Sáng thứ Bảy ngày 27/04/2024, tại Học viện thánh Anphongsô – Dòng Chúa Cứu Thế – đã diễn ra buổi hội thảo Triết học với chủ đề: “Kiến tạo con người chân thực trong xã hội ngày nay”. Đây là buổi hội thảo chuyên đề định kỳ kết thúc năm học 2023-2024. Thuyết trình viên là cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R., Ph.D., hiện đang giảng dạy tại Học viện thánh Anphongsô.
Đến dự buổi hội thảo có khoảng hơn 350 tham dự viên, gồm: các giáo sư đang giảng dạy tại Học viện, các tu sĩ sinh viên đang học tại Học viện, các em Dự tập, Dự tu Dòng Chúa Cứu Thế và đông đảo sinh viên đến từ các Học viện, các Hội Dòng/Tu hội khác nhau.
Buổi hội thảo bắt đầu bằng lời hát cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Kế đến, cha Antôn Nguyễn Văn Dũng C.Ss.R, Giám học Học viện thánh Anphongsô, gửi lời chào quý khách và giới thiệu thành phần tham dự. Sau đó, cha Antôn phát biểu khai mạc buổi hội thảo.
Tiếp đến, cha Gioan chia sẻ với mọi người về đề tài: “Kiến tạo con người chân thực trong xã hội ngày nay”. Trong phần trình bày của mình, cha Gioan nhấn mạnh rằng chỉ có con người mới có khả năng kiến tạo chính mình, chứ các sinh vật khác không có khả năng như thế. Các thiên thần thì đã hoàn mỹ trong hiện hữu của các ngài mà không cần kiến tạo chính mình nữa.
Tuy nhiên, cha Gioan cũng lưu ý rằng giá trị và ý nghĩa hiện hữu của con người ngày nay đang là vấn đề nan giải. Người ta dễ đồng nhất mình với những hào nhoáng bề ngoài mà đánh mất phẩm giá thánh thiêng của mình. Hơn nữa, tính hiện đại nhấn mạnh giá trị khoa học kỹ thuật và hiệu năng công việc tuy có mặt tích cực, nhưng nó cũng dễ đưa người ta đến tình trạng chương trình hoá cuộc sống của mình và người ta dễ trở nên lạnh lùng, vô cảm với nhau.
Sau khi khái lược những nguy cơ làm cho con người ngày nay đánh mất giá trị hiện hữu của mình, cha Gioan nói đến hai yếu tố nền tảng cho việc kiến tạo con người chân thực đó là mục đích sống và ý nghĩa hiện hữu. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa khi người ta không có mục đích sống. Nhưng khi có mục đích sống, người ta cũng phải tìm ra ý nghĩa hiện hữu của mình; ý nghĩa hiện hữu giúp định hướng cho phù hợp mục đích sống: ý nghĩa hiện hữu cho mình và ý nghĩa hiện hữu cho người khác.
Cũng trong bài thuyết trình của mình, cha Gioan nêu lên ba phương cách để kiến tạo con người chân thực, đó là nội tâm hoá hiện hữu, nghĩa là phải biết chính mình; thứ đến là sự tin tưởng để xây dựng cuộc sống liên chủ thể, và cuối cùng là khả năng dấn thân và trách nhiệm, tức là cởi mở, quảng đại và vượt qua chủ nghĩa vị kỷ.
Kết thúc bài thuyết trình của mình, cha Gioan gợi nhắc đến điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường hay nói đến: “con người sống siêu nhiên giữa đời tự nhiên”. Cha Gioan đã mượn lời Đức Giáo Hoàng để nhấn mạnh rằng kiến tạo con người chân thực là biết chấp nhận “dâng hiến chính mình để làm cho mình thành bánh bẻ ra cho những người đói khát, để chia sẻ cuộc hành trình với những người mệt mỏi.”
Sau phần thuyết trình, mọi người có 20 phút nghỉ ngơi, gặp gỡ và trao đổi riêng với nhau tại khuôn viên Học viện. Sau đó, chương trình ngày hội thảo tiếp tục với buổi hội đàm. Điều phối viên ở phần này là cha Giám học Antôn Nguyễn Văn Dũng. Mọi người tham dự buổi hội đàm rất sôi nổi và vui tươi với những thắc mắc dành cho vị thuyết trình về đề tài vừa được trình bày. Đáp lại những câu hỏi của mọi người, cha Gioan đã cho những câu trả lời xác đáng và gợi lên những hướng đi thiết thực cho những thắc mắc. Cùng với cha Gioan, buổi hội đàm còn có sự tham gia của cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích – Giám đốc Học viện, Cha Giuse Phạm Đình Trí – giáo sư Kinh Thánh. Từ những góc nhìn khách quan khác nhau của quý cha giáo mà mọi người có được những câu trả lời với cái nhìn rộng hơn. Cuộc hội đàm diễn ra trong tinh thần học hỏi, chia sẻ với tình huynh đệ.
Buổi hội thảo kết thúc với lời tri ân của Cha Giám đốc Học viện Giuse Nguyễn Ngọc Bích đối với thuyết trình viên. Đồng thời, cha Giám đốc cũng đại diện Ban Giám đốc Học viện bày tỏ tâm tình cảm ơn với các tham dự viên đã đến dự rất đông và nhiệt tình.
Ban truyền thông Học viện thánh Anphongsô