24/11/2024

WHĐ, 27-05-2020 – Con Người một hữu thể mầu nhiệm có tiềm năng tư duy vượt trội, có thể vươn tới thực tại Siêu hình và trên hành trình tiến triển, lý trí hầu như không có điểm dừng; song đồng thời Con Người cũng nhận ra chân tính của một thân phận yếu đuối, dễ nghiêng chiều theo sự xấu, nổi bật xu thế kiêu căng – chuyên chế độc quyền, bởi đó luôn cần được giáo dục hoàn thiện, giúp trí lực phát triển thuận với nhân phẩm thăng tiến. Song thực tế, ‘cái đầu’ (lý trí) không phải lúc nào cũng phục vụ tốt cho đời sống Con Người, nếu không muốn nói, nhiều lúc càng làm đời sống nguy hiểm hơn.

 

 

Lý giải cho Con Người vừa nhân linh vừa phàm tục ấy, Mạc khải Kinh Thánh cho biết: Con Người được dựng nên từ bụi đất giống Hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đã bị Nguyên tội làm tổn thương, mà hệ quả là làm tổn hại nặng nề các tương quan với Thiên Chúa, tha nhân, vũ trụ và mâu thuẫn ngay trong chính hữu thể mình (St 1-3). Con Người đã được ơn Cứu chuộc trong Đức Kitô, song vẫn có thể lạm dụng tự do làm điều sai trái, trí năng vẫn có thể quay lại hủy diệt Con Người. Kitô giáo nhìn Con Người trong nhất thể, do đó không ngừng giáo dục và kêu gọi giáo dục con người phát triển toàn diện. Giáo dục toàn diện không chỉ nhắm tương quan nhân vị và trên hết hướng đến tương quan Thiên Vị, nghĩa là tương quan Cứu cánh của đời người.

Để làm nổi bật nhãn quan thần học trên, trước hết bài viết khởi đi từ cái nhìn nhân bản – xã hội.

  1. Trên bình diện Nhân bản – xã hội:
  2. Thế nào là con người có Học và con người có Giáo dục?

Người có học là người qua học tập thủ đắc một số kiến thức nào đó, căn bản hoặc chuyên sâu, thường trở thành một nhà khoa học, học giả hay chuyên gia. Hiện có các ngành khoa học cơ bản: kiến thức về khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn xã hội. Hiểu theo nghĩa trên thì ‘người có học’ đã thủ đắc một trình độ kiến thức bậc cao; thông thường hiểu là người có học thức, có kiến thức, có học vị. Người có học thiên về cái đầu, nặng về trí thức. Theo lẽ tự nhiên, ai cũng có thể trở thành người có học vì ai cũng có trí năng.

Giáo dục cũng nhằm đến việc cung cấp kiến thức dù không chuyên sâu nhưng giúp cuộc sống có tương quan tốt hơn, ‘nên người’ hơn. Giáo dục nhắm đến đào tạo nhân bản, con người toàn diện. Người có giáo dục là người ‘biết sống’, biết ứng nhân xử thế. Nhà nho gọi người có Giáo dục là quân tử hay thành nhân, bình dân gọi là người có Đức. Như vậy, người có giáo dục là có ‘cái tâm’. Mọi người phải có bổn phận nên người có giáo dục.

  1. So sánh giá trị: Tri thức và Đức hạnh đều quan trọng, đều cần cho sự phát triển xã hội con người. Tuy nhiên, nếu phải cân đo, thì người có giáo dục cần thiết hơn người có học. Đức cần hơn tài. Nguyễn Du đã từng khẳng định: “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Đối với Gandhi, điều đáng sợ nhất là người trí thức độc ác. Thực tế cho thấy, người có Tài mà thiếu Đức nguy hiểm hơn người có Đức mà thiếu tài. Lý tưởng là biết hài hòa giữa Đức – Tài, trong đó Đức làm nền tảng, Tài là động lực phát triển cho xã hội thăng tiến. Việc hài hòa Đức – Tài là có thể, bởi tự chúng có tương quan biện chứng, hỗ trợ nhau chặt chẽ.
  2. Tương quan biện chứng giữa ‘có học’ và ‘có giáo dục’:

