“Vườn địa đàng nhỏ”, nằm ở vùng ngoại ô thành phố Johannesburg của Nam Phi, là một thiên đàng nhỏ ở giữa lòng những khác biệt. Ông bà Domitilla và Daniel đã biết vượt qua các thử thách của luật phân biệt chủng tộc. Ngày nay tổ chức phi chính phủ của họ đón tiếp các trẻ em bị khuyết tật nặng, những trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi.
Ước mơ truyền giáo từ thời niên thiếu
Domitilla Rota là người Bergamo, miền bắc Ý. Ngay từ khi còn là một bé gái, Domitilla đã bị thu hút bởi châu Phi, nơi mà cô tưởng tượng sẽ là điểm đến của cuộc đời truyền giáo. Vào năm 1943, Domitilla quen với Daniel Hyams, một quân nhân trẻ người Nam Phi khi anh trên đường trốn khỏi một trại tập trung gần Bergamo và đang trên đường trốn sang Thụy Sĩ. Daniel ẩn trốn tại các ngọn đồi ở Almeno và đã được gia đình Domitilla tiếp đón.
Daniel và Domitilla đã trao đổi những lời thề hứa về tình yêu vĩnh cửu. Khi chiến tranh kết thúc, Daniel tiếp tục hoàn tất chương trình đại học ở Nam Phi, và vào năm 1947, Daniel trở lại Ý và kết hôn với Domitilla vào ngày 08/09 năm đó.
Bà mẹ của hàng trăm trẻ em khuyết tật
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ Daniel và Domitilla lên đường đi Johannesburg. Dù đã có với nhau 6 đứa con nhưng tinh thần truyền giáo trong lòng Domitilla vẫn không vơi đi. Bà đã thực hiện một cách làm mẹ mới: bà trở thành người mẹ yêu thương của hàng trăm trẻ em khuyết tật tâm trí bị loại bỏ. Hai vợ chồng đón nhận các em từ những vùng ngoại ô, nơi những người da màu sống tách biệt, giúp cho các bà mẹ không thể hoặc không thể chăm sóc con cái họ, cải thiện điều kiện sống của các trẻ em.
Ông Daniel nghỉ việc tại hãng Dược phẩm Roche để làm việc với vợ, và họ cùng nhau vượt qua văn hóa của các rào cản và cái nhìn vô lý, xem sự tàn tật như một thứ bị bỏ đi của thế giới. Sau một thời gian ngắn trở về Ý để thăm gia đình và vượt qua cám dỗ ở lại đó, ông bà đã nhờ những người đồng hương của họ giúp đỡ.
“Vườn địa đàng nhỏ”
Và vào năm 1967, 20 năm sau khi ở Nam Phi, một vài lần di chuyển và với lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, ông bà Domitilla và Daniel đã tìm thấy ở Edenvale, tỉnh Gauteng, một khu vực nhỏ để thành lập “Vườn địa đàng nhỏ”, nơi cư trú cho các thiên thần nhỏ của họ. Đến năm 1991, họ thành lập thêm làng Elvira Rota ở Bapsfontein.
Hai cơ sở được thành lập với cùng một cảm hứng mạnh mẽ, ít được trợ cấp từ chính phủ và phụ thuộc vào quyên góp, ngày nay được phát triển nhờ các thành viên gia đình, các nhân viên và tình nguyện viên, những người yêu quý ông bà Daniel và Domitilla. Bà Domitilla là “nữ anh hùng của Nam Phi”, như tổng thống Nelson Mandela đã chào khi gặp gỡ bà.
Bắt đầu án phong chân phước
Ngày 11/02 năm nay, án phong chân phước cho ông bà Domitilla và Daniel đã được bắt đầu. Đức tổng giám mục của Johannesburg đã nhận định: “Bà Domitilla xem những người khuyết tật tâm thần quý giá như nhau trong mắt của Chúa và có quyền được giúp đỡ … Cùng với chồng, bà đã làm một điều phi thường … Đây là hai cuộc đời được sống với lòng biết ơn và đức tin”.
“Mỗi người chúng ta được gọi trở thành bàn tay của Chúa Giêsu”
Không phải vô tình mà mà Domitilla đã nói rằng “mỗi người chúng ta được gọi trở thành bàn tay của Chúa Giêsu”. Không phải tự nhiên mà bà Domitilla, một người trung thành với việc cầu nguyện hàng ngày như được ghi lại trong các trang nhật ký, đã ao ước rằng tại hai cơ sở đón tiếp của bà, những người cư trú và các nhân viên được đồng hành tâm tinh. Tại hai nơi này có nhà nguyện và có sự hiện diện của các nữ tu Ấn Độ dòng Gương Chúa Giêsu. Không phải không có lý do khi Đức cha Davide Pelucchi trong cuốn sách “Người phụ nữ của các thiên thần nhỏ” nhắc lại tiệc cưới Cana và hình ảnh của các chum đầy rượu, khẳng định rằng chứng tá của đôi vợ chồng Domitilla và Daniel “là gương mẫu khiến Hội đồng Giám mục Nam Phi mở án phong chân phước cho họ”. Trong hoàn cảnh đó, người ta nhận ra chiều kích tâm linh của một sự dấn thân, được để lại như một gia sản, được đặt ở trung tâm sự thánh thiêng của cuộc sống, bông hoa được vun trồng trong vườn địa đàng nhỏ này, nơi chăm sóc và đồng hành trở thành tình yêu và hy vọng.
Hồng Thủy – Vatican