09/10/2024

Nguy hại biết bao khi các Kitô hữu “không sống nhất quán”, và các mục tử “bại liệt”, những người không làm chứng, và vì thế rời xa lối sống của Chúa Giêsu – Đấng làm mọi sự từ “thẩm quyền” đích thực của mình. Trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm nay, Đức Thánh Cha tập trung vào những từ khóa ấy, khi ngài đề cập đến dân Chúa, dân “hiền lành” và “khôn ngoan”, phải chịu đựng nhưng cũng biết phân biệt được sự giả hình.

 

“Chúa Giêsu đã dạy như một đấng có thẩm quyền.” Tin Mừng thánh Marcô hôm nay (Mc 1, 21b-28) thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu giảng dạy trong đền thờ và phản ứng của dân chúng trước cách hành xử đầy “thẩm quyền” của ngài, hoàn toàn khác so với các kinh sư. Khởi đi từ sự so sánh ấy, Đức Thánh Cha giải thích sự khác biệt giữa việc “có thẩm quyền”, “cái uy nội tại” như Chúa Giêsu, so với việc “thực hành quyền bính mà không có thẩm quyền, như trường hợp của các kinh sư” – vốn là chuyên gia trong việc dạy luật và cũng được dân chúng lắng nghe, nhưng họ không tin.

Phong cách của Chúa Giêsu là tử tế

Thẩm quyền mà Chúa Giêsu có là gì? Đó là phong cách tử tế và thanh lịch trong cách Người đi lại, dạy dỗ, chữa lành và lắng nghe. Phong cách thanh lịch này là thứ xuất phát từ bên trong và rồi tỏ hiện ra bên ngoài. Điều đó cho thấy điều gì? Sự nhất quán. Chúa Giêsu có thẩm quyền bởi vì Người hội nhất giữa điều Người dạy và điều Người làm, nghĩa là, cách Người sống. Sự hội nhất ấy là điều cho thấy biểu hiện của một người có thẩm quyền: ông ấy có thẩm quyền, bà ấy có thẩm quyền, bởi vì họ hội nhất, nghĩa là họ sống chứng tá. Thẩm quyền thể hiện nơi sự hội nhất và việc làm chứng tá.

Các kinh sư nói mà không làm là những người bị tâm thần phân liệt

Trái lại, các kinh sư là những người không nhất quán. Và Chúa Giêsu, một mặt, cảnh báo dân chúng “hãy làm theo những gì họ nói, chứ đừng làm theo những gì họ làm”, mặt khác, “Người không bỏ lỡ những cơ hội để khiển trách họ, vì với thái độ ấy, họ rơi vào trạng thái tâm thần phân liệt mục vụ: họ nói một đằng mà lại làm một nẻo”. Và trong vài đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy điều ấy xảy ra. Chúa Giêsu phản ứng bằng cách dồn họ vào chân tường, đôi khi bằng cách không cho họ bất kỳ câu trả lời nào, và có lúc, ngài chỉnh lại họ.

Và từ mà Chúa Giêsu sử dụng để chỉnh đốn sự không nhất quán, sự bại liệt ấy chính là từ “giả hình”. Đó là một chuỗi của những lần chỉnh đốn! Chúng ta thử đọc Mt 23, nhiều lần Người nói những kẻ đạo đức giả thế này, những kẻ đạo đức giả thế kia… Chúa Giêsu nói họ là những kẻ đạo đức giả. Đạo đức giả là cách hành động của những ai có trách nhiệm với dân chúng – trong trường hợp này là trách nhiệm mục vụ – nhưng họ không sống hội nhất, họ không phải là những người thanh lịch, họ không có thẩm quyền. Còn dân Chúa là những người hiền lành và phải chịu đựng, chịu đựng rất nhiều những mục tử giả hình, những mục tử bại liệt nói mà không làm, không thống nhất.

Sự không nhất quán Kitô giáo là một vụ bê bối

Nhưng dân Chúa những người phải chịu đựng rất nhiều, có thể phân biệt sức mạnh của ân sủng. Trong Bài đọc Phụng vụ thứ nhất hôm nay, trưởng lão Eli, “đã mất hết thẩm quyền, chỉ còn đặc ân xức dầu và với ân sủng đó, ông đã chúc lành và làm phép lạ cho bà Anna, người phụ nữ hiếm muộn, đang đau khổ khóc lóc xin cho mình được làm mẹ. Và Đức Thánh Cha nhận xét về dân Chúa, về Kitô hữu và các mục tử:

Dân Chúa phân biệt rất rõ giữa thẩm quyền của một người và ân sủng xức dầu. “Nhưng con đến với người ấy để xưng tội đúng không?” – “Nhưng đối với con, đó là Chúa mà. Đúng thế. Đó là Chúa Giêsu.” Và đây chính là sự khôn ngoan của dân chúng, những người phải chịu đựng nhiều lần, nhiều mực tử không nhất quán, nhiều mục tử như các kinh sư, và cả Kitô hữu nữa. Họ đi tất cả các lễ Chúa Nhật, rồi lại sống như kẻ ngoại đạo. Và người ta nói: “Đây là một vụ bê bối, một vụ không nhất quán”. Không biết bao nhiêu điều tai hại khi các Kitô hữu không nhất quán vì họ không làm chứng, khi các mục tử không nhất quán và bại liệt vì không làm chứng!

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời cầu xin: xin cho những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội đều có “thứ thẩm quyền”, “không phải là ra lệnh hay bắt người khác nghe mình, nhưng là hội nhất, là làm chứng tá, và nhờ đó mà trở thành những bạn đồng hành trên con đường của Chúa Giêsu”.

Trần Đỉnh, SJ – Vatican News