23/11/2024

Hàng năm, một tuần trước ngày lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại, từ ngày 18-25/01, Giáo hội Công giáo cùng với nhiều Giáo hội Kitô khác cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Trong tinh thần này, chúng ta cùng nhìn lại những gì đã thực hiện trong năm qua, 2020 về sự hiệp nhất, và sau đó hướng đến những viễn cảnh cho con đường đại kết của các Giáo hội Kitô trong năm 2021.

 

Cầu nguyện đại kết 

 

Kỷ niệm 25 năm công bố Thông điệp “Ut unum sint- Xin cho họ nên một”

“Tôi cũng chia sẽ sự thiếu kiên nhẫn lành mạnh của những người đôi khi nghĩ rằng chúng ta sẽ có thể và sẽ phải dấn thân nhiều hơn nữa”. Đức Thánh Cha đã nói với Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô như trên vào ngày 24/5/2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm công bố Thông điệp “Ut unum sint Xin cho họ nên một” của Thánh Gioan Phaolô II, nhằm tái khẳng định ưu tiên của Giáo hội Công giáo trong việc dấn thân để xây dựng sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa các Kitô hữu. Đức Thánh Cha đã nhắc lại các bước đã được thực hiện, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây, để “chữa lành các vết thương ngàn năm”.

Tạp chí “Acta œcumenica”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến đóng góp của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô trong nỗ lực hiệp nhất này. Hội đồng Tòa Thánh vừa mừng 60 năm thành lập 1960-2020. Cơ quan này của Tòa Thánh được Thánh Gioan XXIII thành lập là một trong các cơ quan nhằm chuẩn bị cho Công đồng Vatican II, lúc đầu có tên gọi là Ban Thư ký thúc đẩy sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Nhớ đến ngày kỷ niệm này là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của hành trình đại kết 2020. Đây cũng là cơ hội để công bố tạp chí Acta œcumenica, một sự trợ giúp cho những ai làm việc phục vụ sự hiệp nhất, luôn theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng trên hết tài liệu Vademecum ecumenico dành cho các Giám mục. Được ra mắt vào ngày 04/12/2020, tài liệu tạo thành “một lời mời gọi tiếp tục khám phá đối thoại như một phương thức của loan báo Tin Mừng”, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc khẳng định đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo đối thoại cho tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, dưới ánh sáng của những gì các Kitô hữu đã đồng ý và thực hiện trong những năm vừa qua, trên hết cho sự chữa lành các vết thương, điều vẫn còn ngăn cản sự hiệp thông trọn vẹn.

Các sáng kiến trong đại dịch

Con đường đại kết đã phải đối diện với đại dịch, làm đảo lộn cuộc sống của nhân loại từ những tuần đầu tiên của năm 2020. Trước những đau khổ do đại dịch, các Kitô hữu đã đưa ra nhiều sáng kiến ở các mức độ khác nhau để cung cấp sự trợ giúp và đón tiếp, với một sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với những người rốt cùng, để mọi người đều được chăm sóc. Ví dụ như Hội đồng các Giáo hội Kitô của Brazil đã sẵn sàng tố cáo rằng đại dịch làm cho cuộc sống của những nguời sống bên lề xã hội càng thêm khốn khổ, do họ bị xã hội và người thân bỏ rơi, không được tiếp cận với các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Các Kitô hữu thường cùng nhau lên tiếng chống lại các hình thức bạo lực mới, do hậu quả của đại dịch, làm cho hoàn cảnh của nhiều người vốn đã bấp bênh càng trở nên trầm trọng hơn. Các Kitô hữu yêu cầu mọi người, đặc biệt các tổ chức một cam kết can thiệp chống lại hiện tượng này.

Từ quan điểm ý nghĩa này, ở những nơi khác trên thế giới cũng đã có những sáng kiến được đưa ra: Hội đồng các Giáo hội Kitô Hoa Kỳ với sáng kiến hỗ trợ chiến dịch trợ giúp các tù nhân; Hội nghị Kitô châu Á đã tổ chức các buổi gặp gỡ trực tuyến, với sự tham gia của các chuyên gia và nhân chứng của châu lục để chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ người nghèo trong giai đoạn khó khăn của đại dịch, đồng thời đưa ra các sáng kiến để chống lại những hình thức bạo lực mới này.

Đại dịch cũng đã đưa ra ánh sáng các hình thức phân biệt chủng tộc phổ biến trong xã hội đương đại. Đây là điều trong những năm gần đây, các cơ quan đại kết đã tố cáo, yêu cầu một cam kết nhiều hơn chống lại nỗi thương tâm này. Phân biệt chủng tộc làm gia tăng bạo lực, như ở Hoa Kỳ. Trong khi lên án các hình thức bạo lực, đồng thời các Kitô hữu cũng tìm trong Kinh Thánh các những hình thức chia sẻ mới, giữa các Giáo hội và các cơ quan đại kết, nhằm đưa ra lời kêu gọi xóa bỏ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc.