Con Người, một nhất thể nên tự chất ‘cái đầu’ và ‘cái tâm’ có tương quan biện chứng, bổ trợ nhau. Trí thức khai mở, phát triển giúp ta suy tư về hiện hữu, khám phá vũ trụ nhờ đó biết ‘căn tính’ mình hơn. Càng biết mình thì đồng thời càng biết sống tương quan. Trong đời sống xã hội, tương quan quan trọng và thiết thực là tương quan tha nhân; Trái lại, người có giáo dục thực sự không thể không quan tâm đến việc trau dồi kiến thức. Kiến thức giúp ‘người có giáo dục’ phong phú hơn. Lương tâm – trách nhiệm của một thành nhân không thể chấp nhận cho sự ươn lười, thiếu cố gắng trong học tập khi mà có thể. Như vậy, tương quan biện chứng tự chất giữa ‘có học’ – ‘có giáo dục’ không chấp nhận lập trường duy tâm hay duy lý, hoặc phiến diện.

Đối với hiền triết Socrate (khoản 470-399 tr.cn), không có sự phân biệt, Tri thức và Đức hạnh là một. Theo ông, biết thiện tức làm thiện, tri thức là đức hạnh. Khi đồng hóa tri thức- đức hạnh, nhà hiền triết của chúng ta muốn nói, sở dĩ có cái ác, làm điều xấu là do thiếu vắng tri thức, không ai làm điều xấu một cách có ý thức[1].

Quan niệm ‘đồng nhất’ trên có tính lý tưởng, thực tế thì không hẳn vậy. Người có học nhưng không đồng thời là người có đức. Hitler, Stalin… là những người có tài nhưng đồng thời lại là những điển hình nhất cho tội ác dã man ở thế kỷ XX, từng bị cả Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết liệt vào tội ác chống nhân loại[2]. Thời cổ đại, thủ đô Athene được coi là thủ đô triết học, văn minh, trí thức nhất thế giới, thế mà triết gia Diogenes (sống thế kỷ IV tr.cn) lại thắp đuốc giữa ban ngày để đi tìm người, bởi trong thành phố phồn vinh này ông chỉ toàn thấy ngợm… Nói đâu xa, hiện nay nhân loại đang sống trong ‘nền văn minh sự chết’ (Đức Thánh cha Gioan Phaolô II), đầy thấp thỏm lo sợ: chiến tranh, khủng bố.

Tại sao tri thức – đức hạnh trong nhất thể vốn có tương quan biện chứng mật thiết lại có sự mâu thuẫn? Để trả lời cho câu hỏi này ta cần phải biết Con Người là gì?

Đã có nhiều quan niệm về Con Người tuỳ góc nhìn, hướng nghiên cứu, ý thức hệ, nhưng kết quả vẫn chưa có một ‘định nghĩa’ đầy đủ[3]. Điều này cho thấy, hữu thể Con Người là một thực tại mầu nhiệm, vừa rất cụ thể (vật lý tính), vừa có khả năng vượt trên chính mình (siêu việt tính); vừa thao thức cuộc sống (hiện sinh tính), vừa khắc khoải tương lai, khao khát bất tử. Nếu tri thức hay giáo dục chỉ dừng trên bình diện nhân bản – xã hội tại thế, loại đi sự sống sau khi chết thì sẽ không bao giờ có một nền giáo dục – tri thức đích thực, trái lại còn hết sức nguy hiểm, mà hệ quả chỉ là những luẩn quẩn bế tắc, mâu thuẫn nhau, sống bằng luật rừng (mạnh được yếu thua) để sinh tồn.

Bởi thể, để hiểu Con Người đúng nghĩa nhất, để thấy được giá trị phẩm giá nhân vị có lý trí – ý chí, có tự do, có lương tâm, để nền văn minh Con Người không sa lầy vào sự chết, thì không thể thiếu chiều kích thần học, tức đặt Con Người trong tương quan với Thiên Chúa, hiểu Con Người dưới ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa.

