21/11/2024
(Mẹ lên trời – tranh của Juan Martin Cabezalero -1665)

“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.” (Lc 1,39-40)

Kinh Thánh nói Đức Maria vội vã lên đường để đến thăm viếng bà chị họ Êlisabét. Tại sao Mẹ phải vội vã lên đường? Vâng, trước tiên để loan báo tin vui vì Mẹ được chọn để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng có một lý do cụ thể hơn, gần hơn đó là để phục vụ bà chị họ cũng đang mang thai được sáu tháng. Kinh Thánh nói rằng, Mẹ ở với gia đình bà Êlisabét ba tháng cuối cùng, cho đến khi bà Êlisabét hạ sinh thánh Gioan Baotixita.

Đức Hồng Y Martini khi nói về thái độ quan tâm của một người nữ và cũng là của Đức Maria thì lại viện dẫn đến trình thuật Kinh Thánh “Tiệc cưới Cana” (Ga 2,1-12) trong Tin Mừng Gioan. Một người phụ nữ mới được tin mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, sẽ mau mắn nhớ đến một người phụ nữ khác cũng đang mang thai trong lúc tuổi già, mà ở đây chính là bà chị họ Êlisabét. Thái độ ấy, ĐHY Martini định nghĩa như sau: “quan tâm là thái độ tỉnh thức của ‘cái tôi’ đối với tha nhân, là cái nhìn trong sáng, sự mau mắn nhận ra tín hiệu nỗi đau thầm kín để ân cần giúp đỡ”. [1]

Thái độ quan tâm là nét son trong cuộc đời Đức Maria và điều đó được minh chứng cách rõ ràng trong tiệc cưới tại Cana. Mẹ tham dự tiệc cưới tại Cana, nhưng ở đó Mẹ làm gì? Một người phụ nữ, một người mẹ đi dự lễ cưới, vì thế, Mẹ phục vụ, giúp đỡ, ăn uống, trò truyện, nhưng đồng thời Mẹ ung dung quan sát những gì đang xảy ra và nắm bắt cách tổng quát các sự việc. Nhờ tinh thần sẵn sàng phục vụ, nhưng lại ân cần và kín đáo, Mẹ đã sớm nhận ra những gì mà không ai thấy được: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,4). ĐHY Martini kết luận: “quan tâm là một cách yêu thương chân thành, tế nhị, vô vị lợi, ân cần. Và cũng là tâm tình của một người mẹ dành cho đứa con đang hình thành trong bụng; là thái độ của một người cha dành cho một đứa trẻ đang chơi trong sân nhà kế bên”. [2] Chính thái độ quan tâm này của Đức Maria được thể hiện trong gia đình bà chị họ Êlisabét, được bày tỏ qua lời cầu xin của Mẹ với Chúa Giêsu để giải gỡ tình trạng nguy khốn khi thiếu rượu của gia chủ ở Cana.

Được thúc đẩy bởi thái độ quan tâm, Mẹ Maria vội vã lên đường hoặc mau mắn mở lời với Chúa Giêsu xin Ngài làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon. Có cái gì đó trong tâm hồn của một người phụ nữ, một người mẹ sao đẹp lạ thường – người nữ và cũng là người mẹ đó là Đức Trinh Nữ Maria. Không biết, trong những sự kiện xảy ra suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ có biết là, sau này Mẹ phải chăm sóc một dòng dõi đông như sao trên trời? Mẹ có nhớ tới lời hứa mà Đức Chúa đã thực hiện cho tổ phụ Ápraham (x. St 15,5)? Và bây giờ, dòng dõi ấy là dân giao ước mới, một dân được máu châu báu của Con Mẹ đổ ra trên thập giá để cứu chuộc. Cũng tại chân cây thập giá đẫm máu năm xưa, Mẹ một lần và mãi mãi nhận dòng dõi này làm con của Mẹ.

