Trong những ngày này, cả thế giới đang lao đao vì những con vi-rút bé xíu có tên là Corona. Số nạn nhân tăng luỹ tiến từng ngày khiến tất cả chúng ta ít nhiều đều cảm thấy sợ hãi. Dòng chủ lưu truyền thông thời gian vừa qua đều liên quan đến vấn đề phát tán dịch bệnh này. Bên cạnh những thông tin về phòng tránh, người ta cũng bắt đầu phân tích các thành phần chịu trách nhiệm cho sự phát tán đó, mà một trong những phần lỗi lớn nhất thuộc về sai lầm của chính quyền Trung Quốc, vì họ đã cố tình che dấu dịch bệnh. Đúng như một số người đã nhận xét, sai lầm của họ không chỉ là vấn đề của một đường lối chính trị hay một chiến lược quản trị, mà sâu xa hơn là vấn đề của một nền luân lý đã không đặt giá trị sinh mạng con người ở mức tối thượng. Nhưng bây giờ chúng ta tạm thời bỏ qua chuyện này, mà xét từ bối cảnh của ‘sự đã rồi’ ở hiện tại, tức khi dịch bệnh đã phát tán tràn lan, để suy nghĩ về cách thức chúng ta đang đối xử với nhau như thế nào.
Như sử liệu nhắc nhở, dịch bệnh không phải là một sự kiện hiếm gặp, mà nó thường xuyên xảy ra trong lịch sử con người, trong có có những dịch bệnh khủng khiếp làm chết hàng triệu người ở thời Trung Cổ, cho tới những dịch gần đây như Ebola năm 1976 hay SARS năm 2002.
Cho tới năm 1878, tức trước khi nhà khoa học Pasteur phát hiện ra sự tồn tại của các loài vi khuẩn, nhân loại vẫn không biết nguyên nhân thực sự của các bệnh truyền nhiễm là gì. Có nhiều thời điểm, họ còn nghĩ rằng dịch bệnh là do thần ô uế hay quỷ dữ nhập vào người. Vì vậy, thời xưa, khi dịch bệnh xảy đến, người ta đều đưa ra giải pháp giống nhau: cách ly. Hình thức và mức độ cách ly tuỳ thuộc vào tính nguy hiểm và phạm vi lây lan của dịch bệnh, nhưng thường thì các dịch bệnh lớn đều dẫn đến những kiểu cách ly thô bạo, đi kèm với sự kỳ thị lẫn những đối xử phi nhân dành cho bệnh nhân. Họ hoàn toàn bị loại ra ngoài xã hội, và thậm chí có những trường hợp bị chôn sống.
Trong cơn dịch Corona hiện nay, giải pháp chính được đưa ra để giảm thiểu độ lây lan vẫn là ‘cách ly’. Tất nhiên, đó là một điều chính đáng, vì nếu không dùng giải pháp này thì chúng ta hầu chắc không kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng điều ngạc nhiên là, từ những thông tin và hình ảnh tương đối khả tín trên truyền thông, hình thức cách ly hiện nay vẫn mang tính thô bạo, kỳ thị và phi nhân không khác mấy ngày xưa. Ví dụ, có những người bị nhốt hẳn trong chung cư, bị người ta hàn cửa chính lại để không thoát được ra ngoài. Có những người bị đuổi bắt, bị trói và đem về trại tập trung vì nghi bị nhiễm bệnh. Người ta cũng xây cả những bệnh viện lớn và tập trung người bệnh lại một chỗ với những điều kiện thiếu thốn; và như thế, nó trở thành nơi hiểm nghèo cho các bệnh nhân, vì họ vừa có nguy cơ bị lây chéo các bệnh khác, vừa phải sống trong một môi trường vi-rút đậm đặc, và lại vừa không được chăm sóc tử tế từ thể chất lẫn tinh thần.