  1. Trên bình diện thần học:
  2. Con Người là gì? Nhờ mạc khải ta biết được căn tính đích thực: Con Người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất theo hình ảnh của Ngài (Imago Dei), được trao quyền làm chủ vũ trụ trong tương quan nhân vị (St 1-2). Trong tiến trình tìm đạt hạnh phúc đích thực, phẩm giá cao quý của con Người hệ tại nơi ‘hình ảnh Thiên Chúa’. Con Người giống Hình ảnh Thiên Chúa: điều đó lý giải tại sao Con Người có Lý trí – Ý chí, có Tự do, có khả năng biết Yêu thương, khao khát Chân – Thiện – Mỹ… có thể đạt đến tầm vóc vô biên.

Trong các yếu tính thần linh ấy, tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa nơi Con Người (x.MV 17). Cũng nhờ mạc khải ta biết Con Người đã sa ngã khi lạm dụng tự do, muốn tự quyết đời mình ngoài Thiên Chúa. Nguyên tội (Tội lỗi) dẫu không phá huỷ Hình ảnh Thiên Chúa nơi Con Người song đã làm tổn thương nặng nề các Tương quan vốn tốt đẹp: với Chúa – tha nhân – vũ trụ- chính mình. Nó làm Con Người trở nên mong manh, yếu đuối, luôn phải đấu tranh với chính mình. Kitô giáo dưới ánh sáng mạc khải luôn nhìn Con Người trong một nhất thể là Hồn – Xác, đồng thời bác bỏ mọi quan niệm chia rẽ hay xem trọng, khinh thái quá giữa hồn – xác. Con Người thăng tiến là một Con Người quân bình – nhân vị thống nhất, phát triển hài hòa.

  1. Phẩm giá của Trí tuệ và vai trò của Giáo dục

Trí tuệ có một phẩm giá cao quý vì được dự phần Ánh sáng Trí tuệ của Thiên Chúa. Nhớ có lý trí, thụ tạo Con Người vượt trội vũ trụ vật chất, biết suy tư phản tỉnh, giúp khả năng làm chủ, khám phá quản lý chúng. Trí tuệ Con Người luôn có nhu cầu vươn đến tầm cao hơn, không ngừng tìm tòi cái mới, khai phá bí ẩn, thỏa khát chân – thiện- mỹ, tức hướng về cội nguồn của chính nó là Thiên Chúa.

Ý thức phẩm giá có nguồn cội thiêng liêng ấy, Giáo hội luôn đề cao và trân trọng phát triển tri thức nhân loại. Công đồng Vaticanô II quả quyết: Trí tuệ Con Người được kiện toàn trong hiểu biết và nhờ hiểu biết lôi kéo, con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân – thiện – mỹ, rồi từ thế giới hữu hình, Con Người có thể tới thế giới vô hình (MV 15). Như vậy, lý trí chân chính không những giúp đời sống Con Người thăng tiến trong năng động – phong phú mà còn có thể hiểu biết- yêu mến Thiên Chúa như là Cứu cánh của đời người.

Thông thường, khoa học nhân văn coi nhận thức Con Người phát triển qua hai giai đoạn: cảm tính và lý tính. Lý trí được coi như chiếc cầu giúp nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác…) nhất thời, mau qua, cần trực tiếp với nhận thức lý tính (trí tuệ) và không ngừng giúp con người lý tính phát triển khả năng tư duy[4]. Bây giờ, nhờ mạc khải, ta biết thêm để hoàn thiện thống nhất Con Người không thể thiếu chiều kích Thần học (nhận thức thần học). Thần học không hẳn là thần luận như trong các triết gia, tôn giáo tự nhiên là dùng lý trí tự nhiên suy tư về Thượng đế (Thượng đế học) không cần phải có tương quan với Ngài, không đòi cần có Đức tin; trái lại thần học dựa trên mạc khải của Thiên Chúa, có Đức tin soi dẫn nhằm tìm hiểu, đào sâu thêm Đức tin. Người có Thần học là con người có Đức tin, dùng lý trí để đào sâu đức tin, để kiện toàn đời sống nhân đức (đối thần và nhân bản) luôn đặt trong tương quan với Thiên Chúa.

