Vào ngày 22/4 tới, các Giáo hội Kitô sẽ kỷ niệm 20 năm Hiến chương Đại kết được ký kết. Nhân dịp này Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE) và Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu (Cec) đã đưa ra một tuyên bố chung, cam kết cùng nhau làm việc vì một thế giới công bằng và hòa bình.

 

 

 

Ngày 22/4/2001, “Hiến chương Đại kết”, hay “Các hướng dẫn cho sự phát triển hợp tác giữa các Giáo hội ở châu Âu”, được ký kết tại Strasbourg, một văn kiện nền tảng nhằm duy trì và phát triển tình huynh đệ giữa các Giáo hội châu Âu. Hai mươi năm sau sự kiện đó, Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu và mục sư Christian Krieger, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu đã đưa ra một tuyên bố chung, tạ ơn Thiên Chúa vì “nền hòa bình mà chúng ta đã trải qua và vì những thành tựu của phong trào đại kết toàn cầu”, bao gồm các cuộc hôn nhân liên tôn, các thỏa thuận thần học đã đạt được, cũng như nhiều sáng kiến liên tôn đã được thực hiện. Đặc biệt, các Giáo hội đã tăng cường làm việc hướng tới một thế giới công bằng và hòa bình.

Trong tuyên bố, Liên Hội đồng Giám mục châu Âu và Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu nhấn mạnh rằng, ngày nay, các Giáo hội và xã hội tiếp tục bị thử thách bởi các hình thức chia rẽ cũ và mới, cần được chữa lành. Ngoài ra, các cuộc xung đột vũ trang và tấn công khủng bố tái xuất hiện ở một số khu vực của các châu lục đòi hỏi sự ăn năn, tha thứ và công lý. Tất cả những điều này, cùng với đại dịch, thách đố các Giáo hội “tái xác định thừa tác vụ trong tinh thần hiệp nhất, tái khẳng định việc dấn thân làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta”.

Để kỷ niệm 20 năm “Hiến chương Đại kết”, vào ngày 22/4, lúc 19:30, một buổi cử hành đại kết sẽ được tổ chức, với tựa đề “Anh em hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12)

“Hiến chương Đại kết” có 12 chủ đích. Mỗi chủ đích tương ứng với các dấn thân của Giáo hội, bao gồm: bảo vệ quyền của nhóm người thiểu số; bảo vệ các giá trị cơ bản chống lại các hình thức tấn công; chống lại các nỗ lực lợi dụng tôn giáo và Giáo hội cho mục đích dân tộc, tìm kiếm một giải phát bất bạo động cho các cuộc xung đột; cải thiện và củng cố tình trạng và quyền bình đẳng của phụ nữ; phát triển một lối sống có trách nhiệm và bền vững; nhìn nhận quyền tự do tôn giáo và lương tâm của các cá nhân và cộng đoàn; cởi mở để đối thoại với tất cả những ai thiện chí, làm chứng cho đức tin Kitô. (CSR_2608_2021)

Ngọc Yến – Vatican News