Vậy là, dù hiểu biết của con người đã tiến một bước dài, nhưng cách chúng ta đối xử với nhau trong những lúc hoạn nạn vẫn không hề thay đổi! Có thể nói rằng, điều chính yếu ở đây không phải là chúng ta chiến đấu với con vi-rút, mà chúng ta đang chiến đấu cho bản năng sinh tồn của mình. Vấn đề ở chỗ: đó là cuộc chiến mang tính vị kỷ, ‘bất chấp’. Người ta hầu như đang bất chấp tất cả để tìm sự an toàn cho mình. Những giải pháp ‘cách ly’ đều được quyết định bởi những kẻ khoẻ mạnh, và dường như cũng chỉ đặt mục tiêu lợi ích cho những người chưa bị bệnh, chứ không phải cho những người bị nhiễm. Và ngược lại, một số bệnh nhân cũng tìm mọi cách trốn tránh để không bị rơi vào tình trạng nguy hiểm nơi các điểm tập trung, bất kể sự trốn tránh của mình có thể gây thêm tai hoạ bệnh tật cho người khác. Về điểm này, chúng ta lại giống hệt như những con vi-rút. Thực thế, những con vi-rút chỉ có thể kí sinh nội bào bằng cách xâm nhập vào tế bào chủ và sử dụng vật liệu di truyền của tế bào chủ để tự nhân lên. Nói cách khác, vi-rút sinh tồn theo kiểu ‘bất chấp’. Chúng tìm mọi cách sinh tồn mà không cần để ý đến thiệt hại của ai khác.
Hoá ra, khi đụng đến lằn ranh sống chết, phần lớn chúng ta lại hành xử chẳng khác gì một con vi-rút ư? Tất nhiên, có thể không phải mọi người đều hành động giống nhau, nhưng ở mức chung thì chúng ta có thể nói như vậy. Nếu vậy, hoá ra hàng triệu năm ‘tiến hoá’ cũng chỉ có thế thôi sao? Vì thế, lúc này chúng ta phải đặt lại câu hỏi về hạt nhân của ‘nhân tính’. Điều gì thực sự làm nên căn cốt của nhân loại, để ngay cả khi đụng đến lằn ranh sinh tử, chúng ta vẫn hành xử theo đúng cốt cách riêng biệt của con người, thay vì hành xử như những con vi-rút?
Tất nhiên, đây là câu hỏi mang tính siêu hình triết học, nên không dễ gì đưa ra những trả lời vắn tắt. Tuy nhiên, chúng ta thử xét câu hỏi này trong phạm vi bối cảnh xã hội hiện đại mà mình đang sống. Vào năm 1789, để làm nền tảng cho cuộc Cách Mạng Pháp, người ta đã trưng lên khẩu hiệu: liberté, égalité, fraternité (Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái). Đằng sau khẩu hiệu đó là nền tư tưởng mang đậm tính Chủ Nghĩa Ánh Sáng, vốn xác định vị trí trung tâm dành cho con người, và tuyên bố rằng căn bản của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng nhân loại chính là lý trí, và rằng cũng chỉ có lý trí là tiêu chuẩn duy nhất xác lập và quyết định cho mọi bước tiến của loài người.
Nhân loại đã từng lạc quan và tự tin rằng chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đầy nhân bản và tiến bộ hơn, dựa trên nền tảng này. Và quả thật, cuộc cách mạng đó đã biến đổi bộ mặt của cả thế giới. Điều phải kể đến đầu tiên chính là những tiến bộ vượt bậc trong nhiều lãnh vực, từ khoa học kỹ thuật cho tới văn hoá và chính trị xã hội. Những phát hiện y khoa của Pasteur là ví dụ điển hình cho dòng chảy tiến bộ đó. Nó cũng kéo theo những thăng tiến, ít nhất là ở phạm vi tư tưởng hay từ các tuyên ngôn, về địa vị và phẩm giá của con người, mà Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền 1948 là một minh chứng điển hình.
