Hơn 1300 người lao động thời vụ đã bị mất việc, và từ khi bắt đầu đại dịch họ không có một khoản thu nhập kinh tế nào. Vì thế, số tiền dành dụm được nhờ tiết kiệm giờ đây cũng không còn nữa.

 

Đức Hồng y Fernando Filoni trong chuyến thăm Taiwan Macao Hong Kong 

 

Ông Paul Pu,Tổng Thư ký Caritas Macao đã cho biết như trên và nói thêm: “Những người này sống được là nhờ sự phân phối thực phẩm của chúng tôi, và trong một số trường hợp nghiêm trọng chúng tôi phải hỗ trợ tài chính. Phần lớn họ là những người Philippines và Indonesia, không có khả năng trở về nhà do những hạn chế của đại dịch. Chúng tôi không đủ nguồn lực để giúp đỡ họ, nhưng nếu chúng tôi không dấn thân thì chẳng có ai làm”.

Mỗi ngày, Caritas Macao giúp cho hơn 3000 người. Những ảnh hưởng của Covid-19 đã thấy rõ, đặc biệt nơi những người nghèo, người dễ bị tổn thương, ngay cả khi sự lây lan của virus đã được ngăn chặn.

Vào 05/02, chính quyền Macao đã ra lệnh đóng cửa tất cả các hoạt động, từ sòng bạc đến các công viên công cộng trong hai tuần; đồng thời, ngưng 90% các chuyến bay quốc tế. Với những biện pháp này, những người nước ngoài lao động thời vụ bị mất việc làm và cũng không thể trở về quê hương. Họ phải vất vả tiết kiệm trong những chi tiêu tối thiểu nhưng cũng không thể tự mình giải quyết được mọi sự. Nhờ có Caritas trợ giúp họ mới có thể trụ nỗi qua thời điểm đại dịch. Trong hơn 50 ngày, không nghi nhận thêm trường hợp nhiễm virus nào, hiện nay chính phủ đã cho phép khởi động lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chỉ là một Giáo hội nhỏ gần Trung Quốc, nhưng Giáo hội Macao có những hoạt động rất sống động và là điểm xuất phát cho công cuộc truyền giáo ở khu vực. Một trong những sự kiện nổi bật gần đây là vào 7/2019, Bộ Truyền giáo đã chính thức thành lập tại Macao học viện “Redemptoris Mater- Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, và ủy thác việc điều hành cho “Con đường Tân Dự Tòng”, với mục đích loan báo Tin Mừng tại Á châu. Đức Hồng y Fernando Filoni, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc cho biết: lý do thành lập học viện là để đáp ứng lời mời gọi Thánh Gioan Phaolô II đã đưa ra vào đầu ngàn năm mới khi nói rằng châu Á là cánh đồng truyền giáo mênh mông. Đây là một đại lục rất phức tạp, chiếc nôi của các tôn giáo lớn và các nền văn hóa sâu đậm. Vì thế công việc rao truyền Tin Mừng tại Á châu cũng cần có các sắc thái riêng, như việc hiểu biết sâu xa các bối cảnh xã hội và ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy cần có thêm nhiều trung tâm đào tạo truyền giáo tại các đại lục khác nhau. Đó là lý do thành lập học viện Mẹ Chúa Cứu Thế tại Macao để đào tạo các linh mục cho vùng Á châu.

Cũng trong tinh thần loan báo Tin Mừng, vào tháng 11/2019, các vị truyền giáo Dòng Thừa sai thánh Claret ở Macao đã in 200 triệu bản Kinh thánh bằng tiếng Trung. Đây là một dự án và cũng là giấc mơ được ấp ủ từ lâu của các vị thừa sai thánh Claret. Phù hợp với mục tiêu này, các bản Kinh thánh do nhà xuất bản thánh Claret thực hiện được bán với giá khá thấp. Nhà xuất bản này không phải là một doanh nghiệp với mục đích lợi nhuận, mà là một hoạt động mục vụ và truyền giáo trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông, và do đó, mục tiêu chỉ là sự bền vững kinh tế của tổ chức. (Tổng hợp)

Ngọc Yến – Vatican News