Trước sự lây lan của đại dịch, hơn bao giờ hết, nhu cầu nuôi dưỡng hy vọng ngày càng được củng cố, vì vậy chiều kích đại kết được tăng cường hơn. Từ đây, mọi người bắt đầu hình dung một tương lai khác với hiện tại, trong đó các giá trị tôn giáo được đặt ở trung tâm. Quan điểm này được cung cấp từ một loạt các sáng kiến rất cụ thể, chẳng hạn như các Giáo hội ở Anh và Ireland đã có sáng kiến trong Mùa Chay là tổ chức các buổi gặp gỡ trực tuyến, trong đó kêu gọi mọi người cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về các động lực kinh tế dưới ánh sáng của những suy tư đại kết về chăm sóc thụ tạo.

Các Ki tô hữu được mời gọi trở thành nhân chứng

Đại dịch không làm cho các Kitô hữu quên rằng họ được kêu gọi trở thành nhân chứng của ánh sáng cho các dân tộc trên thế giới nhằm xây dựng hòa bình, dựa trên công lý. Trong những năm gần đây, trong lúc thực hiện cuộc đối thoại với các tôn giáo khác về các vấn đề như cuộc chiến chống mọi hình thức của bạo lực, các Kitô hữu vẫn không lẫn lộn điều này với lời kêu gọi xây dựng sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội với việc tìm kiếm một sự cộng tác liên tôn. Điều này đã được khẳng định trong năm 2020, từ một văn kiện do Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới (WCC) khuyến khích và được nhiều tổ chức Kitô tán thành.

Các dự tính cho tương lai

Do đại dịch, các cuộc họp và sáng kiến đã bị hoãn và bị hủy, như trong trường hợp của đại hội lần thứ 11 của Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới, dự kiến diễn ra tại Karlsruhe, Đức vào tháng 9/2021, nhưng hiện tại đã được dời lại từ 31/8 đến 8/11/2022. Do đó, các hội nghị khu vực để chuẩn bị cũng đã bị hoãn lại, như trường hợp của châu Âu. Trong nhiều năm, hội nghị châu Âu là một trong những bước quan trọng nhất, vì cuộc họp này không phải là dịp để đưa ra bản tổng kết về những gì đã được thực hiện, nhưng là một đối chiếu ban đầu để xác định các vấn đề mà Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới được kêu gọi để quyết nghị.

Trong số các sự kiện bị hoãn lại, cần nhớ đến hội nghị do Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới dự định tổ chức vào tháng 6 tới, về việc giảng dạy đại kết. Với cuộc gặp gỡ này, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới, cùng với nhiều tổ chức đại kết khác ở cấp độ lục địa và quốc gia, dự định đề cập một chủ đề mà các Kitô hữu đã tự vấn trong những năm gần đây, trong sự ý thức rằng việc chia sẻ các bước thực hiện để vượt qua sự chia rẽ tạo thành thách đố của những thách đố đối với các Giáo hội. Và đối với nhiều người, vấn đề đón nhận các bước của con đường đại kết, không chỉ liên quan đến thần học, mà đôi khi có vẻ mệt mỏi và rời rạc, ngăn cản sự hiểu biết những gì các Kitô hữu đã và đang thực hiện theo chiếu hướng của chứng tá chung của Lời Chúa.

Suy nghĩ về việc đào tạo cũng có nghĩa là bắt đầu lại một sự dấn thân, chuyển sang các tổ chức đại kết, để người trẻ tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống của các Giáo hội. Vì vậy, vào năm 2021, chủ đề này sẽ là nội dung của các cuộc hội thảo và các cuộc gặp gỡ. Trong các buổi thảo luận này, bên cạnh khía cạnh thuần túy nhận thức, chiều kích thiêng liêng của việc chia sẻ các truyền thống Kitô sẽ được bàn thảo.

Vì vậy, Hội nghị mang tên “Teaching ecumenism” này được sắp xếp trong một viễn tượng của các sáng kiến về tiếp nhận và đào tạo, sẽ là một trong những sự kiện được quan tâm nhất trong năm 2021, một năm mà trong đó, luôn trong tình trạng không chắc chắn liên quan đến sự lây lan của đại dịch. Điều này gợi nhớ ở châu Âu, năm nay kỷ niệm 20 năm ngày ký kết Charta œcumenica 2001-2021. Một văn kiện tạo thành một nguồn quý giá cho hành trình đại kết hiện nay, với lời mời gọi các Kitô hữu tham gia làm chứng đức tin trong đời sống hàng ngày, bắt nguồn từ việc lắng nghe Kinh Thánh. Chính việc thảo luận thần học về tài liệu này đã không bị hủy trong năm 2020, do thực hiện trực tuyến, đã mở ra những không gian bất ngờ và không thể tưởng tượng-tiếp tục là một trong những khía cạnh trung tâm của con đường đại kết, như xuất hiện trong chương trình của các cuộc họp dự kiến trong năm 2021. Trong năm này các Giáo hội Kitô cũng sẽ bắt đầu nghĩ về việc kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicea vào năm 2025, để được sống cùng nhau để ngày nay trở thành những chứng nhân cho thế giới về Tình Yêu Ba Ngôi.

Ngọc Yến – Vatican News