22/11/2024

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hình ảnh về trận Đại hồng thủy vào thời ông Nô-ê đang “in sâu vào tiềm thức của chúng ta” khi thế giới cho rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân “sẽ hủy diệt chúng ta”.

“Tâm trí của chúng ta ngày càng tập trung vào đại diện của một thảm họa cuối cùng vốn sẽ hủy diệt chúng ta – điều có thể xảy ra với khả năng một cuộc chiến tranh hạt nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 16 tháng Ba.

“‘Ngày sau’” – nếu vẫn còn ngày đó và còn con người – chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”.

Phát biểu trước những người hành hương ngồi bên trong Hội trường Phaolô VI của Vatican tham dự buổi tiếp kiến chung được phát trực tiếp, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng con người ngày nay “đang bị áp lực, phải đối mặt với những căng thẳng khiến chúng ta bối rối”.

“Một mặt, chúng ta có sự lạc quan về một mùa xuân vĩnh cửu, được khơi dậy bởi sự tiến bộ phi thường của công nghệ, vốn mô tả một tương lai đầy những máy móc hiệu quả hơn và thông minh hơn chúng ta, sẽ chữa khỏi mọi bệnh tật của chúng ta và tạo ra cho chúng ta những giải pháp tốt nhất để không phải chết: thế giới của người máy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Tuy nhiên, mặt khác, có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

“Tôi không muốn tầm thường hóa ý tưởng về sự tiến bộ, một cách tự nhiên. Nhưng có vẻ như biểu tượng của trận Đại hồng thủy đang in sâu vào tiềm thức của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Bên cạnh đó, đại dịch hiện tại đè nặng lên sự thể hiện vô tư lự của chúng ta đối với những thứ quan trọng, cho cuộc sống và số phận của nó”.

Những lời chia sẻ trên của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra vào ngày thứ 21 của cuộc chiến ở Ukraine, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị các lực lượng hạt nhân của Nga phải đặt trong tình trạng báo động cao, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết khi kết thúc buổi tiếp kiến chung rằng ngài mong muốn mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện trong sự đau khổ của chiến tranh, cầu xin Thiên Chúa ban ơn tha thứ và ban hòa bình cho chúng ta.

Đức Thánh Cha sau đó đọc lời cầu nguyện do Đức Tổng Giám mục Domenico Battaglia Địa phận Naples viết.

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi. Lạy Chúa Giêsu, sinh ra dưới bom đạn của Kyiv, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chết trong vòng tay của mẹ mình trong một boongke ở Kharkiv, xin thương xót chúng con”, Đức Thánh Cha cầu nguyện.

Trong các thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến những người hành hương từ các quốc gia khác nhau, ngài cũng kêu gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.

“Tuần này chúng ta sẽ mừng Lễ Thánh Cả Giuse, Quan Thầy của Giáo hội Hoàn vũ. Nguyện xin Thánh Cả Giuse, trong suốt tháng Ba này được dâng kính Người, chuyển cầu cho nền hòa bình mà thế giới đang rất cần”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong lời chào đến những người hành hương đến từ Pháp.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi những người trẻ tuổi cầu nguyện cho những người bạn đồng trang lứa của họ ở Ukraine, những người đang chịu đau khổ. Đức Thánh Cha đã phát biểu trong một cuộc họp ngắn với các sinh viên trường Công giáo từ Milan, miền bắc nước Ý, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ngay trước buổi tiếp kiến chung.

Đức Thánh Cha nói: “Cha mời gọi các con suy nghĩ, hãy nghĩ đến rất nhiều trẻ em, trẻ em trai và trẻ em gái, những người đang sống trong cảnh chiến tranh, những người ngày nay ở Ukraine đang phải chịu đựng đau khổ. Họ giống như các con, chỉ mới sáu, bảy, 14 tuổi. Các con có một tương lai phía trước, một sự an toàn khi lớn lên trong một xã hội hòa bình. Thay vào đó, những bạn nhỏ này, thậm chí là những em bé sơ sinh, phải chạy trốn khỏi cảnh bom đạn. Họ đang phải chịu đựng đau khổ rất nhiều so với thời tiết lạnh giá ở đó”.

“Mỗi người chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ, những cậu bé và cô bé, những người đang phải chịu đựng đau khổ ngày hôm nay, cách đây 3.000 km [1.800 dặm]. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, Cha sẽ dâng lời cầu nguyện, các con hãy sốt sắng hiệp ý cầu nguyện cùng với Cha”.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho “tất cả những đứa trẻ đang sống dưới cảnh bom đạn, những người đang phải chứng kiến cuộc chiến khủng khiếp này, những người không có thức ăn, những người phải chạy trốn, bỏ lại nhà cửa ra đi, bỏ lại tất cả mọi thứ. Lạy Chúa Giêsu, xin nhìn đến những đứa trẻ này, những em bé này, chúng là nạn nhân của sự kiêu ngạo của chúng ta, những người lớn. Lạy Chúa Giêsu, xin chúc lành cho những đứa trẻ này và bảo vệ chúng. Chúng ta cùng nhau cầu xin Đức Trinh Nữ Maira che chở chúng”.

Trong bài diễn văn trong buổi tiếp kiến chung của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị suy ngẫm về Chương 6 của Sách Sáng Thế về trận Đại hồng thủy hủy diệt thế giới vào thời ông Nô-ê.

