Viết lời tựa cho cuốn sách “Một nhịp cầu với Trung Quốc – Đức Giáo hoàng và Phái đoàn Tòa Thánh tại Bắc Kinh (1919-1939)”, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận định: “Đọc lại nỗ lực của các Giáo hoàng trong tương quan với Trung Quốc sẽ giúp chúng ta có thể xây dựng một bước tiến trong tương lai”.
Đức Hồng y viết: “Trước hết, chúng tôi muốn thể hiện lòng quý mến của chúng tôi đối với toàn thể dân tộc Trung Quốc”. Với những lời này, Đức Giáo hoàng Piô XII bắt đầu Tông thư Cupimus imprimis được viết trong năm 1952 dành cho dân tộc Trung Quốc, đang phải sống trong một thời điểm lịch sử thực sự khó khăn. Trong giai đoạn này, nhiều giám mục, linh mục và giáo dân đang dấn thân loan báo Tin Mừng bị cản trở các hoạt động hoặc bị trục xuất. Đức Giáo hoàng muốn đến gần họ và trong hoàn cảnh này ngài viết: “Một lần nữa, tâm hồn chúng tôi hướng về anh chị em và như một người cha, chúng tôi đặc biệt muốn gửi thư này để an ủi, khuyên nhủ anh chị em, chúng tôi biết rõ nỗi thống khổ, những lo lắng và nghịch cảnh của anh chị em”.
Đức Hồng y tin rằng đây là bối cảnh và tình cảm dựa trên Tin Mừng, đã thúc đẩy Tòa Thánh luôn tìm cách thiết lập tương quan với Trung Quốc. Và điều này đã được Đức Biển Đức XV thể hiện trong năm 1919, qua Tông thư Maximum illud. Cùng với Tông thư này, các phương pháp truyền giáo được linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh của thời đó, tránh việc nhìn Công giáo là thành phần của thế lực nước ngoài. Với sự can thiệp mang tính biểu tượng đó, Đức Biển Đức XV đã khởi xướng “cuộc cách mạng” loan báo Tin Mừng thực sự trên khắp thế giới, nhưng rõ ràng là trái tim của ngài đặc biệt hướng về Trung Quốc.
Tiếp theo, Đức Piô XI không bỏ qua dự án đã được vị tiền nhiệm khởi xướng. Ngài đã thiết lập một Phái đoàn Tòa Thánh tại Trung Quốc, với mục đích phục vụ như một liên kết cho tất cả sứ vụ của vùng đất này. Đặc biệt ngài còn bổ nhiệm Đức Hồng y Celso Costantini làm Khâm sứ Tòa Thánh đầu tiên tại Trung Quốc. Trong sứ vụ này, Đức Hồng y trở thành người thông dịch uy tín và can đảm của dự án và đã đặt nền móng vững chắc cho công cuộc loan báo Tin Mừng trong tương lai ở Trung Quốc. Đức Khâm sứ đã có nhiều đóng góp quan trọng cho tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc như: triệu tập công đồng toàn thể đầu tiên và cho tới nay là duy nhất của Trung Quốc, nhiều lần thúc giục Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc.
Theo Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hoàn cảnh hiện nay cũng đang đặt chúng ta trước tính cấp bách của sự hiểu biết và đối thoại. Vì vậy, ngài hy vọng sách “Một nhịp cầu với Trung Quốc – Đức Giáo hoàng và Phái đoàn Tòa Thánh tại Bắc Kinh (1919-1939)” có thể xây dựng một bước tiến theo nghĩa này. Các trang sách có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời quý giá, bắt nguồn từ những nỗ lực, tình yêu của các Đức Giáo hoàng dành cho Trung Quốc.
Đức Hồng y Parolin kết luận: “Đây là niềm hy vọng của chúng ta, sẽ trở nên chắc chắn, bởi vì chúng ta cảm thấy rằng tất cả đều nằm trong kế hoạch không phải của chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa”.