Gx. ĐMHCG: Vào lúc 9g30 sáng ngày 19/07/2020, Giới trẻ chúng tôi tiếp tục chương trình học Docat với nhiều khuôn mặt mới lần đầu tham dự. Giới trẻ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam và Nhóm Docat Sài Gòn đã cùng nhau đồng hành, chia sẻ, học hỏi Docat được buổi thứ hai. Được biết Cha đồng hành Anphongsô đã khởi động chương trình học Docat từ đầu năm, nhưng vì dịch Covid-19 chương trình đã bị hoãn lại. Ngay sau khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chúng tôi đã cùng nhau hội tụ lại để học Giáo Huấn của Hội Thánh.
Như ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cha ước mơ có được một triệu người trẻ Kitô hữu, hoặc thậm chí còn nhiều hơn nữa, cả một thế hệ những người đương thời cùng ‘đi bộ, nói chuyện học thuyết xã hội’. Không gì khác sẽ thay đổi thế giới mà là những con người cùng với Chúa Giêsu dấn thân cho thế giới, cùng với Ngài đến với những người sống bên lề xã hội và giữa lấm lem của cuộc đời”. (Trích dẫn nhập sách Docat).
Chúng tôi đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, không phải chỉ bởi Ngài là người Cha chung của Hội Thánh, nhưng còn vì chúng tôi bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của Docat – Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Nắm chắc được giáo lý, nguyên lý của Docat chúng tôi có thể tin tưởng vững vàng bước vào đời sống xã hội để sống và hoạt động như là những Kitô hữu thực thụ.
Vì là đồng hành và chia sẻ, nên cách sắp xếp phòng học, cách trao đổi thảo luận, cách trình bày đều gần gũi với những người trẻ chúng tôi. Chúng tôi cùng học hỏi và thảo luận về chương 3, với chủ đề Nhân Quyền.
Nội dung bài học dựa trên những câu hỏi rất căn bản như:
1. Nhân quyền là gì?
– Nhân quyền là quyền con người, gồm các quyền tự nhiên thiêng liêng và bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
2. Nhân quyền đến từ đâu?
– Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa, Đấng khởi nguồn phát sinh ý tưởng về nhân quyền.
– Nhân quyền không phụ thuộc vào nơi chốn và thời gian.
– Nhân quyền thì bất khả xâm phạm: vì đặt trên nền tảng là phẩm giá bất khả xâm phạm của con người.
– Nhân quyền thì bất khả chuyển nhượng: không ai có thể lấy đi những quyền này của người khác, hoặc có quyền trao ban hay chối từ những quyền này.
3. Nhân quyền cụ thể là gì?
– Quyền được sống: hiện hiện diện ngay từ thời khắc một sinh linh được thụ thai – Quyền tự do ngôn luận – Quyền được kiếm sống – Quyền được kết hôn, sinh con, nuôi con – Quyền tự do tôn giáo, tự do lựa chọn và thực hành tôn giáo.
4. Bản thân mình khi được sử dụng nhân quyền, phải đảm nhận nghĩa vụ và có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền của người khác.
5. Làm thế nào để công lý có thể chiếm ưu thế ở các nước?
Mỗi quốc gia có quyền tồn tại và độc lập, có ngôn ngữ và văn hoá riêng, quyền tự quyết, và tự do hợp tác một cách hoà bình. Các quốc gia cần liên kết và hợp tác với nhau để công lý, nhân quyền được thực hiện.
6. Làm thế nào có thể thúc đẩy nhân quyền và quyền của các quốc gia, dân tộc?
Các hình thức: buôn người, bóc lột sức lao động trẻ em, buôn ma tuý… ảnh hưởng trực tiếp đến nhân quyền, cho nên người Kitô hữu không chỉ bảo vệ nhân quyền của mình khi quyền lợi của mình bị động chạm, nhưng bản thân mỗi người phải nhận thức, có nghĩa vụ bảo vệ quyền cơ bản của tất cả anh chị em mình.
Mỗi chủ đề, câu hỏi đều được đưa ra để thảo luận nhóm và trình bày ý kiến nhóm mình cho tất cả mọi người. Chúng tôi cảm thấy hào hứng với cách thức tiếp cận, học hỏi Giáo huấn của Hội Thánh như vậy, đồng thời chúng tôi cũng ý thức rõ việc chủ động học hỏi, bàn thảo về Docat như lời mời gọi của Đức Thánh Cha.
Buổi đồng hành, học hỏi, trao đổi kết thúc vào lúc 11g00, giữa giờ các bạn có thể uống nước, cà phê, bánh mà tự các bạn chuẩn bị cho nhau. Tạ ơn Chúa vì vẫn có nhiều bạn trẻ mong muốn được hiểu về giáo huấn của Hội Thánh hơn và nhất là muốn được biết chắc chắn những gì Hội Thánh dạy phải sống thế nào trong những xã hội cụ thể, đặc biệt là trên quê hương đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay. Hẹn các bạn trong những buổi sau từ 9g30-11g00 Chúa nhật I và III trong tháng.
CTV Phanxicô
Hình: Viễn Dương và Đức Phước