Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng hôm nay làm cho chúng ta sống lại cuộc gặp gỡ của các phụ nữ với Chúa Giêsu Phục Sinh vào buổi sáng Phục Sinh. Như thế cũng nhắc chúng ta rằng chính họ, các nữ môn đệ, là những người đầu tiên nhìn thấy và gặp Người.
Chúng ta có thể hỏi: tại sao lại là họ? Vì một lý do rất đơn giản: vì họ là những người đầu tiên đến mộ. Giống như tất cả các môn đệ, họ cũng đau khổ vì câu chuyện của Chúa Giêsu dường như đã kết thúc; nhưng, không giống như những người khác, họ không ở nhà tê liệt vì buồn bã và sợ hãi: vào sáng sớm, lúc mặt trời mới ló rạng, họ mang theo dầu thơm để tôn kính xác Chúa Giêsu. Ngôi mộ đã được niêm phong và họ tự hỏi ai có thể dời tảng đá rất nặng đi (xem Mc 16:1-3). Tuy nhiên, ước muốn của họ muốn thực hiện cử chỉ yêu thương đó sẽ chiến thắng mọi thứ. Họ không nản lòng, họ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi và nỗi thống khổ của họ. Đây là con đường đi tìm Đấng Phục Sinh: ra khỏi nỗi sợ của chúng ta, ra khỏi nỗi phiền muộn của chúng ta.
Chúng ta cùng dừng lại ở cảnh được mô tả trong Tin Mừng: các phụ nữ đến, nhìn thấy ngôi mộ trống và “vừa sợ vừa vui mừng”, bản văn nói như vậy – họ chạy đi “báo tin cho các môn đệ Người” (Mt 28:8). Giờ đây, ngay khi họ đi loan báo điều này, Chúa Giêsu đến gặp họ. Chúng ta hãy lưu ý rõ điều này: Chúa Giêsu gặp họ khi họ đi loan báo về Người. Điều này thật đẹp: khi chúng ta loan báo về Chúa thì Chúa đến gặp chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cách để ở gần Chúa là giữ Người ở gần chúng ta; bởi vì, khi chúng ta nói và loan báo về Người, thì những lời phán xét và chỉ trích sẽ ập đến, và có thể chúng ta không biết cách trả lời một số câu hỏi hoặc sự khiêu khích nào đó, và vì vậy tốt hơn là không nói luôn và đóng mình lại. Không, đây không phải là điều tốt. Ngược lại, Chúa đến gặp chúng ta trong khi chúng ta loan báo về Người. Đây là điều mà các phụ nữ dạy chúng ta: Chúa Giêsu gặp chúng ta khi chúng ta làm chứng cho Người.
Hãy lấy một ví dụ. Đôi khi chúng ta nhận được những tin tuyệt vời, chẳng hạn như sự ra đời của một em bé. Vì vậy, một trong những điều đầu tiên chúng ta làm là chia sẻ tin vui này với bạn bè. Và, bằng cách kể lại nó, chúng ta cũng lặp lại với chính mình và cách nào đó cũng làm cho nó sống lại trong chúng ta. Nếu điều này xảy ra đối với tin vui, thì nó còn đúng hơn nữa đối với Chúa Giêsu, không chỉ vì một tin vui, thậm chí cũng không chỉ là tin tốt nhất về sự sống, mà còn là chính sự sống, “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25). Mỗi khi chúng ta loan báo điều đó, không phải bằng tuyên truyền hay lôi kéo theo đạo – loan báo là chuyện khác mà tuyên truyền lôi kéo là chuyện khác – mỗi khi Kitô hữu loan báo với sự tôn trọng và yêu thương, như món quà đẹp nhất để chia sẻ, thì Chúa Giêsu càng ở trong chúng ta hơn.
Chúng ta tiếp tục nhìn những người phụ nữ trong Tin Mừng: có tảng đá niêm phong nhưng họ vẫn đi đến mộ; có cả thành phố đã nhìn thấy Chúa Giêsu trên thập giá, dầu vậy họ vẫn vào thành để tuyên bố Người vẫn sống. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, không trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta loan báo về Người. Ngược lại, nếu chúng ta giữ niềm vui của Người cho riêng mình, có lẽ vì chúng ta chưa thực sự gặp Người.
Anh chị em thân mến, trước kinh nghiệm của phụ nữ, chúng ta tự hỏi: lần cuối cùng tôi làm chứng cho Chúa Giêsu là khi nào? Tôi phải làm gì hôm nay để những người tôi gặp nhận được niềm vui từ lời loan báo về Người? Và một lần nữa: ai đó, khi nghĩ đến tôi, có thể nói: người này có bình an không, có hạnh phúc không, có tốt không vì đã gặp Chúa Giêsu không? Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta trở nên những sứ giả hỉ hoan của Tin Mừng.
—-
Sau kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha cảm ơn những lời chúc mừng Phục Sinh, đặc biệt là những lời cầu nguyện dành cho ngài! Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, xin Thiên Chúa trả công cho từng người.
Đức Thánh Cha cũng lặp lại lời chúc mừng Phục Sinh. Ngài chúc tất cả mọi người sống niềm vui của đức tin trong những ngày Bát Nhật Phục Sinh này, và kiên trì cầu nguyện xin ơn hoà bình cho tất cả thế giới, đặc biệt cho dân tộc tử đạo Ucraina.
Nguồn: Vatican News