Chính nơi Con Người Thần học, Con Người không chỉ tìm được cội nguồn, cứu cánh của đời người, mà còn làm động lực phát triển tư duy nhằm thăng tiến Con Người trong đời sống hiện sinh. Tuy nhiên, như đã nói, tội lỗi làm con người trở nên yếu đuối, dễ hướng chiều sự dữ nên Trí tuệ nói riêng, và Con Người nói chung luôn cần được giáo dục. Nhờ giáo dục, phẩm giá trí tuệ được gọt giũa, nhào nặn trở nên tinh tuyền hơn, giúp ta biết biện phân điều hay lẽ phải, tích cực nâng cao phẩm giá lương tâm, cũng như thấy rõ hơn sự cao cả của tự do (x. MV 16-17).

Vai trò của giáo dục: Với vai trò khai trí giúp Con Người nhận ra và sống đúng phẩm giá cao quý của mình, giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng (ngày nay càng khẩn cấp). Quyền được hưởng một nền giáo dục xứng hợp là quyền căn bản của tất cả mọi người. Nền giáo dục xứng hợp là nền giáo dục phát huy chân lý và Đức ái (x.GD. 0-1). Ý thức mình có nhiệm vụ săn sóc toàn diện đời sống Con Người, kể cả đời sống trần tục, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa, Giáo hội đã – đang và luôn tích cực mở mang và phát huy nền giáo dục chân chính. Nhờ nền giáo dục xứng hợp mà các nhân đức luân lý tự nhiên vốn tốt được tăng trưởng (CG 1839t).

Rõ ràng, qua giáo dục các tính năng của một thụ tạo giống Hình ảnh Thiên Chúa được thể hiện, là đang sống theo ý Chúa. Hẳn nhiên, không như kiến thức, đến một lúc nào đó (hay thủ đắc được một trình độ nào đó) Con Người có quyền thôi học nhưng với giáo dục thì gắn bó theo con người cho đến hơi thở cuối cùng, bởi nó không chỉ góp phần làm nên tư cách – nhân đức và luôn cần hiện diện giúp ta ý thức sống tốt, sống ra người hơn. Nhân đức ‘thủ đắc’ nhờ quá trình luyện tập thường xuyên, vẫn có khả năng biến chất, bị mất, chính vì thế người có giáo dục đích thực là người ý thức tự giáo dục cao.

Nhà thần học Dòng Tên thời Danh K. Rahner coi người có giáo dục, tức những người tốt sống theo lẽ lương tâm, theo chân lý phổ quát là ‘Kitô hữu vô danh‘ (chưa được Phúc âm hóa nhưng vẫn được công chính bởi ân sủng Đức Kitô)[5]. Tuy nhiên, sống theo tự nhiên trong thân phận yếu đuối bởi tội chắc chắn còn nhiều hạn chế, nhất là trong một thế giới tục hóa có thể dẫn đến những sai lầm trong hành động, do đó Con Người phải cần đến mạc khải của Thiên Chúa (CG 2244). Nói cách khác, cần đến nền giáo dục Kitô giáo.

  1. Nền giáo dục Kitô giáo – nền giáo dục toàn diện hướng đến đời sống mới:

Giáo dục Kitô giáo nhằm phát triển toàn diện Con Người từ thân xác trí tuệ đến những khả năng tâm linh dựa theo những chuẩn mực của lý trí và mạc khải, cũng như nhờ sự trợ giúp của Ơn thánh, để chuẩn bị cho ta có thể một đời hạnh phúc và hữu ích trên trần gian này, đồng thời hướng đến đời sống vĩnh cửu thiên đàng mai sau[6]. Bởi Con người là Hồn – Xác hợp nhất, bất khả phân ly, nên nền giáo dục toàn diện không thể chấp nhận lối giáo dục thiên lệch (nặng về kiến thức, nhẹ về đạo đức hay ngược lại), hoặc một nền giáo dục độc quyền, đầy ý thức hệ, không tôn trọng chân lý phổ quát, trái với tự nhiên (x.GD 6).

Không chỉ dừng lại ở nền giáo dục đầy đủ nhằm đào tạo nên người hơn, giáo dục Kitô giáo như một con đường của sự thánh hóa (CG. 902). Đối với Kitô hữu, nền giáo dục chính đáng nhắm đến một Đức tin trưởng thành, hướng đến đời sống mới trong Đức Kitô.

