Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha đã mạnh mẽ trình bày lập trường của mình sau khi Quốc hội phê duyệt luật cho phép thực hành euthanasia – an tử. Các ngài nói rằng quyền bất khả xâm phạm của sự sống con người được Hiến pháp quy định đã bị xâm phạm.
Biểu tình tại Lisbon, Bồ Đào Nha, chống luật an tử
Với 136 phiếu thuận, 78 phiếu chống và 4 phiếu trắng, chiều ngày 29/1, Quốc hội Bồ Đào Nha đã phể chuẩn dự luật không xem việc hỗ trợ chết là phạm tội, dù là an tử hay trợ tử.
Cùng với các giám mục, nhiều tổ chức và người dân Bồ Đào Nha cũng đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội đưa ra một lựa chọn vì sự sống, đặc biệt là trong thời điểm đau thương của đất nước do đại dịch. Tổng thống Bồ Đào Nha sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Mẫu thuẫn với những cố gắng cứu sự sống giữa đại dịch
Các giám mục Bồ Đào Nha đau buồn và phẫn nộ, lên án việc phê chuẩn dự luật giữa đại dịch Covid-19, khi mà “tất cả chúng ta muốn dấn thân cứu càng nhiều sinh mạng càng tốt, chấp nhận những hạn chế của tự do và những hy sinh kinh tế chưa từng có”. “Việc hợp pháp hóa cái chết trong bối cảnh này là một điều mâu thuẫn, bác bỏ những bài học mà đại dịch này đã dạy cho chúng ta về giá trị cao quý của sự sống con người, mà cộng đồng nói chung và các nhân viên y tế nói riêng, đang cố gắng cứu một cách phi thường.”
Kêu gọi bảo vệ sự sống, đặc biệt khi nó mong manh hơn
Các giám mục nhắc lại rằng dự luật được thông qua “vi phạm nguyên tắc bất khả xâm phạm về sự sống con người được ghi trong luật cơ bản của chúng ta. Các ngài lưu ý rằng mặc dù được thông qua, luật vẫn có thể được xem xét lại theo hiến pháp.”
Hội đồng giám mục Bồ Đào Nha nhận định rằng không thể chấp nhận thực tế rằng an tử “là một câu trả lời cho bệnh tật và đau khổ”, bởi vì chấp nhận điều này có nghĩa là “từ bỏ làm giảm bớt đau khổ và truyền đi ý tưởng sai lầm rằng sự sống bị đau khổ và đau đớn thì không còn đáng được bảo vệ, và trở thành một gánh nặng cho bản thân, cho những người xung quanh, cho các dịch vụ y tế và cho toàn xã hội.”
Do đó, các giám mục kêu gọi bảo vệ sự sống “đặc biệt khi nó mong manh hơn, bằng mọi cách và được chăm sóc giảm đau, điều mà phần lớn dân Bồ Đào Nha chưa có.” (CSR_753_2020)
Hồng Thủy – Vatican News