vào ngày 23 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người an chay vì hòa bình vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, cầu nguyện để “Nữ Vương Hòa bình sẽ bảo vệ thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh”.
“Tôi rất đau lòng trước tình hình ngày càng tồi tệ ở Ukraine”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ tại Hội trường Phaolô VI của Vatican.
“Bất chấp những nỗ lực ngoại giao trong vài tuần qua, những viễn cảnh ngày càng đáng báo động đang mở ra. Giống như tôi, nhiều người trên khắp thế giới đang cảm thấy đau khổ và lo lắng. Một lần nữa nền hòa bình của tất cả lại bị đe dọa bởi những lợi ích đảng phái”.
“Tôi muốn tất cả những người có trách nhiệm chính trị đánh giá lương tâm một cách nghiêm túc trước mặt Thiên Chúa, Đấng là Chúa tể của hòa bình chứ không phải của chiến tranh… Ngài muốn chúng ta trở thành huynh đệ với nhau chứ không phải kẻ thù. Tôi cầu nguyện để tất cả các bên liên quan sẽ kiềm chế, không có bất kỳ hành động nào gây đau khổ hơn nữa cho người dân, làm mất ổn định sự chung sống giữa các quốc gia và phá hoại luật pháp quốc tế”.
Những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21 tháng 2 rằng ông sẽ công nhận các khu vực ly khai Lugansk và Donetsk của Ukraine với tư cách là các thực thể độc lập. Các khu vực, do phe ly khai do Nga hậu thuẫn điều hành, bao gồm cả vùng đất hiện do lực lượng vũ trang Ukraine nắm giữ.
Các quốc gia phương Tây đã phản ứng lại thông báo này bằng cách công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng và các chính trị gia Nga.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hủy bỏ một cuộc họp, dự kiến diễn ra vào thứ Năm, với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, đồng thời cho biết rằng nó không có mục đích gì vì Hoa Kỳ tin rằng Nga đang bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine.
Chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2014, tập trung vào phía đông Ukraine. Theo Tổ chức Caritas Quốc tế, liên minh của các tổ chức từ thiện Công giáo có trụ sở tại Vatican, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người và khiến 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Các bên tham chiến đã đồng ý ngừng bắn vào tháng 7 năm 2020. Nhưng gần đây Nga đã gửi ít nhất 150.000 quân tới biên giới Ukraine.
“Và giờ đây, tôi muốn kêu gọi tất cả mọi người, cả những người có đức tin cũng như những người không có đức tin. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng sự xấu xa độc ác của bạo lực được đáp lại bằng các loại vũ khí của Thiên Chúa, bằng những lời cầu nguyện và bằng việc chay tịnh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy biến ngày 2 tháng 3 tới, Thứ Tư Lễ Tro, thành ngày ăn chay vì hòa bình. Tôi khuyến khích các tín hữu, theo cách thức đặc biệt, cống hiến hết mình cho việc cầu nguyện và ăn chay vào ngày đó. Nguyện xin Nữ Vương Hòa Bình bảo vệ thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh”.
Đây là ngày thứ hai ăn chay và cầu nguyện cho Ukraine mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu leo thang vào năm 2022.
Đức Thánh Cha Phanxicô có mối quan hệ lâu đời với Ukraine. Trong chuyến viếng thăm cộng đồng Công giáo Ukraine ở Rôma vào năm 2018, Đức Thánh Cha kể lại rằng một Giám mục người Ukraine ở thủ đô Buenos Aires của Argentina đã dạy ngài khi ngài 12 tuổi để trở thành một cậu bé giúp lễ tại các nghi lễ Đông phương và dạy ngài đọc bảng chữ cái Ukraine.
Với tư cách là Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn thể hiện sự quan tâm của mình đối với người dân Ukraine. Vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã khởi động một dự án từ thiện, có tên là “Đức Giáo hoàng vì Ukraine”, đã giúp đỡ hơn một triệu người.
Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì ngày toàn thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine.
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Ukraine. Vị Giáo hoàng 85 tuổi đã vạch ra kế hoạch viếng thăm đầy tham vọng cho năm 2022 vào mùa thu năm ngoái nhưng không đề cập đến Ukraine như một điểm đến khả thi.
Năm 2001, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại đến thăm Ukraine, quốc gia có biên giới với Moldova, Romania, Hungary, Slovakia, Ba Lan, Belarus và Nga.
Minh Tuệ (theo CNA)
Nguồn: dcctvn.org