21/11/2024

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về vai trò quan trọng của việc phát thanh truyền hình công cộng trong việc truyền tải thông tin, phục vụ công ích và như một công cụ để chống lại sự lan truyền của “tin giả”.

“Công việc của các bạn trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, trên tinh thần cởi mở phổ quát, với hành động có khả năng mở rộng khắp lãnh thổ mà không trở thành chủ nghĩa địa phương, tôn trọng và phát huy phẩm giá của mỗi người”, Đức Thánh Cha nói trong bài phát biểu sáng hôm thứ Bảy với các nhà quản lý, các nhà báo và nhân viên của RAI, công ty phát thanh truyền hình đại chúng quốc gia của Ý.

Vị Giáo hoàng 87 tuổi dường như có tinh thần phấn chấn khi đọc bài diễn văn dài gần 10 phút. Vào tháng trước, Đức Thánh Cha đã phải nhờ đến các trợ lý thay mặt ngài đọc các bài chia sẻ và phát biểu trong các buổi tiếp kiến chung thứ Tư khi ngài đang trong quá trình hồi phục sau các triệu chứng cúm kéo dài.

“Ngày xưa, các Giáo hoàng sử dụng ngai vàng nghi lễ (Cadira gestatòria)” ám chỉ đến chiếc ngai nghi lễ mà trên đó các Giáo hoàng sẽ được khiêng trên vai. “Ngày nay mọi thứ đã tiến triển và tôi sử dụng chiếc xe này, vốn rất thiết thực”, Đức Thánh Cha châm biếm, chỉ vào chiếc xe lăn mà ngài đã đã sử dụng từ năm 2022 để di chuyển.

Trong bài phát biểu này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sứ mạng phục vụ công ích của các phương tiện truyền thông được nhấn mạnh bằng việc “tìm kiếm và quảng bá sự thật”.

Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra sự cấp thiết của việc chống lại sự lan truyền của thông tin sai lệch lan truyền, hay còn gọi là “tin giả”, và “những kế hoạch quỷ quyệt của những kẻ tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận theo cách thức mang tính ý thức hệ, nói dối và làm tan rã cơ cấu xã hội”.

“Nó đồng nghĩa với việc phục vụ quyền của công dân được điều chỉnh thông tin, được truyền đi mà không thành kiến, không vội kết luận mà dành thời gian cần thiết để hiểu và suy tư, chống lại sự ô nhiễm nhận thức, bởi vì thông tin cũng phải có tính ‘sinh thái’, tức là, mang tính nhân văn”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhiệm vụ này cũng đòi hỏi các dịch vụ truyền thông công cộng phải để cho nhiều tiếng nói được lắng nghe, thúc đẩy đối thoại và trở thành “một công cụ để phát triển kiến thức, khiến mọi người phải suy tư và không gây xa lánh”.

“Toàn bộ hệ thống truyền thông”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “ở cấp độ toàn cầu cần phải được khơi dậy và khuyến khích để thoát ra khỏi chính nó và tự vấn, để nhìn xa hơn, vươn xa hơn”.

Đức Thánh Cha cũng đưa ra lời kêu gọi chung tới tất cả các đài truyền hình công cộng, kêu gọi họ đừng chạy theo xếp hạng mà hãy tạo ra nội dung chất lượng cao để “có thể giúp mỗi người được nâng cao tinh thần, suy ngẫm, cảm động, mỉm cười và thậm chí rơi lệ vì xúc động, để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, một viễn tượng về những điều tốt đẹp, một ý nghĩa vốn không phải là sự nhượng bộ trước những điều tồi tệ nhất”.

Minh Tuệ (theo CNA)