Quả thế, nơi Con Người cũ, tội lỗi dẫu không phá huỷ bản tính tốt đẹp của tạo dựng nhưng không thể làm con người tự hoàn thiện nếu không có ơn Chúa, không có mạc khải soi dẫn. Mà Ân sủng – mạc khải của Thiên Chúa chính là Đức Kitô – Giêsu, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15). Ngài mới là Con Người đích thực, là hình ảnh Thiên Chúa đúng nghĩa mà thụ tạo giống Hình ảnh Thiên Chúa quy chiếu, nhờ Người và trong Người được viên mãn. Thánh Phaolô nhìn Đức Kitô chính là Ađam mới đem lại sự sống, ân sủng của Thiên Chúa, đối lại Ađam cũ bởi bất tuân, đem đến sự chết nhằm làm nổi bật Ân sủng tình yêu nhưng không của Thiên Chúa trước tội lỗi (Rm 1,12-21; 1Cr 15,21t). Kitô hữu trong Ađam mới đã thực sự được tái sinh nhờ Đức tin khi chịu phép Thánh Tẩy, đã thực sự có đời sống mới nhưng vẫn mang thân phận của Ađam cũ – qua truyền sinh, nghĩa là ta vẫn mang trong mình bản tính với tất cả những yếu đuối, dễ nghiêng chiều tội lỗi. Trong đời sống mới nhờ sức mạnh Thánh Thần của Đức Kitô, bổn phận của mỗi người Kitô hữu không ngừng ‘gột bỏ’ (thanh luyện) con người cũ để mặc lấy con người mới là Chúa Giêsu (Ep 4,17-32; Cl 3,9t)[7].

Như thế, hướng đến Đời sống mới trong Đức Kitô, giáo dục Kitô giáo muốn đưa Con Người đạt mức kiện toàn. Chỉ trong Đức Kitô hình ảnh Thiên Chúa nơi Con Người mới đạt thành trọn vẹn, người có học và người có giáo dục theo tự nhiên mới tìm được ý nghĩa – cứu cánh đích thực của mình. Trong đời sống mới, đời người không chỉ tìm thấy sức sống, hạnh phúc ý nghĩa ở đời này mà còn đảm bảo cho đời sống viên mãn mai sau. Hy vọng đời sống đời sau càng thôi thúc Kitô hữu cải thiện đời sống, sống hết mình với hiện sinh, tích cực góp tay xây dựng một nền văn minh thấm đẫm tính văn hóa sự sống, nên hòa bình thịnh trị trong tương quan anh em có chung một người Cha.

Tóm lại: Trong nhãn quan Kitô giáo, trí tuệ có phẩm giá cao đẹp phản ảnh hình ảnh Thiên Chúa nơi Con Người. Người có học là người góp phần triển nở sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi trí tuệ Con Người. Bởi con người đã sa ngã, nên trí tuệ có nguy cơ mất phẩm giá nên luôn cần được giáo dục để sống có nhân bản hơn. Người có giáo dục, trên bình diện đầy đủ hơn, là người đã biết sống giá trị làm người. Nền giáo dục đích thực hay người có giáo dục đúng nghĩa đồng thời là người quan tâm phát triển trí tuệ, bởi hơn ai hết họ biết nhờ sự phát triển này ‘cái tâm’ của họ sẽ được triển nở cùng với lý trí. Như thế người có học hay người có giáo dục là người đang thể hiện hình ảnh Thiên Chúa đã được Ngài khắc ghi ngay từ thuở đầu tạo dựng, đặc thù (có học) và toàn diện (có giáo dục).

Trong nhất thể, sự biện phân người có học, người có giáo dục để thấy rõ hơn giá trị đặc thù chứ không được biệt lập và không thể có việc tách rời. Nói theo ngôn ngữ triết học, ‘có giáo dục’ đào luyện Con Người tăng tiến cái Là, làm nên bản thể người; ‘có học’ giúp con người phát triển cái Có, là những tuỳ thể, giúp bản thể phong phú, triển vọng hơn. Nói chung, tất cả đều cần thiết giúp con phát triển, đều là ‘dung môi‘ cần thiết để Con Người đón nhận Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6).

