Trong cuộc viếng thăm trụ sở của phong trào Scholas Occurentes tại Tòa nhà San Calisto ở Roma, Đức Thánh Cha nói rằng nơi nào có chiến tranh thì chính trị nơi đó bị thất bại. Ngài cũng nói rằng thật đau lòng khi thấy các linh mục làm phép vũ khí, những công cụ giết người.

 

 

Scholas Occurrentes là Tổ chức Quốc tế thuộc Tòa Thánh, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, nhằm mục đích “đáp lại lời kêu gọi tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ và gắn kết những người trẻ lại với nhau trong một nền giáo dục tạo ra ý nghĩa.” Nó hiện diện thông qua mạng lưới tại 190 quốc gia và tiếp cận hơn 1 triệu trẻ em.

Chiều ngày 20/5 Đức Thánh Cha đã gặp những người trẻ, giảng viên và khách mời để thông báo về việc thành lập phong trào Scholas Occurentes tại Washington, Hoa Kỳ; Valencia, Tây Ban Nha; Chaco, Argentina; và Sydney, Úc.

Chiến tranh là thất bại của chính trị

“Người trẻ có thể làm gì để thay đổi chính trị?” Trả lời câu hỏi của một thiếu niên, Đức Thánh Cha nói rằng có một bài kiểm tra để hiểu xem chính trị có hoàn thành sứ mạng của nó như là “hình thức cao nhất và vĩ đại nhất của bác ái” hay không, và để xác minh “danh dự xứng đáng của một quốc gia”, đó chính là chiến tranh. Ngài nói: “Hãy nhìn nơi có chiến tranh; thì ở đó có sự thất bại của chính trị. Một hình thức chính trị không có khả năng đối thoại để tránh chiến tranh thì thất bại; nó chấm hết.”

Một quốc gia đáng vinh danh

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng bài kiểm tra sự đáng tôn vinh của một quốc gia là: “Bạn có chế tạo vũ khí không? Bạn có thúc đẩy chiến tranh không? Bạn có kiếm được của cải nhờ bán vũ khí để người khác giết nhau không? Ở đó, chúng ta có thể thấy liệu một quốc gia có đạo đức tốt hay không.” Và ngài nói thêm: “Ngay cả đối với tôi, tôi nói một cách chân thành, tôi rất đau lòng khi thấy các linh mục làm phép vũ khí. Những công cụ của sự chết thì không được chúc lành.”

“Tình yêu là chính trị, là xã hội cho mọi người. Và khi thiếu đi tính phổ quát của tình yêu, thì chính trị sẽ thất bại, và trở nên bệnh tật hoặc tồi tệ.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi đối thoại bởi vì “những ý kiến khác nhau” là “chìa khóa của chính trị”, điều phải luôn khao khát “hiệp nhất và hòa hợp”.

Giếng biểu tượng của sự tái sinh

Những người hiện diện trong cuộc gặp gỡ đã đào, cách tượng trưng, một cái giếng trong một cái bình đất, được đặt trong lớp học. Trước khi ban phép lành, Đức Thánh Cha nói rằng hành động này được xem là biểu tượng của sự tái sinh, của việc tái khởi động và cũng là của “rủi ro”. “Scholas không thể được hiểu nếu không có thái độ mạo hiểm này.”

 

Hồng Thủy – Vatican News