Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc mời gọi các tín hữu, trong Năm Thánh mừng 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Kim Taegon, hãy là ánh sáng và muối cho thế gian, tái khẳng định bản sắc là người Công giáo, bảo vệ sự sống, môi trường và đẩy nhanh tiến trình thống nhất và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên trang web của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, Đức cha Mathias Lee Yong-hoon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Giám mục Suwon, mô tả năm vừa kết thúc bằng cách đề cập đến những thảm trạng nhân loại đã trải qua do sự lan rộng của Covid. Sau đó, Đức cha mời các tín hữu phân định: “Chúng ta hãy xác định điều gì là quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Đây là điều mà Đức Thánh Cha đã yêu cầu chúng ta và đó cũng là lời mời tôi gửi đến cộng đoàn. Chúng ta phải dừng lại và suy ngẫm về những gì đã xảy ra và thực hiện một dấn thân cơ bản: trao ban tình thương và giúp đỡ những người đau khổ. Chúng ta phải áp dụng nguyên tắc vàng trong Tin Mừng thánh Mathêu (Mt 7,12): Điều anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng làm cho người ta”.
Liên quan đến việc Giáo hội cử hành 200 năm ngày sinh của Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục Công giáo bản xứ đầu tiên của Hàn Quốc, tử đạo vào thế kỷ 19, Đức cha Chủ tịch mời gọi: “Trong Năm Thánh này, chúng ta phải trở thành ánh sáng và muối cho thế giới, tái khẳng định bản sắc của chúng ta là người Công giáo. Đối với dấn thân của Giáo hội, chúng ta sẽ được kêu gọi nhiều hơn nữa để bảo vệ sự sống, môi trường và tất nhiên, đẩy nhanh tiến trình thống nhất và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên”.
Giám mục Suwon cũng bày tỏ niềm vui về sự gia tăng đáng kể số tín hữu trong giáo phận: “Số liệu thống kê mới nhất cho biết là 950.000 người. Chúng tôi sẽ sớm vượt quá một triệu. Canh tân và tham gia vào các hoạt động mục vụ sẽ là nền tảng cho sự phát triển hơn nữa của cộng đoàn chúng ta”.
Cuối cùng, Đức cha Lee Yong-hoon phản ánh về các xung đột xã hội và việc thực thi quyền lãnh đạo đất nước: “Các xung đột chỉ được giải quyết bằng đối thoại hòa bình, tôn trọng các vai trò và ý tưởng. Các nhà lãnh đạo phải có khả năng tìm ra các điểm gặp gỡ, bởi vì chỉ có văn hóa lắng nghe và tôn trọng nhau mới có thể đảm bảo cho chúng ta một tương lai”. Và ngài nói thêm: “Một nhà lãnh đạo thực sự là người biết cách lắng nghe và không bị ngộp thở bởi những ý tưởng cá nhân. Người ta chỉ có thể thực thi quyền bính và thay đổi thế giới tốt hơn, khi sẵn sàng phục vụ người lân cận”. (CSR_51_2021)
Ngọc Yến – Vatican News