Là người Công giáo, vào thứ Sáu Tuần thánh, chúng ta được mời gọi ăn chay kiêng thịt. Chúng ta nên đón nhận và trân trọng ngày ăn chay này, thay vì chịu đựng nó một cách miễn cưỡng. Ăn chay là một hành vi nhân đức giúp chúng ta đạt tới sự tốt lành. Để hiểu rõ điều này, chúng ta có thể xét 3 lý do của việc ăn chay.
1. Ăn chay là một hành động được thực hiện vì điều tốt lành.
Khi ăn chay, chúng ta không chỉ tự giảm bớt thức ăn của mình mà chúng ta còn hạn chế ham muốn bồi dưỡng cơ thể để vững mạnh hơn trong sự tiết độ. Truyền thống xa xưa của Giáo hội đã khuyến khích rằng, những ai phải vật lộn với tính xác thịt tội lỗi thì càng phải ăn chay hãm mình để củng cố các đức tính cần thiết và làm chủ thân xác một cách thích hợp.
Như Thánh Phaolô VI giải thích, việc ăn chay hãm mình “nhằm mục đích ‘giải thoát’ con người, vốn vì ham muốn, nên bị xiềng xích bởi các giác quan của chính mình. Thông qua ‘việc nhịn ăn thể xác’ chúng ta lấy lại sức mạnh và ‘vết thương gây ra cho phẩm giá của bản tính con người do sự quá độ được chữa lành bằng liều thuốc ăn chay’” (Paenitemini, 2). Khi chúng ta ăn chay và làm chủ được mình qua sự tiết độ, thì những dục vọng của chúng ta được chữa lành và ổn định lại; chính sự ăn chay này dẫn chúng ta đến sự tự chủ, tự nguyện và vui vẻ chứ không miễn cưỡng và ủ rũ.
2. Ăn chay giúp chúng ta hướng đến việc cầu nguyện và chiêm niệm.
Cả trong Kinh thánh lẫn lịch sử Giáo hội, có rất nhiều ví dụ điển hình về các thánh nhân, là những người đã kết hợp việc ăn chay với cầu nguyện. Chẳng hạn, Môsê đã nhịn ăn 40 ngày trên núi Sinai trước khi nhận Thập điều (x. Đnl 9, 9). Theo Thánh Gioan Kim khẩu, “Ăn chay là sự nuôi dưỡng linh hồn… giống như việc nuôi dưỡng thể lý giúp cơ thể lớn mạnh, việc ăn chay tiếp thêm sinh lực cho linh hồn, mang lại cho linh hồn đôi cánh hầu nâng tâm hồn lên cao, để có thể chiêm nghiệm những điều cao cả, vượt lên trên những thú vui và hấp dẫn của cuộc sống thế trần” (x. Bài giảng về sách Sáng thế, 1:9). Trong thứ Sáu Tuần thánh, khi chúng ta ăn chay, Thiên Chúa nâng chúng ta lên trong mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô.
3. Ăn chay là phương thế giúp chúng ta đền tội.
Mặc dù hành động của chúng ta không thể đền tội một cách hoàn hảo, nhưng việc ăn chay giúp chúng ta không tìm thỏa mãn mình một cách trọn vẹn. Vì việc chuộc tội trọn hảo của Đức Kitô trên thập giá, “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Vì việc ăn chay của chúng ta được thúc đẩy bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, nên chúng ta có thể hợp nhất các hành động của mình với Thập giá của Đức Kitô, và theo một cách nào đó, có khả năng đền tội và tôn vinh Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi ăn chay, chúng ta không chỉ đền tội của riêng mình nhưng còn có thể đền tội của người khác nữa. Thật vậy, sau khi dân Israel phạm trọng tội là thờ ngẫu tượng, Môsê trở lại Núi Sinai và ăn chay 40 ngày để chuộc tội cho dân (Đnl 9, 18). Vì tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em mình, chúng ta có thể giảm bớt việc ăn uống qua việc chay tịnh để cầu thay cho những người thân yêu và những người đang cần giúp đỡ.
* * *
Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi ăn chay, như là cách thế để cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh của Chúa Giêsu và bước vào những thời khắc thánh liêng này. Hơn nữa, việc ăn chay còn giúp chúng ta vững bước trên đường nhân đức, cầu nguyện nhiệt thành hơn, và kết hợp với Người, Đấng hiến thân để đền tội cho chúng ta.
Thức ăn thì tốt. Chúa Giêsu thì tốt hơn gấp bội. Việc ăn chay của chúng ta thể hiện rõ nét và cụ thể sự thật này.
Tác giả: Pachomius Walker, OP
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: dominicanajournal.org (12. 4. 2022)