23/11/2024

Anna Raisa Favale là một giám đốc và nhà sản xuất phim trẻ người Ý. Cô đã đến Kenya, cứ điểm truyền giáo nơi cha Renato Sesana đang hoạt động với các trẻ em đường phố và quay một đoạn video ngắn về hoạt động của cha Renato. Thời gian 10 ngày ngắn ngủi đó đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn cô.

 

Trẻ em ở khu ổ chuột Kibera  (ANSA)

 

Audio

Đến nhìn tận mắt Kibera không phải là điều dễ dàng. Nó được gọi là “Địa ngục của châu Phi” và khi đến đó bạn sẽ hiểu lý do tại sao nó được gọi như thế. Nó là khu ổ chuột lớn nhất ở châu Phi, chỉ cách trung tâm Nairobi của Kenya vài bước. Gần hai triệu người sống trong những điều kiện mà những người đến từ phương Tây không thể nào tưởng tượng nổi.

Sau chuyến bay dài 10 tiếng đồng hồ và một đêm khó mà chợp mắt, tôi như lạc vào một thế giới đa màu sắc nhưng khổ cực: những căn nhà làm từ bùn đất, những đứa trẻ chơi ở các dòng nước hôi thối và xình lầy giữa những đống rác đầy đường phố. Những đứa trẻ chân đất bẩn thỉu đi theo tôi, tò mò với chiếc máy chụp hình của tôi.

Một cảm giác sâu sắc về sự khốn khổ của con người, xen lẫn với sự thiếu thốn trào lên trong lòng tôi. Tôi ở đây để làm một dự án video. Cơ sở của tôi sẽ là Trung tâm Kivuli, một cơ sở dành cho trẻ em đường phố, được cha Renato Sesana thành lập; cha được mọi người gọi là cha Kizito, (tên của vị chân phước tử đạo trẻ nhất ở nước này). Cha là nhà truyền giáo và nhiều năm qua đã cứu vớt cuộc đời của các trẻ em đường phố, mà phần lớn là những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, bị lạm dụng và suy dinh dưỡng. Cha đón các em về trung tâm Kivuli. Trong tiếng Swahili, tên của Trung tâm có nghĩa là “nơi trú ẩn”.

Cha Kizito có đôi mắt to, xanh và sâu; trong đôi mắt cha, bạn có thể thấy cả bầu trời châu Phi, nơi mà cha đã mang trong trái tim cha và Giáo hội Chúa Kitô từ nhiều năm.

Ngày hôm sau là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Tôi khám phá ra một nhà nguyện nhỏ trong trung tâm. Một tấm thảm châu Phi ở sau bàn thờ và những hàng ghế gỗ – thinh lặng, đơn giản và đẹp. Tôi bắt đầu đọc một cuốn sách do cha Kizito viết về câu chuyện các trẻ em ở châu Phi: những câu chuyện về sự nghèo khổ cùng cực, nhưng cũng đầy hy vọng, niềm tin và tâm linh. Dần dần, tôi cảm thấy lòng mình được đổi mới.

Một ít giờ sau, Thánh lễ bắt đầu; các trẻ em của trung tâm tham dự, đọc sách thánh, hát các bài hát bằng tiếng Swahili. Đây là điều xoa dịu trái tim tôi. Đến một lúc, điện bị tắt và chúng tôi chỉ còn có hai ngọn nến trên bàn thờ và những giọng ca của các trẻ em, hát trong một trong những Thánh lễ quan trọng và vui nhất trong năm, một Thánh lễ tràn đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria dành cho mỗi người trong chúng tôi và cho mỗi thiếu nhi đó, những em bé mà dẫu cho tất cả những điều xảy ra, đã không đánh mất nét tinh nguyên trong đôi mắt của các em và niềm vui trong nụ cười.

Chúng tôi cùng nhau múa, hát và cầu nguyện. Trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé đó, tại tâm điểm của Hỏa ngục của châu Phi, chúng tôi đang chạm đến một mảnh của thiên đàng. Mẹ Maria đang mang tất cả chúng tôi với Mẹ và đưa chúng tôi lên thiên đàng trong một khoảnh khắc, một nhịp đập của trái tim.

Chiều hôm đó, Chúa Thánh Thần đã chạm vào tôi, có lẽ sâu sắc hơn bất cứ giây phút nào trong cuộc đời của tôi. Chiều hôm đó, trong bóng đêm, ánh sáng đã chiếu sáng rực rỡ hơn bất cứ buổi chiều nào khác.

Trong cha Kizito và trong cứ điểm truyền giáo của cha, trong đôi mắt của những đứa trẻ, tại trại cư trú giữa những hỗn loạn, tôi đã nhìn thấy sự phục sinh của Chúa Kitô là thật sự và nó chiến thắng sự ác. Tôi đã thấy rằng, như thánh Phaolô nói, dù cho gươm đao, bắt bớ hay sự chết, cũng không thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Đức Giáo hoàng Biển Đức đã từng nói rằng châu Phi là một “’lá phổi’ thiêng liêng to lớn cho một nhân loại dường như đang trải qua khủng hoảng về đức tin và hy vọng.” Trong 10 ngày ngắn ngủi ở Kibera, tôi đã khám phá ra rằng điều này là một sự thật chắc chắn.

Trong video, cha Renato chia sẻ: Truyền giáo là đi, đi ra ngoài, trên các nẻo đường. Khi tôi bắt đầu làm việc với các trẻ em đường phố ở Kenya, đường phố là nơi kinh hoàng đối với tôi: là nơi các trẻ em bị đánh đập, bị lạm dùng bằng hàng ngàn cách thức khác nhau; các em bị đói, phải bới rác tìm thức ăn. Sau đó tôi nhận ra rằng đường phố là nơi chúng ta sống, nơi bạn gặp người khác, nơi xảy ra những điều không ngờ tới, và Thiên Chúa là Chúa của những điều bất ngờ. Nếu bạn đóng cửa ở trong nhà, nếu bạn khép kín mình lại, thì những điều bất ngờ không bao giờ xảy đến. Vì vậy, đó là nơi bạn nhận ra rằng Thiên Chúa đang mời gọi bạn làm điều gì đó, đang mời gọi bạn làm điều gì đó hơn nữa, điều gì đó khác hơn, điều gì đó mới hơn.

Hồng Thủy – Vatican