Nhưng, liệu nền tảng duy lý có thực sự đủ để xây dựng một nền nhân bản vững vàng? Lịch sử thế giới từ đó đến nay, nhất là bối cảnh dịch bệnh hiện tại, cho thấy rằng những tầm nhìn quá lạc quan như nói trên đều là ảo tưởng. Chính những con vi-rút bé xíu kia đang phơi bày sự thật đó! Cơn dịch bệnh trong những ngày qua đang cho thấy rằng nền tảng nhân tính mà người ta dày công xây dựng từ hạt nhân duy lý không hề vững chắc; và chỉ cần một biến cố cũng đủ khiến nó lung lay. Châu Âu nói riêng và Nước Pháp nói chung, nơi được xem là có nền văn minh đầy chiều sâu, và cũng là nơi khởi phát cho cuộc cách mạng duy lý, lại là một trong những nơi có biểu hiện kỳ thị chống người Trung Quốc đầu tiên. Tất nhiên, điều phải ghi nhận là những dối trá của chính quyền và của một số cá nhân Trung Quốc đã khiến họ bùng lên cơn giận dữ, nhưng rõ ràng nó cũng cho thấy rằng nền tảng khoan dung của họ đã không đủ sâu và đủ lớn để có thể thông cảm và bỏ qua cho sai lầm nghiêm trọng của người khác.
Vậy là, khi đặt nền trên hạt nhân duy lý, dù với những nỗ lực lớn lao, từ những lý thuyết giáo dục nhân bản, những chủ nghĩa anh hùng phim ảnh, cho tới những câu chuyện văn học lãng mạn và đầy tính hy sinh, vv., chúng ta đều không thực sự xây nên được một nền nhân tính đủ sâu và đủ vững. Lý do vì, nếu không được đặt trên một nền tảng siêu vượt khác, ‘trí tuệ lý thuyết’ của con người, với khuynh hướng tìm các giải đáp rạch ròi cho mọi vấn đề và đòi thiết lập một trật tự xã hội công bằng theo kiểu công thức, không thể chỉ ra một viễn tượng tận căn cho một thế giới đầy đa dạng, mâu thuẫn, và bí ẩn. Hơn nữa, ‘trí tuệ thực hành’ của chúng ta luôn bị bao vây bởi những ‘lực hấp dẫn’, như quyền lực, lợi lộc, danh vọng, vv., nên ngay cả bản thân nó cũng không đủ ‘khách quan’ khi vạch ra các định hướng chung cho cả cộng đồng.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề về hạt nhân nền tảng của nhân tính. Tất nhiên, lý trí luôn là điểm căn bản cho mọi dự án, mọi phương hướng của đời sống con người. Nhưng lý trí đó cần được đặt nền trên một điểm tựa nào khác sâu xa hơn nó, để không chỉ cung cấp những lý do siêu hình, mà còn để thanh luyện khuynh hướng duy lợi trong các hoạt động tư duy của nó. Thiết tưởng, chính tại điểm này, chúng ta phải trở lại với những nền tảng và kiến giải cao sâu của các tôn giáo.
Để hướng dẫn con người xây dựng và phát triển nhân tính, hầu hết các tôn giáo chân chính đều tập trung vào khái niệm lòng nhân, vì chính lòng nhân là điểm gặp gỡ giữa con người và Thượng Đế. Các bậc tôn sư tâm linh đều dạy ta điểm giác ngộ đó. Nói như phái Tâm học bên Trung Hoa, tình yêu – vốn gắn với sự thực hành lương tâm – chính là phương cách đạt được tận cùng của bản tâm, tức tình trạng thiên uyên nhất thể với vạn vật và với Trời. Phật giáo cũng lấy đức Từ Bi làm nền tảng, như nhận xét của Đạt Lai Lạt Ma: “tôn giáo đích thực là sự tử tế, là lòng nhân ái.” Tương tự, Ki-tô giáo cho rằng tình yêu và khả năng yêu thương là điều con người được chia sẻ bản tính của Thiên Chúa cách rõ nhất, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì vậy, khi nhấn mạnh đến lòng nhân và đặt nó trong nền tảng tâm linh, chúng ta mới thấy được viễn tượng lớn lao và cao sâu mà nhân tính có thể đạt tới, vì tình yêu tự nó có biên cương bao la – do vốn thuộc về Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, con người như thể được trải rộng và chạm đến chiều sâu nhất của hiện hữu mình, có thể kinh nghiệm phần nào điều thuộc phạm vi vô cùng và siêu việt. Trong viễn tượng đức tin, có thể nói đó là kinh nghiệm ‘đụng chạm’ đến Thiên Chúa. Chính trong kinh nghiệm tình yêu mà con người thấy rõ nhất việc mình và tha nhân thuộc về Thiên Chúa, thấy mình là hình ảnh của Người.