Đoạn Kinh Thánh trích dẫn ở đầu bài này là của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhưng cùng bản văn này, Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế đã dịch như sau: “Trong những ngày ấy, chỗi dậy, Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Yuđa: bà vào nhà Zacarya và chào Êlisabet.” (Lc 1,39-40). Không hiểu sao, bản thân tôi rất thích từ “đon đả”! Theo từ điển tiếng Việt, đon đả nghĩa là: “Có cử chỉ nhanh nhảu, thái độ vồn vã khi tiếp xúc với ai”.[3] Đon đả, nghĩa là vừa mau chóng nhanh nhẹn nhưng lại không hấp tấp; vừa vồn vã thân thưa hỏi han và quan tâm nhưng lại nhẹ nhàng ân cần kín đáo. Những điều này tràn ngập tâm hồn một người nữ, một người mẹ là tên là Maria. Không phải ngẫu nhiên Đấng đáng kính, Đức tổng giám mục Fulton Sheen đã nói về sự “đon đả” này của Đức Maria như sau: “Bà luôn luôn hối hả làm việc thiện. Bà chủ ý vội vàng. Bà là cô gái trẻ đầu tiên của nền văn minh Kitô giáo. Người nữ vội vàng đi gặp người nữ. Họ phục vụ người thân cận tốt nhất của mình. Lúc người ta có Đức Kitô trong mình, là lúc người ta phục vụ người thân cận với hết tâm hồn mình.”[4]

Mừng lễ Mẹ lên trời, Hội Thánh ca mừng ơn cứu độ của Đức Kitô, Con của Mẹ đã ban dẫy tràn trước tiên trên cuộc đời của Mẹ Maria. Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác, đó là một cuộc tôn vinh hiệu quả của mầu nhiệm cứu độ cách trọn vẹn và toàn hảo nhất. Mẹ lên trời, nhưng Mẹ vẫn nặng lòng với trần gian, Mẹ vẫn “đon đả” với trần gian. Mẫu tính của Mẹ chẳng bao giờ phai nhạt, mà bây giờ còn mạnh mẽ và hữu hiệu hơn xưa. Những gì là nét son về sự ân cần phục vụ, về việc “đon đả” trên miền sơn cước trần gian nay lại tỏa sáng chói lọi như những tia nắng mặt trời. Chẳng phải Mẹ đã nhận dòng dõi được cứu chuộc này làm con của Mẹ hay sao? Mẹ lên trời là để gần trần gian hơn và “đon đả” với đoàn con đang lữ hành dưới thế. Mẹ vấn thế, nhẹ nhàng ân cần quan sát đoàn con, để chúng chưa kịp lên tiếng thì Mẹ đã biết rõ những yếu đuối và khốn khó, để rồi kín đáo nói với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi!

Những ngày dịch bệnh, những ngày tháng cách ly dài đằng đẵng, chúng con vẫn thấy bóng dáng Mẹ đâu đó ngoài kia! Những người con của mẹ đon đả trên các cung đường để đem thực phẩm cho người nghèo. Mưa, nắng, gió… vẫn ân cần, quan tâm phục vụ. Nếu đúng con cái Mẹ như vậy, thì chắc chắn Mẹ thỏa lòng vì: “Lúc người ta có Đức Kitô trong mình, là lúc người ta phục vụ người thân cận với hết tâm hồn mình.” Còn nữa, những gia đình đang gặp bao nỗi khốn khổ, bị chia cắt vì cách ly; những người chết không người thân bên cạnh; những người mất việc, tiền cạn dần không biết bám víu vào đâu; những lao động tự do nay đây mai đó, sống nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người – Mẹ vẫn cứ “đon đả” trong tâm hồn con cái Mẹ, để một lần nữa Mẹ và con cái của mẹ ở bên cạnh họ và ân cần phục vụ. Chúng con ý thức rằng, chúng con vẫn phải băng qua trần gian này, giữa những thử thách đầy bi thương, xin Mẹ nuôi dưỡng niềm hy vọng và đồng hành với chúng con. Một sớm mai của niềm tin, hy vọng chúng con lại được ở bên Mẹ cách trọn vẹn và được cùng Mẹ tôn vinh Thiên Chúa hằng sống đời đời.

Mừng lễ Mẹ lên trời, lại thấy Mẹ gần gũi hơn bao giờ hết! Mẹ lên trời nhưng vẫn mãi mãi “đon đả” với trần gian.

Tu viện DCCT Sài Gòn

(Mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời 15.08.2021)

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

Chú thích:

[1] ĐHY Martini, Người nữ mang ơn hòa giải, Nguyễn Thị Sang dịch, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2011, tr.12

[2] ĐHY Martini, Người nữ mang ơn hòa giải,…, tr. 13

[3] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003, tr. 330

[4] Đức TGM Fulton Sheen, Mối tình muôn thuở, Lưu Tấn dịch, Nhà xuất bản Phương Đông, 2007, tr. 56