Trong các giáo huấn gần đây của ĐTC Phanxicô, chủ đề về phân định có một tầm quan trọng, nó không chỉ đại diện cho một phương pháp mục vụ, mà còn tạo thành một chỉ dẫn giáo huấn thực sự. Chủ đề này đã được giáo sư Maurizio Gronchi tổng hợp trong bài viết với tựa đề “Lương tâm và phân định thiêng liêng theo giáo huấn của ĐTC Phanxicô”.

 

Mối tương quan giữa đạo đức lương tâm và sự phân định thiêng liêng được hình thành trong một chân trời nhân chủng học phổ quát, nơi mà các tín hữu có một khuôn mặt nổi bật chiêm ngưỡng: Chúa Giêsu Kitô.

Theo quan điểm Kitô giáo, Thiên Chúa biết trước, đồng hành và theo sát con người trong việc phân định và hành động. Mọi sự đều phụ thuộc vào sáng kiến Thiên Chúa, nhưng đồng thời còn phụ thuộc vào tự do trách nhiệm của con người.

Cuộc gặp gỡ với sáng kiến của Thiên Chúa xảy ra ở đâu? Hay đúng hơn, tôi đang ở đâu; tại những nơi, hoàn cảnh và trải nghiệm cuộc sống mà tôi cảm thấy bị chất vấn bởi một điều khác. Công đồng Vatican II (Gaudium et spes, 16) chỉ ra đó chính là lương tâm.

Trong các giáo huấn gần đây của ĐTC Phanxicô, chủ đề về phân định có một tầm quan trọng, nó không chỉ đại diện cho một phương pháp mục vụ, mà còn tạo thành một chỉ dẫn giáo huấn thực sự. Chủ đề này đã được giáo sư Maurizio Gronchi tổng hợp trong bài viết với tựa đề “Lương tâm và phân định thiêng liêng theo giáo huấn của ĐTC Phanxicô”. Nội dung chính bao gồm: Các yếu tố nền tảng của phân định thiêng liêng trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium; cụ thể hóa việc phân định trong mục vụ, theo quan điểm của thần học luân lý trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương- Amoris laetitia; một số chi tiết đào sâu việc phân định trong Tông huấn Vui mừng và Hoan hỉ – Gaudete et exsultate và Tông huấn Đức Kitô sống – Christus vivit.

Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – Evangelii gaudium nói về việc tham gia của mỗi Giáo hội địa phương trong quá trình phân định. Các Giáo hội địa phương và các giám mục địa phương có trách nhiệm “phân định tất cả các vấn đề phát sinh trong lãnh thổ của mình, liên quan đến toàn thể dân Chúa. Trong hành trình này, các tín hữu phải đóng góp tích cực bởi vì, “như một phần của mầu nhiệm tình yêu đối với nhân loại, Thiên Chúa ban cho tất cả các tín hữu với một trực giác đức tin giúp họ phân định những gì thực sự đến từ Thiên Chúa» (119).

Đời sống Kitô hữu là một đáp trả của tình yêu tự do và có trách nhiệm đối với tình yêu nhưng không, vô điều kiện của Thiên Chúa: mọi đức tính đều phục vụ cho việc đáp trả tình yêu này. Không tin tưởng vào tính ưu việt của ân sủng, tôn giáo có nguy cơ trở thành nô lệ. Vì vậy, phân định trở thành con đường chính cho một hành trình từng bước, được ân sủng hỗ trợ, giúp vượt qua ánh sáng và bóng tối đan xen trong suốt cuộc đời (42).

Tông huấn Niềm vui Yêu thương – Amoris laetitia giao phó việc phân định cho các vị mục tử, qua việc đón nhận và đồng hành, giúp các tín hữu hòa nhập vào đời sống Giáo hội.

ĐTC khẳng định, các tín hữu được kêu gọi phân định cá nhân, chứ không phải các mục tử. Tông huấn đưa ra mối tương quan ý nghĩa giữa các tín hữu và các vị mục tử, đó là mối tương quan giữa hạt giống Ngôi Lời và tình trạng không hoàn hảo của con người. Do đó, chủ đề hạt giống của Lời cho phép chúng ta có cái nhìn tích cực đối với những trải nghiệm gia đình không trọn vẹn, không hoàn hảo, bị tổn thương. Tông huấn chỉ ra phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, theo đó Giáo hội phải chỉ ra khuôn mặt kiên nhẫn và yêu thương của Thiên Chúa, đồng hành và nâng đỡ tính mỏng dòn của tất cả những người con của Giáo hội trên đường đời, ban cho họ ân sủng. Vì thế, bổn phận phải hành động với sự phân định khôn ngoan thuộc về sự chăm sóc mục vụ của Giáo hội, đồng hành với những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các gia đình bị thương tổn.