“Câu chuyện Kinh Thánh – với ngôn ngữ mang tính biểu tượng của thời điểm câu chuyện được viết – cho chúng ta biết một điều gì đó gây ra sự kinh hoàng. Thiên Chúa quá chán ghét sự độc ác lan tràn của con người, vốn đã trở thành một phong cách sống bình thường, đến nỗi Ngài nghĩ rằng mình đã sai lầm khi tạo dựng nên loài người và quyết định hủy diệt chúng. Một giải pháp triệt để”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nó thậm chí có thể có một sự thay đổi nghịch lý của lòng thương xót. Không còn con người, không còn lịch sử, không còn phán xét, không còn kết án. Và nhiều nạn nhân tiền định của tham nhũng, bạo lực, bất công sẽ được dung tha mãi mãi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng vào thời hiện đại, con người cũng có thể “bị choáng ngợp bởi cảm giác của sự bất lực trước sự dữ hoặc bị mất tinh thần bởi ‘các nhà tiên tri về sự diệt vong’”, điều khiến mọi người “nghĩ rằng thà chúng ta không được sinh ra thì hơn”.

“Liệu chúng ta có nên công nhận một số thuyết gần đây, vốn tố cáo loài người là một loài tiến hóa có hại cho sự sống trên hành tinh của chúng ta không? Tất cả đều tiêu cực? Thưa không”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng trong câu chuyện Kinh Thánh về trận Đại hồng thủy, Thiên Chúa đã giao cho một cụ già, ông Nô-ê, nhiệm vụ cứu sự sống trên Trái đất. Ông Nô-ê, Đức Thánh Cha nói, là một ví dụ cụ thể về sự công chính đối với những người lớn tuổi.

“Ông Nô-ê không rao giảng, không phàn nàn, không buộc tội người khác, nhưng chăm lo cho tương lai của thế hệ đang gặp nguy hiểm… Ông Nô-ê xây dựng con tàu của sự đón nhận và để tất cả mọi người và động vật được bước vào”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Qua mọi hình thức chăm sóc sự sống, ông Nô-ê đã tuân giữ lệnh truyền của Đức Chúa, lặp lại cử chỉ dịu dàng và quảng đại đối với các loài tạo vật, trên thực tế, đó là ý nghĩ truyền cảm hứng cho lệnh truyền của Thiên Chúa: một phước lành mới, một tạo vật mới”.

Phần lớn bài chia sẻ trong giờ tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào chủ đề về sự bang hoại.

Trích dẫn Phúc Âm Lu-ca (17: 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúa Giêsu, khi nói về thời cánh chung, đã nói: ‘Như sự kiện đã xảy ra thời Nô-ê hế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người’”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “việc ăn uống, cưới vợ gả chồng là những việc hết sức bình thường và dường như không phải là ví dụ về sự bang hoại”.

“Thật vậy, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thực tế rằng con người, khi họ tự giới hạn bản thân để tận hưởng cuộc sống, thậm chí mất đi nhận thức về sự băng hoại, vốn làm giảm giá trị của phẩm giá con người và làm hủy hoại ý nghĩa … Và họ thậm chí sống tha hóa một cách vô tư, như thể đó là một một phần bình thường của tình trạng hạnh phúc con người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Mọi tài sản trong cuộc sống được tiêu dùng và hưởng thụ mà không quan tâm đến chất lượng tinh thần của cuộc sống, không quan tâm đến môi trường sống của ngôi nhà chung. Không quan tâm đến sự tủi nhục và sự chán nản mà nhiều người phải gánh chịu, cũng không quan tâm đến những sự xấu xa đang đầu độc cộng đồng. Miễn là cuộc sống bình thường có thể được lấp đầy bằng ‘tình trạng hạnh phúc’, chúng ta không muốn nghĩ về những điều làm cho nó trở nên trống rỗng như công lý và tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng khi mọi người chỉ nghĩ về bản thân mình, đó là “cửa ngõ dẫn đến sự băng hoại”. Đức Thánh Cha cho biết rằng “sự vô tư phi tôn giáo” làm suy yếu và “làm thui chột lương tâm của chúng ta”.

Lấy ông Nô-ê làm hình mẫu, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất rằng các thế hệ lớn tuổi có trách nhiệm giúp những người trẻ từ bỏ những hành vi băng hoại.

Đây là bài suy tư thứ ba của Đức Thánh Cha trong loạt bài chia sẻ Giáo lý, bắt đầu vào ngày 23 tháng 2, tập trung vào việc tìm kiếm nguồn cảm hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi cao niên.

“Và chúng ta, phụ nữ và nam giới ở một độ tuổi nhất định – không phải nói là già, vì một số bị xúc phạm – đừng quên rằng chúng ta có khả năng khôn ngoan, để nói với những người khác: ‘Hãy nhìn xem, con đường của sự băng hoại này chẳng dẫn đến đâu cả’. Chúng ta phải giống như rượu ngon mà cuối cùng khi tuổi già có thể đưa ra một thông điệp tốt đẹp chứ không phải một thông điệp tồi tệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Hôm nay tôi đưa ra lời kêu gọi tới tất cả những người ở một độ tuổi nhất định, không kể tuổi già … Anh chị em có trách nhiệm tố cáo sự tha hóa của con người mà chúng ta đang sống và trong đó lối sống hoàn toàn tương đối của chủ nghĩa tương đối này vẫn tiếp diễn, như thể mọi thứ là hợp pháp.… Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho ân sủng của sự khôn ngoan”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Nguồn: dcctvn.org