Chỉ khi trở lại với viễn tượng đó, như suy tư của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong Thông điệp Deus caritas est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), chúng ta mới bớt quy hướng về mình để tìm kiếm hạnh phúc cho người khác, và rồi cuối cùng sẽ tự hiến và mong muốn ‘sống’ vì tha nhân. Đó là cuộc gặp gỡ trong chiều sâu bản chất của Eros và Agape.[1] Khi đặt nền trên tình yêu trong đức tin, nhân tính chúng ta được mở ra một chân trời vượt qua bên kia lãnh vực riêng của lý trí, đồng thời thanh luyện cho lý trí thoát khỏi những mù quáng để trở nên chính nó cách tốt đẹp hơn, giúp nó biết chu toàn trách vụ cao cả của mình. Chính những lý lẽ và nguyên do thiêng liêng mới làm cho hành động của con người mang ý nghĩa và giá trị tối hậu.
Nếu hình dung chúng ta đang có một nền tảng nhân tính vững chắc như thế ngay lúc này, điều gì sẽ xảy ra trong việc đối phó với cơn đại dịch corona? Xét cho cùng, con vi-rút không phải là một ‘loài thông minh’. Nó không có bất cứ ‘kế hoạch tính toán’ nào để lây lan. Vì thế, mức độ phát tán của nó phụ thuộc chính yếu vào ứng xử của con người. Nếu lòng nhân của thế giới đủ sâu và rộng, những người có dấu hiệu bị nhiễm sẽ chủ động đi kiểm tra và chủ động tránh tiếp xúc để bảo vệ cho người khác. Họ có thể tự cách ly ở nhà, nhưng cũng sẵn sàng đến những điểm cách ly chung mà không cần chạy trốn, vì họ biết trách nhiệm, đồng thời ý thức rằng mình sẽ được yêu thương và chăm sóc. Còn những người khoẻ mạnh: họ vừa tìm cách bảo vệ cho mình và cho những người khác, nhưng đồng thời cũng biết quan tâm, lo lắng và chăm sóc trong khả năng có thể đối với những người bệnh tật. Cả xã hội sẽ dồn các nguồn lực để chăm sóc và nghiên cứu phương thức chữa trị. Các thông tin sẽ minh bạch và chân thực; sẽ không ai cố tình che dấu hay làm nhiễu loạn để gây hoang mang trở ngại, vì tất cả đều được lòng nhân hướng dẫn. Nếu viễn tượng đó diễn ra, trong thời đại tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện nay, hẳn những con vi-rút này không thể mang lại đại dịch cho nhân loại được!
Có lẽ chưa bao giờ cả nhân loại lại cảm thấy số phận con người gần nhau, gắn chặt với nhau như lúc này. Cùng chung số phận, nếu không có khả năng tương trợ, gánh vác cùng nhau và cho nhau, thì chỉ có thể đẩy nhau vào thảm hoạ. Cả nhân loại đang cần tình người phát lộ hơn bao giờ hết, cần quay lại với sự dịu dàng như lòng mẹ để bao bọc và chăm sóc và hy sinh cho nhau trong cơn hoạn nạn. Có lẽ đó cũng là bài học lớn mà Thiên Chúa muốn con người rút ra như một phần ý nghĩa của đau khổ. Vì vậy, chung trong lời cầu cho các nạn nhân và cho thế giới trong cơn đại dịch, chúng ta cũng cầu mong cho nhau biết quay lại với nền tảng lòng nhân trong đức tin, để xây dựng một thế giới thật sự nhân bản hơn. Đó là giải pháp căn cơ nhất, không phải chỉ đối với cơn dịch này, mà đối với toàn thể đời sống xã hội tương lai của nhân loại.
[1] Deus caritas est, số 5-6.
Khắc Bá, S.J – Vatican News