Trong chương VIII của Tông huấn, động từ “phân định” được sắp xếp là động từ chính, ở giữa hai động từ khác: đồng hành và hòa nhập sự mỏng dòn. Khi tình yêu vợ chồng bị thương tổn, Giáo hội chăm sóc những người đang sống trong đau khổ, để họ có thể tìm lại con đường Tin Mừng. Để đồng hành và hòa nhập những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, điều cần thiết là các vị mục tử phải quan tâm đến từng người một. Sáu tiêu chí trong việc phân định: 1) trình bày với Giáo hội và sám hối; 2) trách nhiệm của cha mẹ; 3) mối tương quan mới; 4) bác ái và công bằng đối với các ngươi phối ngẫu trước đó; 5) hiệu quả công khai của quan hệ mới; 6) chứng tá đối với những người chuẩn bị đính hôn.

Phân định cá nhân phải đi cùng với phân định cộng đoàn. Trên thực tế, khi tham gia vào đời sống Giáo hội, các tín hữu sống trong hoàn cảnh khó khăn có thể tìm thấy sự nâng đỡ nơi cộng đoàn. Các tín hữu sống trong mối quan hệ thứ hai phải được hòa nhập và không bị loại trừ. Bổn phận không thể thay thế của cộng đoàn Kitô giáo là nâng đỡ và hỗ trợ sự phân định cá nhân. Việc này được các tín hữu thực hiện với linh mục, qua sự tham gia tích cực của họ vào đời sống Giáo hội, đặc biệt là qua việc thực hành bác ái.

Tông huấn Vui mừng và Hoan hỉ – Gaudete et exsultate: Từ cái nhìn thiêng liêng, ĐTC Phanxicô nói về sự phân định. Đời sống Kitô hữu liên quan đến một cuộc chiến liên tục, chống lại cám dỗ của ma quỷ, loan báo Tin mừng và để ăn mừng chiến thắng. Chiến đấu, tỉnh thức và phân định là những công cụ có sức mạnh chống lại những cạm bẫy của kẻ ác. Không được cho rằng “ma quỉ là một huyền thoại, một hình dung, một biểu tượng, một hình ảnh hay một ý tưởng” (161).

Để biết một điều đến từ Thánh Thần hay từ thế gian hoặc ma quỷ thì cần phải phân định. Và điều này không chỉ thực hành trong những lúc đặc biệt, nhưng là hằng ngày, như là công cụ chiến đấu để theo Chúa tốt hơn.

Phải luôn luôn nhớ rằng phân định là một ân sủng. Và mặc dù, phân định bao hàm lý trí và sự cẩn trọng, nhưng ân sủng vẫn vượt trên chúng. Vì vậy, không phải cùng một giải pháp có giá trị trong mọi tình huống, và điều hữu ích trong một bối cảnh có thể không hữu ích trong một hoàn cảnh khác.

Tông huấn Đức Kitô sống – Christus vivit kết thúc với chủ đề “phân định”, nói đến ơn gọi của người trẻ trong thế giới. Giới trẻ ngày nay phải sống trong một sự hỗn loạn với những tương tác ảo, dễ trở thành những con rối trong tay người khác. Do đó, huấn luyện lương tâm, học cách phân định, để nhận ra hành động của Thiên Chúa trong chính kinh nghiệm mỗi ngày là một điều cần thiết. Thinh lặng, thường được cho là không tạo ra được gì hữu ích, nhưng trong thực tế thinh lặng tạo điều kiện lắng nghe, dành không gian cho Thiên Chúa, Đấng đang trao ban cho chúng ta một điều gì đó nhiều hơn và chúng ta có nguy cơ không nhận ra Ngài vì sự xao lãng của chính chúng ta. Do đó, cần phải tự hỏi: Tôi có biết chính bản thân mình? Điểm mạnh và điểm yếu của tôi là gì? Tôi có thể làm gì cho xã hội? Tôi có các kỹ năng cần thiết cho công việc tôi dự định thực hiện không? Đây là những câu hỏi chuyển sự chú ý từ bản thân tôi sang người khác.

Để phân định ơn gọi, chúng ta phải biết rằng đó là lời mời gọi của một người bạn: Chúa Giêsu. Chúa ban cho bạn hữu của Ngài những điều tốt nhất, Ngài ban cho chúng ta ân sủng đầy tràn để chúng ta làm cho cuộc sống chúng ta được triển nở và để chúng ta có thể làm điều hữu ích cho người khác. Tất nhiên, đó là một ân ban đòi hỏi, người nhận phải cộng tác với ân sủng, nhưng không phải là một điều cần thiết áp đặt từ bên ngoài, mà là một sự kích thích dẫn đến việc trao chính mình cho người khác. Đối với những ai đồng hành với người trẻ trong việc phân định ơn gọi, việc lắng nghe là không thể thiếu, cần phải có ba cảm nhận chính: quan tâm, phân định, lắng nghe những xung động mà các kinh nghiệm khác hướng tới.

Ngọc Yến – Vatican