* Thay lời kết:

Dưới nhãn quan Kitô giáo, Con Người là một tuyệt tác của Đấng Tạo Hóa khi Ngài trực tiếp tạo dựng Con Người theo Hình ảnh của Mình, một hữu thể mầu nhiệm, luôn mở với thao thức vô biên.

Công trình tạo dựng của Thiên Chúa, kể cả Con Người đang trong tiến trình hoàn thiện. Con Người và vũ trụ vẫn đang lớn lên, kiện toàn trong sự Quan phòng của Thiên Chúa. Trong tiến trình ấy, với tư cách làm chủ, lý trí – ý chí con người trong tình yêu liên vị góp phần đắc lực đưa công trình Tạo dựng đạt đến điểm Omega[8]. Để làm được điều đó, con người không chỉ là người có học mà quan trọng hơn phải là người có giáo dục. Chính trong con người thứ hai này mới diễn tả rõ hơn căn tính người, biết mình có phẩm giá cao quý, có tương quan với Thượng Đế (hữu thể tôn giáo) sống đời này nhưng tin và hướng về đời sau vĩnh hằng. Con người có giáo dục dễ đón nhận và sống mạc khải của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu.

Đức Kitô- Giêsu, mặc khải của Thiên Chúa, trong Người và chỉ trong Người nhân loại mới đạt thỏa mọi vấn nạn, khát vọng, giải tỏa mọi bế tắc. Đấy là điều mà Giáo hội, nhờ giáo dục muốn giúp Con Người, cách riêng Kitô hữu đạt thành. (Tháng Năm- 2010)

* Ký Hiệu Văn Kiện Trích Dẫn:

MV – Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay (Gaudium et Spes).

GD – Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis).

CG – Giáo Lý Công Giáo, 1992.

* Tài Liệu Tham Khảo Chính:

1/ Sách giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1992. Bản dịch của UBGLĐT, trực thuộc HĐGM.VN, 2010.

2/ Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Giáo Hoàng Học Viện PIO X- Đà Lạt, 1972.

3/ Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập 8, Roma 2009.

4/ Luis F.Ladaria, Nhập Môn Nhân Học Hướng Thượng, người dịch Lâm Văn Sĩ, O.P, 2009.

5/ Georg Langemeyer, Nhân Văn Luận Thần Học Qua Các Tác Giả.

6/ Jean Mauroux, Quan Niệm Kitô Giáo Về Con Người, biên dịch Trần Thái Đỉnh- Nguyễn Bình Tĩnh, ĐCV Huế, 1997.

7/ Marcel Neusch – Bruno Chenu, Tham Quan Xứ Sở Thần Học, phiên dịch L.m Nguyễn Hồng Giáo, OFM.

8/ Lm. Phêrô Lê Văn Chính, Nhân Học Kitô Giáo, ĐCV Thánh Giuse, 2005.

9/ Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, biên dịch Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, Lao Động, 2007.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 116 (tháng 1 & 2, năm 2020)

Lm. Đaminh Hương Quất

__________

[1]  x. Samuel Enoch Stumpt, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, tr.41t.

[2]  Nghị viện Châu âu (PACE) cuối tháng 01-2006 đã nhất trí ra Nghị quyết số 1481 lên án Hitler, Stalin là tội ác chống nhân loại (BBC), https://assembly.coe.int/nw/xml/XRef/Xref-XML2HTML-en.asp?fileid=17403&lang=en (truy cập 5/2020).

[3] x. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, T8, tr.44t.

[4] x. Phan Tấn Thành, sđd 77t.

[5] x Marcel Neusch- Bruno Chenu, Tham Quan Xứ Sở Thần Học. tr 138.

[6] x. Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, mục từ Giáo dục Kitô giáo.

[7] x. Điển Ngữ thần học Kinh Thánh, từ Ađam. II- Ađam mới

[8] Theo nhãn quan của cha Dòng Tên Teilhard de Chardin, được Công đồng Vat. 2 chuẩn nhận: Đức Kitô là Alpha và Omega.